Là một nhà tâm lý học, đã từng nghiên cứu rất nhiều về tâm lý trẻ em, tôi tin rằng trẻ phát triển tốt hơn nếu khi khóc, trẻ được bồng bế. Tôi nhận định phản đối phương pháp luyện ngủ Cry It Out (CIO) của bác sĩ Ferber.

Tôi thừa nhận rằng một trong những vấn đề khiến cha mẹ mệt mỏi, đau đầu là việc ngủ của con. Tuy nhiên, có rất nhiều những phương pháp nhẹ nhàng và hiệu quả hơn để giúp trẻ tự ngủ. Ngoài ra, bác sĩ Richard Ferber là bác sĩ nhi khoa chứ không phải là bác sĩ tâm lý, ông không được đào tạo về tâm lý trẻ sơ sinh.

Mặt trái của phương pháp luyện ngủ Cry It Out khiến nhiều cha mẹ giật mình - Ảnh 1.

Bác sĩ Richard Ferber, cha đẻ của phương pháp luyện ngủ Cry It Out.

Và một điều thú vị là trong những phỏng vấn gần đây, bác sĩ Ferber thừa nhận anh hối tiếc về một số lời khuyên mình đã đưa ra trong quá khứ. Anh cũng đồng thời cảm thấy buồn và tồi tệ khi các chuyên gia hiện nay khuyến khích các bà mẹ để mặc trẻ sơ sinh khóc, và theo ông chuyện trẻ sơ sinh ngủ chung với cha mẹ (co-sleeping) cũng rất tốt.

Phương pháp luyện ngủ CIO theo bác sĩ Ferber được mô tả như sau:

Khi luyện trẻ tự ngủ, bạn bắt đầu bằng cách để trẻ vào nôi và đi ra khỏi phòng trong 5 phút. Sau đó bạn đi vào trấn an, vỗ về và để bé khóc trong 10 phút. Sau 10 phút bạn lại đi ra và cứ để bé khóc tiếp trong 15 phút, sau đó lại quay vào vỗ về trấn an bé và thay quần áo nếu bé nôn hoặc đi vệ sinh... Cứ như thế thời gian để trẻ khóc kéo dài hơn và thường bé sẽ tự ngủ vì kiệt sức sau vài tiếng khóc lóc, có những bé khó chịu và nhạy cảm thì có thể khóc kéo dài cả đêm.

Sau một thời gian khóc và không được hồi đáp thì bé sẽ học được cách tự ngủ một mình. Tuy nhiên, ngay cả khi cha mẹ cùng nhất quán thực hiện phương pháp này thì nó không có hiệu quả với tất cả các bé. Có những em bé bị viêm tai giữa vì khóc quá nhiều làm tắc nghẽn tuyến tai và trong khi bé đang được điều trị viêm tai giữa, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không luyện theo phương pháp CIO nữa. Thế nhưng sau khi bé khỏi bệnh thì cha mẹ lại bắt đầu luyện phương pháp này lại từ đầu.

Mặt trái của phương pháp luyện ngủ Cry It Out khiến nhiều cha mẹ giật mình - Ảnh 3.

Phương pháp Cry it out không có hiệu quả với mọi trẻ sơ sinh (Ảnh minh họa).

Hoặc đôi khi sự thay đổi bất kì trong môi trường của bé như khi bà lên thăm, trẻ bị bệnh…thì trẻ sẽ lại khóc khi ngủ và cha mẹ lại luyện lại phương pháp CIO. Quá trình này tiếp diễn và lặp lại khiến cha mẹ và trẻ phải chịu đựng nhiều lần.

Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc liên tục bỏ rơi và để trẻ khóc trong một thời gian sẽ gây ra những thay đổi cấu trúc não của trẻ vĩnh viễn và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ sau này. Tuy nhiên những bậc cha mẹ ủng hộ phương pháp này phản biện rằng, trong quá trình luyện ngủ họ thường xuyên vào phòng vỗ về để trấn an rằng các con sẽ không bị bỏ rơi, do đó trẻ không cảm thấy tổn thương và chỉ khóc để mè nheo.

Những nghiên cứu gần đây nhất chỉ ra rằng, khi trẻ bị khóc một mình, mức độ cortisol trong cơ thể bé bị tăng cao, đây là nguyên nhân khiến các bé cảm thấy đau buồn, lo lắng, căng thẳng. Nhưng điều bất ngờ là nghiên cứu cũng chỉ rõ rằng khi các bé được đặt trong phòng ngủ mà không khóc, nồng độ cortisol trong máu vẫn tăng cao. Các nhà khoa học giải thích đây là dấu hiệu cho thấy bé vẫn không thoải mái, nhưng tại sao bé lại không khóc? Bởi vì bé được “huấn luyện” rằng “nếu có khóc, mẹ cũng sẽ không đến”.

Mặt trái của phương pháp luyện ngủ Cry It Out khiến nhiều cha mẹ giật mình - Ảnh 4.

Theo cuốn sách “Sience Parenting – nền tảng khoa học của làm cha mẹ” của nhà tâm lý trị liệu trẻ em người Anh, Margot Sunderland, đã đưa ra những nghiên cứu chứng tỏ việc để trẻ khóc một mình trong thời gian dài ảnh hưởng đến sự phát triển tối ưu não bộ của trẻ.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard đã làm thử nghiệm về khả năng phát triển EQ (trí thông minh cảm xúc), chức năng não bộ của trẻ sơ sinh cũng như sự khác biệt về nền văn hóa và đưa ra nhận định rằng: Những đứa trẻ bị bỏ rơi khi ngủ phải chịu những tổn thương lâu dài đối với hệ thần kinh. Khi lớn lên những đứa trẻ này dễ nhạy cảm về cảm xúc, dễ bị rối loạn lo âu và hoảng loạn hơn.

Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là nếu bố mẹ vẫn vào phòng trấn an con thì có bảo vệ được trẻ khỏi những nguy cơ lên não bộ và tâm lý trẻ so với CIO hay không? Một số quan điểm chống lại phương pháp CIO cho rằng khi bố mẹ vào phòng trấn an nhưng lại phớt lờ cảm xúc của trẻ thì chỉ làm tăng thêm sự khó chịu của trẻ và làm giảm lòng tin của trẻ dành cho cha mẹ mà thôi.

Mặt trái của phương pháp luyện ngủ Cry It Out khiến nhiều cha mẹ giật mình - Ảnh 6.

Rất khó để đánh giá đúng sai hoàn toàn đối với phương pháp này vì trong sự phát triển trẻ sơ sinh còn rất nhiều yếu tố khác tác động tới. Tuy nhiên, những tài liệu chỉ rõ rằng tình trạng khóc kéo dài và không thoải mái ở trẻ sơ sinh khiến tăng nhịp tim, tăng huyết áp, giảm nồng độ oxy trong máu, dự trữ năng lượng và oxy máu bị suy giảm, tạo áp lực stress lên tim. Cortisol, adrenaline và các hormone căng thẳng khác tăng vọt làm rối loạn hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa. Điều đó giải thích hợp lý cho việc lặp đi lặp lại trạng thái này khiến não bộ của trẻ phát triển khác thường, dễ bị kích thích và căng thẳng hơn so với bình thường.

Chúng tôi biết rằng ngay cả đối với người lớn, khi gặp một trải nghiệm hoảng loạn như tai nạn xe hơi có thể gây ra phản ứng căng thẳng cực độ và ảnh hưởng tâm lý kéo dài sau nhiều năm. Do đó vì nhịp tim và huyết áp của trẻ sơ sinh tăng vọt trong phương pháp CIO, những trải nghiệm không dễ chịu do phương pháp này đem lại có thể khắc sâu vào trí nhớ của trẻ vì sự hoảng loạn có thể tạo cảm xúc mạnh mẽ sau rất nhiều năm.

Vì vậy, càng ngày càng có nhiều luận điểm phê phán phương pháp của bác sĩ Ferber vì một số điểm chính sau:

1. Ferber là một bác sĩ nhi khoa không được đào tạo về tâm lý học

Mặc dù phương pháp của bác sĩ Ferber hướng đến mục tiêu “rèn trẻ tự ngủ trên giường riêng của trẻ” nhưng nó lại mang đến hệ lụy và những hậu quả không ngờ tới.

2. Trẻ học được rằng trẻ không thể tin tưởng dựa vào cha mẹ khi trẻ cần

Nếu trẻ có cảm giác thường xuyên bị bỏ rơi khi trẻ cần cha mẹ nhất, thì trẻ sẽ cảm thấy vô vọng, bất lực trong việc bày tỏ cảm xúc với thế giới xung quanh. Và điều quan trọng nhất trẻ cần học là sự tin tưởng vào cha mẹ, tin tưởng vào thế giới. Vậy tại sao cha mẹ lại không hỗ trợ điều đó, không ở cạnh bên khi trẻ cần?

3. Trẻ học được rằng cha mẹ sẽ không giúp đỡ trẻ khi trẻ cần

Khi cha mẹ đi vào phòng kiếm tra và nhắc nhở con đi ngủ đi, nhưng các bé lại không thể ngủ, điều này có thể do trẻ cảm thấy cha mẹ đang cố tình làm cho trẻ không thoải mái.

4. Những bài học đầu tiên đầu đời của trẻ sơ sinh này có thể ảnh hưởng đến tâm lý và thế giới quan của trẻ mãi mãi

Một số nhà phê phán phương pháp của bác sĩ Ferber cho rằng những đối tượng mất ngủ, hay tỉnh giấc giữa đêm là nạn nhân của phương pháp CIO.

Tôi hiểu rằng có những trường hợp trẻ luyện ngủ theo phương pháp CIO sẽ ngủ sau vài phút và đó thể hiện sự hiệu quả của phương pháp. Tuy nhiên phương pháp này vẫn mang lại những rủi ro và hậu quả nặng nề. Trong khi đó có những phương pháp luyện ngủ nhẹ nhàng hơn để trẻ có thể tự ngủ từ 3 tháng tuổi. Hãy tham khảo thêm những bài viết của tôi về phương pháp rèn ngủ cho trẻ.

Richard Ferber là một bác sĩ nhi khoa đồng thời cũng là người sáng lập và là cựu giám đốc điều hành Trung tâm chuyên về Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em của bệnh viện Nhi Đồng ở Boston (Mỹ).

Margot Sunderland là một nhà tâm lý học và tâm lý trị liệu trẻ em người Anh. Bà là Giám đốc Giáo dục và Đào tạo tại Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Trẻ em và Thành viên danh dự tại Đại học London Metropolitan. Bà có kinh nghiệm làm việc với gia đình và trẻ em trong hơn 30 năm.

Vài nét về tác giả:

Mai Phùng là một dược sỹ, tốt nghiệp Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh; là người đồng sáng lập EQ Cup - nơi cung cấp kiến thức nền tảng về khoa học thần kinh và EQ dành cho cha mẹ trong việc nuôi dạy trẻ.

Bên cạnh đó, chị Mai Phùng còn là tác giả của cuốn sách "Cơm ngon quá, con cảm ơn mẹ". Đây là cuốn sách hướng dẫn cha mẹ cách nâng niu cảm xúc, tâm lý của trẻ trước, trong và sau mỗi bữa ăn, mở ra cho các bà mẹ một con đường nhẹ nhàng, hiệu quả để rèn luyện thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ từ 0 đến 8 tuổi.

Bạn có thể tìm đọc thêm những bài viết của chị Mai Phùng TẠI ĐÂY.