Máu phi hành gia sau chuyến bay vào vũ trụ có dấu hiệu đột biến DNA - Ảnh 1.

Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy tác động của ánh sáng vũ trụ đối với mô xương, máu của con người là rất sâu sắc - Ảnh minh họa: SHUTTERSTOCK

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Communications Biology, máu của cả 14 phi hành gia trong chương trình tàu con thoi của NASA đều có dấu hiệu đột biến DNA.

Nhóm phi hành gia này tham gia các sứ mệnh tàu con thoi khác nhau trong khoảng từ năm 1998 - 2001, trung bình mỗi chuyến du hành kéo dài 12 ngày.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu máu từ các phi hành gia hai lần: lần thứ nhất vào 10 ngày trước khi bay vào vũ trụ và lần thứ hai là vào ngày hạ cánh. Các tế bào bạch cầu được thu thập một lần vào ba ngày sau khi hạ cánh. Những mẫu đó được đưa vào tủ đông ở -80 độ C và không mở ra trong vòng 20 năm.

Giáo sư tim mạch David Goukassian (Viện nghiên cứu tim mạch tại Icahn Mount Sinai ở New York), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: Các phi hành gia làm việc trong một môi trường khắc nghiệt, tiếp xúc với bức xạ không gian và nhiều yếu tố có thể dẫn đến đột biến soma.

Cuộc nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích tìm hiểu những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe khi phi hành gia tiếp xúc với các yếu tố có hại khác nhau khi thực hiện nhiệm vụ thám hiểm không gian. Điều này rất quan trọng để lên kế hoạch đảm bảo cho các cuộc thám hiểm vũ trụ tương lai.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp giải trình tự DNA và phân tích sinh học để xác định 34 đột biến trong 17 gene điều khiển sự phân chia và phát triển tế bào. Họ phát hiện các đột biến phổ biến nhất xảy ra ở TP3, một gene tạo ra protein ức chế khối u và DNMT3A, một trong những gene đột biến thường xuyên nhất trong bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính.

Mặc dù so với độ tuổi của các phi hành gia hiện nay thì các đột biến này là bất thường nhưng các nhà nghiên cứu cho biết chưa phải điều đáng lo ngại.

"Sự hiện diện của những đột biến này không có nghĩa là các phi hành gia trong nghiên cứu này sẽ phát triển bệnh tim mạch hoặc ung thư. Nhưng điều này có thể xảy ra nếu họ (hoặc những phi hành gia sau này) tiếp xúc liên tục và kéo dài với môi trường khắc nghiệt của không gian", giáo sư Goukassian nói.

Trước mắt, nhóm nghiên cứu không thể khẳng định điều gì. Các cuộc nghiên cứu sâu hơn về sức khỏe của nhóm phi hành gia và khả năng phát triển bệnh của họ vẫn đang được tiến hành.

Khi NASA khởi động chương trình Artemis thì những nghiên cứu quan sát sức khỏe của các phi hành gia trước đó sẽ là chìa khóa cho sự thành công trong tương lai của không chỉ chuyến bay lên Mặt trăng mà còn cả sao Hỏa và hơn thế nữa.

Theo các nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu tim mạch Icahn Mount Sinai, đội ngũ y tế của NASA nên sàng lọc các phi hành gia để phát hiện các đột biến soma cứ sau 3 - 5 năm. Điều đó sẽ cho phép NASA đưa ra các dự đoán sáng suốt về những phi hành gia có nhiều khả năng phát triển bệnh hơn dựa trên các kết quả nghiên cứu này.

Việc sàng lọc cũng sẽ mở ra cánh cửa cho các phương pháp tiếp cận y học chính xác để can thiệp sớm và phòng ngừa bệnh nguy hiểm cho những người thực hiện sứ mệnh bay vào không gian.

Trước đó, một nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng các phi hành gia tham gia vào các chuyến bay vũ trụ kéo dài hơn ba tháng có dấu hiệu bị loãng xương, ngay cả khi họ đã về Trái đất được một năm. Điều này cho thấy tác động của ánh sáng vũ trụ đối với mô xương con người là rất sâu sắc.