Nguyễn Hữu Trí sở hữu kênh Youtube có tới hơn 170.000 người theo dõi. Theo lời tự giới thiệu, anh cho biết mình từng là 1 trong 3 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất tại trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Hiện tại anh đang trực tiếp giảng dạy hơn 140 khóa huấn luyện của chương trình ‘Awake Your Power’ (đánh thức tiềm năng). Anh từng làm huấn luyện cho giảng viên Đại học Văn Lang, lãnh đạo của Tập đoàn Johnson & Johnson, Vinamilk,...

Các video về nội dung phát triển bản thân do anh thực hiện nhận được nhiều sự ủng hộ của người xem. Trong đó video nói về ngành công nghiệp self-help được đánh giá là video "hay nhất, sâu sắc, thẳng thắn và ít ai đề cập đến nhất".

Chúng tôi xin phép trích đăng lại toàn bộ phần chia sẻ của anh dưới đây.

Mặt trái của công nghiệp self-help: Ném con người vào vòng xoáy kiệt sức, cái giá phải trả là bạn không bao giờ thấy đủ đầy và hạnh phúc - Ảnh 1.

1. Cú bẻ lái của ngành công nghiệp self-help

Mặc dù những cuốn sách self-help và khóa học phát triển bản thân chỉ nở rộ ở Việt Nam vào khoảng 15 năm về trước nhưng thẳng thắn mà nói, những khóa học về kỹ năng sống thực chất đã ra đời từ hơn 2.500 năm trước với những vị thầy đi tiên phong như Lão Tử, Khổng Tử, nhà tiên tri Muhammad,…

Nếu đặt yếu tố tôn giáo hoặc thần thánh hóa sang một bên, những lời dạy này thực chất là kỹ năng để hướng dẫn con người cách sống, cách cư xử sao cho đúng đắn khôn ngoan, mục đích là hướng con người tới sự bình an bên trong của họ.

Rồi tất cả những bài giảng, kỹ năng, nghi thức, thực hành đó được duy trì và phát triển trong suốt gần 3.000 năm cho đến khi cú bẻ lái đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 20, chính xác là khoảng năm 1937. Đó là sự ra đời của 2 cuốn sách self-help bán chạy nhất mọi thời đại: Think and Grow Rich (tựa Việt: Nghĩ giàu, làm giàu) của Napoleon Hill và How to Win Friends and Influence People (tựa Việt: Đắc nhân tâm) của Dale Carnegie.

Đây là 2 cuốn sách tôi rất tò mò, hứng thú và dĩ nhiên hiệu quả của những nguyên tắc kỹ thuật mà chúng chia sẻ là tuyệt đối không thể chối bỏ. Với ngành công nghiệp self-help, sự ra đời của 2 cuốn sách này có thể ví như sự ra đời của động cơ hơi nước với cách mạng công nghiệp và của Internet với cách mạng thông tin.

Vì sao?

Vì cú bẻ lái quan trọng về suy nghĩ và tư tưởng mà 2 cuốn sách này tạo ra. Với cuốn Think and Grow Rich của Napoleon Hill, nếu tựa đề là Think and Grow thì không có gì khác biệt, cái quan trọng là Grow Rich, không phải Grow Happy, Grow Peaful. Còn với cuốn của Dale Carnegie, tiêu đề dịch chính xác là cách để có nhiều bạn bè và xây dựng ảnh hưởng lên người khác.

Các bạn nhìn thấy cú bẻ lái chưa? Nếu lời dạy của 2.000 năm trước là cách tìm kiếm bình an, hạnh phúc ở bên trong, thì bây giờ mục đích cho sự trưởng thành là đạt được sự giàu có, các mối quan hệ và khả năng ảnh hưởng lên người khác. Đó là những thứ ở bên ngoài.

Tất nhiên tôi không có vấn đề gì với tiền bạc, quyền lực, sự ảnh hưởng- chúng là những phương tiện, vũ khí hiệu quả. Chỉ là nếu lọt vào tay những người mà sâu thẳm bên trọng họ là sự giận dữ, tự ty, lòng thù hận,…thì sẽ tạo nên những con người như Hitler, có khả năng tạo ảnh hưởng đỉnh cao nhưng lại để nhân loại hứng chịu thảm kịch khủng khiếp.

Các phương pháp, kỹ thuật không sai nhưng sẽ là thiếu sót kinh khủng nếu không được dẫn dắt bởi những giá trị và nhân cách vững vàng bên trong, ví như sự dũng cảm, kiên trì, trung thực, nhân hậu, hay lòng từ bi,…

Vấn đề là khi chúng ta bị choáng ngợp bởi tiền bạc, cơ hội và sự nổi tiếng, chúng ta lại chưa đủ khôn ngoan, sâu sắc để cảm nhận và thấu hiểu.

Đó là điều thôi thúc giáo sư Stephen R. Covey viết cuốn sách "7 thói quen hiệu quả", (tựa gốc: The 7 Habits of Highly Effective People). Thật thú vị là sau 30 năm, cuốn sách này may mắn vượt qua tất cả các sách self-help trước đây, giữ vị trí sách self-help tốt nhất đến hôm nay mặc dù đây có khi cũng không phải mục tiêu mong đợi của tác giả.

Nhìn lại hình trình của mình, mất vài năm theo trend dạy kiếm tiền, dạy làm giàu, khởi nghiệp thì tôi mới dần thấm thía bài học của thầy Stephen R. Covey. Tôi tin là bạn làm gì cũng được, làm bánh, làm bác sĩ chuyên khoa, cắm hoa, đi bán sữa, nuôi chó mèo hay làm mẹ, làm một chị gái ngầu lòi,… chỉ cần lắng nghe, nuôi dưỡng sự bình an, nghị lực và niềm say mê từ bên trong mình thì tự khắc tiền bạc, các mối quan hệ sẽ đủ đầy và sâu sắc.

2. Self-help: Dùng những thứ bên ngoài để đánh giá sự trưởng thành bên trong

Điều tăm tối thứ 2 của ngành công nghiệp self-help đến khi người ta dùng kết quả và những thứ bên ngoài để đánh giá sự trưởng thành của mỗi người.

Vì mục đích trưởng thành là giàu có và nổi tiếng nên chúng ta rất dễ so sánh: Bạn có bao nhiêu tiền, Facebook của bạn có bao nhiêu người theo dõi, bạn làm chức vụ gì,… Đã có một thời mục tiêu lớn nhất của giấc mơ Mỹ là Who want to be millionaire (ai muốn thành triệu phú). Vì vậy, tôi nghĩ, giống như trường học, cả nền công nghiệp self-help được xây dựng dựa trên sự so sánh và ganh đua, hay nói cách khác niềm tin về sự khiếm khuyết của bản thân mình so với một hình mẫu chuẩn mực, thành công nào đó.

Bạn chưa đủ tự tin? Bạn chưa đủ dũng cảm? Bạn nói không dõng dạc? Bạn bắt tay chưa đủ mạnh, mục tiêu chưa đủ lớn? Bạn làm việc chưa đủ nhiều, quyết liệt và chăm chỉ?,… Dĩ nhiên nhấn mạnh vào khiếm khuyết bản thân sẽ thôi thúc các bạn ngấu nghiến tất cả kỹ năng, công nghệ mới mẻ để trở nên giỏi hơn, ngầu hơn, để rồi chinh phục cột mốc thành công ngày càng cao hơn nữa.

Bạn có biết cái giá lớn nhất phải trả cho niềm tin về sự khiếm khuyết bên trong là gì không? Chúng ta không bao giờ cảm thấy đủ, chẳng bao giờ cảm thấy thỏa mãn, bình an và hạnh phúc. Bất cứ lúc nào cũng thấy mình không trọn vẹn, luôn tìm kiếm, xoáy sâu khiếm khuyết của chính mình. Quá trình đó khiến ta kiệt quê, hủy hoại sự tự tôn của chính chúng ta. Rồi sau một thời gian chiến đấu, chinh phục ta lại thấy mình nhỏ bé, tự tin, bất an. Ta lại không chấp nhận được điều đó và tiếp tục ném mình vào một cuốn sách, khóa học self-help đắt tiền hơn, học với người thành công hơn, nổi tiếng hơn.

Giống như trường học, cả nền công nghiệp self-help được xây dựng dựa trên sự so sánh và ganh đua, hay nói cách khác niềm tin về sự khiếm khuyết của bản thân mình so với một hình mẫu chuẩn mực, thành công nào đó.

Thẳng thắn đi. Đó là một hành trình kiệt sức. Đến một ngày bạn không tin vào self-help nữa sau khi bạn kiệt quệ vì đốt nhiều tiền vào đó. Bạn không tin vào các nguyên tắc, kỹ năng mới mẻ nữa. Và điều khủng khiếp đó là không tin mình có thể thay đổi và trưởng thành. 

Đó là một vòng xoáy không lối thoát và vô cùng tốn kém. Đó chẳng phải là lý do người ta khai sinh ra ngành công nghiệp này hay sao? Napoleon Hill thực chất là một người ám ảnh với chuyện trở nên giàu có, phải làm gì để kiếm được rất tiền.

Một lần nữa, tôi không phủ nhận sự sâu sắc của các kỹ năng, tư duy mà self-help mang lại. Mà tôi nghĩ quan trọng là bạn phải tiếp cận bằng sự hứng thú, bằng sự yêu thương với những ấp ủ, giá trị hoài bão của riêng mình, không phải bằng sự so sánh và cái nhìn hà khắc với chính mình.

Vì vậy thay vì thái độ căm ghét, phủ định tất cả sai lầm, yếu đuối của mình như cách tôi tự chỉ trích tuổi 19 của bản thân rồi lao vào ngấu nghiến self-help, với học trò của mình, tôi dạy họ cách ôm ấp và thấu hiểu sự yếu đuối của chính mình. Thay vì phê phán hãy học cách yêu thương bản thân, chuyển hóa thất bại hay các biểu hiện yếu đuối thành cơ hội nhận thức, hành động, đó là nền tảng cho sự chuyển đổi bên trong mỗi con người.

Suy cho cùng, trong sự khai sinh cốt lõi của giáo dục, tôi tin nên bắt đầu bằng lòng từ bi và tiếng nói của hạnh phúc.

3. Ngành công nghiệp self-help là lẽ ra phải là ngành nông nghiệp

Vì con người không phải một cỗ máy cơ khí để lắp ráp, điều khiển, sửa chữa, mà là một sinh vật hữu cơ, cần nuôi dưỡng, uốn nắn, và tạo điều kiện để tự phát triển. Thực chất đấy là một thất bại chung cho giáo dục khi bị công nghiệp hóa như các ngành sản xuất hàng loạt khác.

Và nguyên tắc của giáo dục hàng loạt là tạo ra một khuôn mẫu, rồi dập khuôn đó xuống tất cả sản phẩm một cách giống nhau. Đỉnh cao của công nghệ sản xuất này là thứ đặc biệt nổi tiếng hiện nay, NLP Neuro - Linguistic - Programming, lập trình ngôn ngữ tư duy. Hãy nghĩ rằng bạn là máy vi tính còn chúng tôi sẽ cài đặt cho bạn phần mềm tốt nhất, hãy xóa bỏ những gì vụn vặt, cá nhân của bạn đi rồi chúng tôi sẽ cài lại cho bạn phần mềm tiên tiến nhất.

Mặt trái của công nghiệp self-help: Ném con người vào vòng xoáy kiệt sức, cái giá phải trả là bạn không bao giờ thấy đủ đầy và hạnh phúc - Ảnh 4.

Đây là quan điểm cá nhân của tôi: Thứ tôi hào hứng, tò mò tìm hiểu, luyện tập 15 năm trước đang càng ngày càng khiến tôi băn khoăn khi thấy nhiều nhà huấn luyện sử dụng như một kỹ thuật rất bạo lực để nhồi nhét phần mềm hành động vào đầu học viên. Tôi không chỉ trích công dụng của các kỹ thuật, kỹ năng này, tôi biết nó có thể mang lại hiệu quả ấn tượng nhưng tôi nghĩ sau hơn 1 thập kỷ huấn luyện, chúng ta nên có cách tiếp cận giàu tính người hơn dựa trên sự thấu hiểu.

Tôi tin việc đầu tiên người nông dân cần làm không phải cuốc đất, bón phân, tưới nước mà là thấu hiểu loại hạt giống bày ra trước mắt mình. Việc làm đầu tiên của một người thầy là thấu hiểu mỗi học viên thật sự khát khao, trăn trở gì, có tiềm năng gì, cần môi trường gì và bao nhiêu thời gian để phát triển tốt nhất.

Suy cho cùng tôi tin sự giác ngộ là quá trình nhận thức - nhận ra và thức tỉnh chứ không phải lập trình và sao chép. Xin rút lại với những ai đang làm lĩnh vực giáo dục, huấn luyện, đừng hiểu chia sẻ của tôi như sự chỉ trích phê phán. Đây chỉ là chiêm nghiệm sau hơn 1 thập kỹ nỗ lực của tôi mà thôi.

Với khản giác của mình, tôi mong bạn nhận ra ngay trong khoảnh khắc này, bạn đang là một bản thế hoàn hảo của chính mình, để rồi tự lắng nghe khát khao, nghị lực, tiềm năng bên trong mình và tự tìm tòi, dẫn dắt sự chuyển hóa trưởng thành của riêng các bạn.