Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là sự kiện thể thao được mong chờ nhất trong năm nay, vòng chung kết giải Vô địch Bóng đá Thế giới, World Cup 2022 sẽ chính thức khai mạc tại Qatar. World Cup 2022 là lần thứ 2 giải vô địch bóng đá thế giới được tổ chức tại châu Á, đúng 20 năm sau kỳ World Cup 2002 tại Nhật Bản & Hàn Quốc. Hãng tin Bloomberg ước tính quốc gia Ả Rập đã chi khoảng 300 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ phục vụ World Cup, trong đó có 7 sân vận động mới, mở rộng sân bay quốc tế, xây dựng một thành phố mới phục vụ bóng đá và hàng loạt dự án nâng cấp đường sá, hệ thống tàu điện ngầm…
Tuy nhiên đằng sau vẻ hào nhoáng của các công trình mà chủ nhà Qatar đã xây dựng, World Cup 2022 lại bị chỉ trích là một trong những lễ hội thể thao gây tranh cãi nhất trong lịch sử. Vào tháng 2/2021, tờ Guardian đăng loạt bài viết gây xôn xao, trong đó khẳng định đã có ít nhất 6.500 công nhân bị thiệt mạng trong khi xây dựng các sân vận động tổ chức World Cup ở Qatar. Thậm chí, theo những báo cáo chưa được xác thực, con số này còn tiếp tục tăng lên hơn 11.000 người. Chủ yếu trong số những người xấu số kể trên là người lao động nhập cư.
Các công nhân nằm ngủ bên cạnh các công trình phục vụ World Cup 2022. Ảnh: Reuters
Chi tiết hơn, tờ Guardian dẫn dữ liệu từ Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và Sri Lanka cho thấy đã có 5.927 trường hợp lao động nhập cư tại Qatar tử vong trong giai đoạn 2011–2020. Ngoài ra, dữ liệu từ đại sứ quán Pakistan tại Qatar cho biết có thêm 824 công nhân Pakistan tử vong cũng trong cùng kỳ.
Những trường hợp người lao động tử vong
Tờ Guardian liệt kê hàng loạt trường hợp các công nhân nhập cư tử vong vì những lý do chưa rõ ràng. Anh Mohammad Shahid Miah, 29 tuổi người Bangladesh, làm công nhân xây dựng ở Qatar và qua đời vì bị điện giật trong khu nhà dành cho người lao động. Một công nhân khác, Ghal Singh Rai đến từ Nepal đã trả hơn 1.400 USD cho nhà tuyển dụng để đảm nhận vị trí dọn dẹp vệ sinh trong một khu nhà dành cho công nhân xây dựng công trình World Cup. Nhưng chưa đầy một tuần sau, ông đột ngột qua đời.
Anh Mohammad Miah, 29 tuổi, công nhân đến từ Bangladesh, tử vong khi lao động tại Qatar - Ảnh: Guardian
Trong khi đó, ở Ấn Độ, gia đình ông Madhu Bollapally không hiểu tại sao người đàn ông 43 tuổi này lại chết vì "nguyên nhân tự nhiên" khi làm việc ở Qatar. Thi thể của ông Bollapally được tìm thấy trên sàn phòng trọ.
Trong số những nguyên nhân gây tử vong ở người lao động mà giới chức Qatar công bố, "tử vong tự nhiên" là lý do được liệt kê nhiều nhất. Nạn nhân chết vì "nguyên nhân tự nhiên" thường có triệu chứng suy tim hoặc suy hô hấp cấp tính.
Tờ Guardian trích dẫn số liệu cho biết, 69% trường hợp tử vong của công nhân Ấn Độ, Nepal và Bangladesh được xếp vào nhóm "nguyên nhân tự nhiên". Riêng với lao động Ấn Độ, con số này là 80%. Bài viết trên tờ Guardian lo ngại số người thiệt mạng trong quá trình chuẩn bị cho World Cup 2022 có thể còn lớn hơn, lý do là vì các nguồn dữ liệu chưa thống kê các trường hợp người lao động nhập cư đến từ Philippines hay Kenya, những quốc gia có số lượng lao động tương đối cao đổ về Qatar. Bên cạnh đó những công nhân thiệt mạng trong giai đoạn cuối năm 2020 cũng chưa được thống kê.
Góc nghỉ ngơi sơ sài của công nhân gần sân vận động Lusail, nơi sẽ diễn ra trận chung kết World Cup 2022 - Ảnh: Reuters
Người lao động trong nền kinh tế phi chính thức của Qatar sẽ đặc biệt có nguy cơ bị bóc lột trong thời gian diễn ra Giải Vô địch Bóng đá Thế giới World Cup 2022, đây là cảnh báo do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Uzra Zeya đưa ra mới đây. Nhà chức trách Mỹ cho biết, lao động nhập cư có nguy cơ cao bị bóc lột, nguyên nhân là do những người này làm việc trong nền kinh tế phi chính thức nên ít có quyền tiếp cận với các cơ quan thực thi pháp luật để được bảo vệ. Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Qatar cần phải nỗ lực giải quyết tình trạng này.
World Cup 2022 đối mặt với làn sóng tẩy chay
Thủ đô Paris, Pháp tuyên bố không phát sóng trực tiếp các trận đấu World Cup 2022 trên các màn hình lớn tại fanzone, khu vực dành cho người hâm mộ theo dõi các trận đấu tại World Cup. Fanzone vốn là một trong những nét đặc sắc nhất của World Cup và quyết định của Paris được người hâm mộ nhìn nhận là động thái phản đối mạnh mẽ. Ông Pierre Rabadan, Phó thị trưởng Paris, phụ trách lĩnh vực thể thao, xác nhận Paris sẽ tẩy chay World Cup 2022. Chính quyền thủ đô nước Pháp phản đối cách Qatar tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh cả về phương diện môi trường lẫn các vấn đề xã hội.
Theo phân tích của báo chí châu Âu, nguyên nhân chính là do việc Qatar đã sử dụng lao động nhập cư ồ ạt với điều kiện lao động thiếu an toàn, khắc nghiệt, dẫn đến nhiều trường hợp công nhân tử vong khi xây dựng các sân vận động và cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup. Truyền thông phương Tây cũng dẫn các cáo buộc chủ thầu ở Qatar chậm trả lương, o ép công nhân, công nhân phải nghỉ ngơi ngay tại công trường thiếu các điều kiện sinh hoạt tối thiểu...
Các thành phố khác của Pháp như Lille, Marseille, Bordeaux, Strasbourg và Reims cũng đang tẩy chay giải đấu vì những lý do tương tự. Nhiều chính trị gia Pháp kêu gọi người dân của họ nên ở nhà, đừng đến Qatar xem World Cup như một hành động tẩy chay. Nhiều quốc gia khác như Anh, Đan Mạch... cũng lên tiếng đưa ra những hình thức khuyên người dân không đi du lịch đến Qatar để xem World Cup.
Phát ngôn viên của chính phủ Olivier Véran nói: "Nếu chúng tôi đưa ra quyết định hôm nay, chúng tôi sẽ không trao World Cup cho Qatar. Tuy nhiên, khi điều đó đã được quyết định cách đây 10 năm bởi 100 quốc gia, rất khó để nói dừng lại chỉ vài tuần trước khi sự kiện sắp diễn ra."
Cũng vì những nguyên nhân này mà đội bóng Hoffenheim của Bundesliga (Đức) đã trở thành CLB đầu tiên công khai tẩy chay World Cup. Đội bóng đến từ Đức thông báo sẽ không đăng tải bất cứ thông tin gì về giải đấu kể cả chúng có liên quan tới cầu thủ của CLB đang tham dự.
Thông báo của CLB Hoffenheim nêu rõ: "Tất cả những hành vi vi phạm quyền lợi của người nhập cư và phân biệt đối xử đều có ảnh hưởng tới quyết định của CLB rằng chúng tôi không muốn đưa tin về World Cup 2022. Chúng tôi tin việc chỉ tập trung đưa tin về các bàn thắng và diễn biến trên sân cỏ mà bỏ qua các yếu tố liên quan là không chấp nhận được."
Cựu ngôi sao của đội tuyển Pháp và của Manchester United, Eric Cantona cho biết anh sẽ không theo dõi bất kỳ trận đấu nào, và nói thêm rằng World Cup này không có ý nghĩa gì cả. Cantona cho biết những bê bối lạm dụng lao động là một trong những nguyên nhân khiến anh phát ngôn như vậy.
Qatar xây dựng 7 sân vận động mới để tổ chức World Cup 2022 - Ảnh: Getty
Nỗ lực của nước chủ nhà Qatar
Về phần nước chủ nhà Qatar, chính phủ nước này cho biết hệ thống luật lao động của họ vẫn đang được hoàn thiện nhưng bác bỏ cáo buộc đưa ra từ Tổ chức Ân xá Quốc tế rằng hàng nghìn lao động nhập cư đã bị bóc lột. Cuối năm 2019, Qatar thông báo bãi bỏ điều khoản quy định một số lao động phải có sự cho phép của nhà tuyển dụng mới được thay đổi công việc hay rời khỏi nước này. Ngoài ra, nội các nước này cũng thông qua luật mới liên quan đến mức lương tối thiểu và quy định mới nhằm tạo điều kiện cho lao động chuyển sang làm việc cho nhà tuyển dụng mới, cũng như dự luật bãi bỏ quy định về xin phép xuất cảnh. Chính phủ Qatar đã tạm thời ấn định mức lương tối thiểu 750 Riyal/tháng, tương đương hơn 200 USD.
Ủy ban Tổ chức World Cup tại Qatar, khi được hỏi về những cái chết trong quá trình xây dựng hệ thống sân vận động, cho biết: "Chúng tôi rất tiếc về những thảm kịch này và đã điều tra kỹ từng trường hợp để đảm bảo sự việc tương tự không lặp lại".
Người phát ngôn của Liên đoàn Bóng đá Quốc tế FIFA cho biết họ cam kết bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các dự án của tổ chức này. "Với các biện pháp an toàn và sức khỏe rất nghiêm ngặt... tần suất tai nạn trên các công trường xây dựng sân vận động phục vụ FIFA World Cup được giữ ở mức thấp so với các công trình xây dựng lớn khác trên thế giới", người phát ngôn của FIFA tuyên bố song không đưa ra dẫn chứng.
Nguồn tham khảo: Guardian, Bloomberg, AP, Reuters