Thành công rực rỡ của hai show truyền hình Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG), Anh trai say hi (ATSH) có tác động tích cực đến sự phát triển công nghiệp văn hóa trong năm 2024, từ thị trường game show, ca nhạc, concert… đều sôi động trở lại.
Ngành công nghiệp giải trí Việt Nam mở ra tiềm năng phát triển, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết, đặc biệt tăng cường hỗ trợ cho việc xuất khẩu văn hóa giải trí Việt Nam ra thị trường quốc tế để tiến tới thành công lâu bền.
Mặt trái sau cơn sốt của 63 Anh trai
Trao đổi với Tiền Phong, ông Cường Chu - người sáng lập Big Arts Entertainment - đánh giá cao sự bùng nổ và đóng góp của hai chương trình Anh trai cho ngành giải trí Việt. Nhưng xét về mặt trái, anh cho rằng sức nóng từ dàn nghệ sĩ của hai game show ảnh hưởng trực tiếp đến những công ty nhỏ và các nghệ sĩ đang hoạt động độc lập.
“Các công ty giải trí vừa và nhỏ phần nào bị giảm thiểu lượng khách hàng, trong khi một số nghệ sĩ hoạt động độc lập cũng ít cơ hội biểu diễn hơn”.
Theo ông Cường Chu, các nghệ sĩ từ show Anh trai hầu hết đều tăng mức cát-xê từ 1,5 lần hoặc có thể gấp 2-3 lần so với trước đây.
Giữa bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, chuyên gia nhận định thị trường có dấu hiệu mừng khi người Việt chịu chi tiền tiền để thỏa mãn nhu cầu giải trí của cá nhân:
“Văn hóa sử dụng nguồn tiền của các bạn trẻ cũng như là của người dân Việt Nam nói chung có sự thay đổi, họ sẵn sàng họ chi tiền hơn cho các dịch vụ giải trí thay vì chi tiền cho những cái nhu yếu phẩm cố định, ví dụ như ăn, mặc”.
Chuỗi concert thu hút hàng trăm nghìn người tham gia ở nội địa thúc đẩy doanh thu toàn ngành giải trí nhưng chuyên gia nói cũng cần xem xét hiệu quả lâu dài.
“Nhìn vào hiệu quả hiện tại để đo lường cho hiệu quả năm sau hay năm sau nữa thì tương đối vội vàng. Có thể đó là hiệu ứng nhất thời mà game show đem lại, để duy trì bản thân các nhà sản xuất và các nghệ sĩ phải nỗ lực để xứng đáng với tình yêu lớn của khán giả” - chuyên gia cho hay.
Hai show Anh trai chỉ là khởi đầu, cần tăng cường đầu tư xuất khẩu công nghiệp giải trí
Có kinh nghiệm tổ chức nhiều show và mời nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam, ông Cường Chu nhìn nhận ở các ngành công nghiệp giải trí lớn, cụ thể ở châu Á là Hàn Quốc, họ đã vượt qua khỏi lãnh thổ, quảng bá văn hóa ra nước ngoài thay vì chỉ trong khu vực nội địa.
Hai show Anh trai bùng nổ nhưng ngành công nghiệp giải trí của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu, chuyên gia nói.
“Ở phía trước chúng ta cần phải cố gắng như các nước phát triển khác khi đem văn hóa, concert… ra thị trường nước ngoài. Hàn Quốc, Trung Quốc hay gần hơn là Thái Lan đều đã xuất khẩu văn hóa ra nước ngoài tương đối tốt. Ở Việt Nam trong năm nay có nhiều fan meeting của sao Thái được tổ chức và khá thành công, tôi nghĩ Việt Nam cần nỗ lực nhiều”.
Ông lấy dẫn chứng một số nghệ sĩ Việt tạo được tiếng vang nhất định về âm nhạc nhưng cơ hội bị bỏ lỡ tương đối nhiều như Quang Hùng MasterD ở Thái Lan, Pháo với Hai phút hơn nổi tiếng ở Hàn Quốc, Thái Lan, Tăng Duy Tân và Chi Pu ở thị trường Trung Quốc…
“Các nghệ sĩ tạo được dấu ấn riêng ở thị trường nước ngoài nhưng cần sự quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn. Lấy dẫn chứng thời điểm bài hát ‘viral’, nghệ sĩ nên được tạo cơ hội diễn ở những buổi giao lưu văn hóa hay có những chính sách hỗ trợ cho họ tiến đến nước ngoài”.
Khi làm truyền thông cho cho một số cơ quan Chính phủ của Hàn Quốc, anh nhận ra bài học rằng họ đem văn hóa Hallyu ra thế giới rất đáng học hỏi. Ví dụ chỉ cần sản phẩm nào của họ gây sốt ở Việt Nam, khán giả có thể bắt gặp dễ dàng hình ảnh của sản phẩm đó lồng ghép trong các chương trình Hàn Quốc đầu tư tổ chức. “Tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam có cái nhìn rõ ràng cũng như là nhiều sự hỗ trợ cho việc xuất khẩu văn hóa ra nước ngoài” - ông Cường Chu chia sẻ.