Không quá khó để nhận ra câu chuyện của bộ phim "Mất tích đêm 30" dựa trên vụ án từng gây chấn động dư luận về nữ sinh giao gà ở Điện Biên. Nhưng đạo diễn Hàm Trần chọn cách khai thác từ góc độ tâm lý. 7 tập phim được kể từ góc nhìn của các nhân vật khác nhau để đi sâu vào góc khuất trong mỗi con người, để đi tìm câu trả lời rằng: "Tại sao chuyện này lại có thể xảy ra?", "Tại sao những con người tưởng như bình thường, đơn giản lại đi đến tội ác như vậy?"...
Một số hình ảnh trong phim (ảnh: Đoàn phim cung cấp)
"Mất tích đêm 30" có sự hấp dẫn của thể loại tâm lý tội phạm, chủ đề gây chú ý, bên cạnh đó nội dung phim còn chạm đến những giá trị nhân văn. Bộ phim muốn truyền tải đến người xem thông điệp: "Đôi khi yêu thương thôi là chưa đủ, các thành viên trong gia đình cần phải có sự chia sẻ để thấu hiểu nỗi khổ tâm của nhau". Nỗi đau của những nhân vật trở nên sâu đậm hơn khi giữa các thế hệ có khoảng cách khó lấp đầy, có những tâm tư mãi mãi không thể được thổ lộ ra chỉ vì "để sau Tết hãy nói". Chọn ra mắt đúng dịp Tết (bắt đầu từ ngày 29 Tết cho đến mùng 6 Tết Giáp Thìn), nhà sản xuất và đạo diễn Hàm Trần mong muốn lan tỏa mạnh mẽ thông điệp gia đình, để trân trọng hơn mỗi giây phút ở bên người thân.
Với nội dung được xem là "nặng", với những vai diễn đòi hỏi nỗ lực hóa thân từ dàn diễn viên như Kiều Trinh, Lý Hồng Ân, Mai Thế Hiệp, Nguyễn Ngọc Lâm… đạo diễn Hàm Trần mang đến thêm một số yếu tố hài nhẹ nhàng qua một số vai phụ như của Đình Khang. Tình tiết người mẹ (do Kiều Trinh đóng) livestream không chỉ gây chấn động cả vùng quê mà cũng tạo nên sự mới lạ cho bộ phim.