Mấy ai yêu đời được như cụ bà quyết tâm thoát nghèo: Xuân xanh cũng đến 85, nếu bà trang điểm thì trăng rằm thua xa - Ảnh 1.

Mấy ai yêu đời được như cụ bà quyết tâm thoát nghèo: Xuân xanh cũng đến 85, nếu bà trang điểm thì trăng rằm thua xa - Ảnh 2.

Mấy ai yêu đời được như cụ bà quyết tâm thoát nghèo: "Xuân xanh cũng đến 85, nếu bà trang điểm thì trăng rằm thua xa"


Mấy ai yêu đời được như cụ bà quyết tâm thoát nghèo: Xuân xanh cũng đến 85, nếu bà trang điểm thì trăng rằm thua xa - Ảnh 5.

Cụ Đỗ Thị Mơ sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng biển xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá. Cụ từng tham gia dân công hỏa tuyến, phục vụ kháng chiến. Năm 24 tuổi, cô thanh niên xung phong ở chiến trường Điện Biên "kết bạn" với anh lính trẻ quê Thiệu Hóa. 2 người về chung một nhà, rồi cùng nhau tham gia khai hoang, mở mang ruộng đất.

Năm 1987, chồng mất đột ngột sau trận ốm nặng, một mình cụ làm ruộng, bán hàng ăn, cố gắng nuôi 11 người con (10 con đẻ, 1 con nuôi), "đứa nào đứa nấy học hết lớp 10, để lấy con chữ, không học cũng phải học!". Cụ tự hào "nuôi con dễ dàng, vì năm 12 tuổi đã... tung hoành buôn bán khắp nơi".

Mấy ai yêu đời được như cụ bà quyết tâm thoát nghèo: Xuân xanh cũng đến 85, nếu bà trang điểm thì trăng rằm thua xa - Ảnh 6.

Mấy ai yêu đời được như cụ bà quyết tâm thoát nghèo: Xuân xanh cũng đến 85, nếu bà trang điểm thì trăng rằm thua xa - Ảnh 7.

Các con của cụ, ngoài hai anh con trai đã mất, đều đã ổn định cuộc sống và lập gia đình riêng, người là công chức, người làm doanh nghiệp. Bản thân cụ vẫn khỏe mạnh, sống một mình trong căn nhà cấp 4 rộng chừng 30 m2. Căn nhà nhìn bên ngoài có vẻ "tiều tuỵ", "hoang sơ" nhưng bên trong cụ luôn tự hào là "tiện nghi" bất ngờ, không thiếu mà còn thừa: hai quạt máy, một bếp từ, một nồi cơm điện, một tủ đứng, mười mấy chai mỡ,... Trong xóm, "có nhà muốn được một chai cũng không có".

Cụ không cần tập thể dục, sáng sớm chỉ cần đạp xe mấy vòng là khỏe. Bình thường ngồi một chỗ đầu óc choáng váng, nhưng lên xe thì cụ như hoá... thanh niên, xuống dốc vù vù. Phương châm sống của cụ, là sống vui, sống khỏe, sống vô tư. Cụ muốn xem thời sự thì mở tivi, muốn nghe hát thì bật điện thoại, khi đi ngủ thì vặn nhỏ tiếng.

Hàng ngày cụ trồng rau, nuôi gà, dành dụm đem ra chợ bán lấy tiền mưu sinh, có thể tự lo cho mình, chưa phải cậy nhờ con cái. Không phải vì cụ khó tính, cũng chẳng phải vì con cái bỏ mặc mẹ già, cụ sống một mình vì lỡ... có cái tính hay thương người.

"Nếu ở với con cái thấy bạn bè mình túng khổ, hay những người khó khăn hơn, tôi muốn giúp người ta, không lẽ lấy của con mà cho. Cho nên tôi ở một mình như vậy, tôi cho là của tôi, còn đứa mô gặp khó khăn thì tôi giúp đỡ. Đứa mô giàu có thì tôi không xin. Rứa đó nả! 11 đứa con mà tui chưa phải phiền đến đứa mô".

Mấy ai yêu đời được như cụ bà quyết tâm thoát nghèo: Xuân xanh cũng đến 85, nếu bà trang điểm thì trăng rằm thua xa - Ảnh 8.

Thực tế, nếu chiếu theo quy định, quy chế hiện hành, thì gia cảnh cụ Mơ vẫn thuộc diện hộ nghèo.

Tôi có chỗ nương tựa rất nhiều, nhưng tôi chưa phải nương tựa ai. Tôi xin phép Ủy ban cho tôi trả lại cái sổ hộ nghèo. Tôi xin thoát nghèo" - cụ Mơ khảng khái.

Chứng kiến quê hương, đất nước trải qua những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra, cụ thấu hiểu nỗi đau, vất vả của những gia đình có người thân hi sinh trong chiến đấu, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Cụ mong được thoát nghèo để nhường cơ hội cho họ.

Cụ vội đạp xe lên xã nằng nặc đòi ra khỏi hộ nghèo, xã hỏi rằng: "Giờ bà già bằng ấy tuổi rồi, còn ở một mình, mà bà xin thoát nghèo, liệu có đảm bảo được không?".

"Tôi đảm bảo được mới xin thoát nghèo! Tôi đang còn giúp đỡ những người nghèo khổ hơn tôi cơ mà. Hay là các ông định để tôi nghèo, mà đến lúc chết tôi còn chết trong cảnh nghèo à? Tôi làm đơn rồi, các ông kí vô đi! Tôi nói không phải chê, nhưng mỗi tháng lên xã xách mấy bao gạo với quần áo về, tôi không làm thế được. Các thứ đó phải nhường cho những người khác".

Khi đó, cụ sẽ không được nhận Bảo hiểm y tế người nghèo, không được trợ cấp tiền điện hàng tháng hay nhận quà Tết vào dịp cuối năm. Nhưng cụ bảo, ông bác sĩ phải đi học, ông dược sĩ cũng phải đi học, mà viên thuốc cũng phải có người sản xuất ra, đến viện không mất tiền, thì cụ không làm được.

Trong xóm, ai nghèo khó, túng thiếu, nếu không cho được 30-50 nghìn, cụ lấy cái thúng, xúc gạo mang qua tặng họ. Vì cụ bảo, họ đã khổ, mà còn tủi thân, chỉ nằm ở hộ cận nghèo.

"Tôi thoát nghèo cũng là để giữ danh dự của tôi. Tuy rằng tôi tuổi cao, nhưng tuổi cao thì ý chí càng cao, có tư duy, có bản lĩnh, nên không có việc gì khó. Những việc khó nếu hạ quyết tâm thì sẽ vượt qua được. Tôi tự tính toán cho cuộc đời của mình, để khi về già không phải sống trong nghèo khổ. Cứ làm việc chân chính, sống có tình làng nghĩa xóm, thì dẫu mình có nghèo, người ta cũng không để mình phải nghèo".

Nghĩ lại hôm lên xã "quát mắng" rồi "cáu gắt" nằng nặc đòi ra khỏi "đơn vị" hộ nghèo, cụ Mơ thấy có chút... hối lỗi. "Tôi phải xin lỗi ông Chủ tịch, tôi có hơi nóng tính tí. Nhưng tôi không muốn chết trong cảnh nghèo đâu".

Mấy ai yêu đời được như cụ bà quyết tâm thoát nghèo: Xuân xanh cũng đến 85, nếu bà trang điểm thì trăng rằm thua xa - Ảnh 10.

Mấy ai yêu đời được như cụ bà quyết tâm thoát nghèo: Xuân xanh cũng đến 85, nếu bà trang điểm thì trăng rằm thua xa - Ảnh 11.

Sau khi làm tấm gương "thoát nghèo" trong xã, cụ Mơ đề nghị chính quyền địa phương "quét" hết các gia đình cố tình "bám" vào cái danh "hộ nghèo" không chịu tu chí làm ăn.

"Chồng khỏe mạnh lại hay nát rượu, vợ bế con ngồi lê đôi mách buôn chuyện, cả 2 không chịu làm ăn, nhưng vẫn đăng ký vào hộ nghèo. Anh nghèo vì tai nạn lao động, vì bệnh tình ốm đau, xã còn chấp nhận được, chứ anh nghèo vì uống rượu và lười lao động thì anh không xứng đáng, mất danh dự người nông dân.

Có nhiều người ít tuổi hơn tôi, có con cháu đủ đầy nhưng lại phàn nàn không nơi nương tựa, đó là bêu xấu con.

Nhưng tôi không có quyền nói ai đúng ai sai.


Mấy ai yêu đời được như cụ bà quyết tâm thoát nghèo: Xuân xanh cũng đến 85, nếu bà trang điểm thì trăng rằm thua xa - Ảnh 13.

Thoát nghèo, cụ Mơ lên chức... cận nghèo. Không lương bổng, cụ chỉ còn được hưởng tiền chế độ tuổi già, mỗi tháng 270.000 đồng. Cứ 2 tháng, cụ để dành được 540.000 đồng. Cụ chỉ dám tiêu 40.000, đem 500.000 gửi vào Hội chữ thập đỏ của xã, trao tặng chị Nguyễn Thị Lý ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Chồng chết, chị Lý một mình nuôi 4 đứa con chất độc màu da cam. Mỗi ngày, chị đi nhặt sắt vụn, ve chai, ai thuê gì làm nấy, cụ Mơ bảo chị còn khổ hơn cụ gấp vạn lần.

"Tôi có một nỗi buồn không biết chia sẻ với ai" - cụ nói, "là vì tôi già rồi, không công việc, không nhiều tiền để trích ra giúp Nhà nước. Tuy rằng nhỏ thôi, nhưng cũng coi như giúp Nhà nước bớt chút gánh nặng".

Cụ Mơ thoát nghèo, đến nay cả nước đều biết và coi cụ như tấm gương điển hình của tinh thần vượt khó. Cách đây một tuần, ti vi đưa tin nhiều hộ gia đình đồng loạt viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, cụ mừng thầm, nhưng... không dám nói với ai.

Sau khi qua đời, cụ Mơ có nguyện vọng nhường căn nhà cấp 4 hiện đang sinh sống cho Hội từ thiện, để bất cứ ai nghèo khổ đều có thể đến ở.

"Tôi thế ni (này) là hạnh phúc lắm rồi, nhưng phải nghĩ tới những người đổ xương máu ở chiến trường, hi sinh cả một cuộc đời. Tôi thoát nghèo vừa là vinh dự cho mình, nhưng còn là tấm gương cho người khác".

Mấy ai yêu đời được như cụ bà quyết tâm thoát nghèo: Xuân xanh cũng đến 85, nếu bà trang điểm thì trăng rằm thua xa - Ảnh 15.

Chị Trần Thị Thuý - cán bộ chính sách xã Lương Sơn chia sẻ, trước đó khi nhận được đơn xin thoát nghèo của cụ Mơ, chính quyền đã xuống tận nhà chấm điểm.

"Cụ chỉ được 90 điểm, trong khi đấy quy định của Nhà nước, theo chuẩn nghèo Quốc gia là phải trên 120 điểm mới được thoát nghèo. Nhưng cụ trình bày bản thân tự lo được cho mình, không muốn ỷ lại trông chờ vào xã hội. Tôi rất cảm phục cụ" - chị Thuý nói.

Ngày 22/10, Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hóa đã trao tặng bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh cho cụ bà Đỗ Thị Mơ vì đã nêu cao tinh thần Tuổi cao - gương sáng. Niềm vui ngập tràn trên khuôn mặt nhăn nheo. Nói đoạn, cụ tặng cả hội trường bài thơ tự sáng tác.

"Quyết tâm thoát khỏi hộ nghèo/ Bởi vì xã hội còn nhiều cưu mang

Bao người chất độc da cam/ Bao người khuyết tật còn mang trên mình

Bao hồn liệt sĩ hi sinh/ Để cho đất nước yên bình ngày nay

Mình thì lành lặn chân tay/ Mắt mũi sáng sủa mặt mày khôi ngô

Lại là con cháu Bác Hồ/ Tại sao lại để cơ đồ tiêu tan".

Mấy ai yêu đời được như cụ bà quyết tâm thoát nghèo: Xuân xanh cũng đến 85, nếu bà trang điểm thì trăng rằm thua xa - Ảnh 16.


Mấy ai yêu đời được như cụ bà quyết tâm thoát nghèo: Xuân xanh cũng đến 85, nếu bà trang điểm thì trăng rằm thua xa - Ảnh 18.

Chú Lê Xuân Hạnh, 46 tuổi, con trai thứ 7 của cụ Mơ, là người từng vào tù ra tội 5 năm vì tội nghiện ngập. Thời điểm đó, trong nhà không còn gì, kể cả ti vi đầu đĩa, chiếc xe đạp rách mẹ cũng đành bán để vào tù thăm con.

Ngày ra tù, chú tu chí làm ăn, nhớ lại điều mẹ dặn: "Giàu 30 tuổi thì đừng mừng mà khó 30 cũng đừng lo". Chú gọi điện, báo cụ: "Nếu mẹ có mệnh hệ gì, thì ít nhất còn phải gượng sống 3 năm nữa, chờ ngày con về".

Cụ Mơ đáp lại bằng giọng điệu kiên cường: "Mi cứ yên tâm làm ăn, không phải suy nghĩ gì. Tao còn sống lâu!".

Làm ăn phất lên, chú Hạnh đón mẹ lên thăm "cơ ngơi" của mình ở làng Chánh (thuộc vùng núi phía Tây của tỉnh Thanh Hoá). Cụ Mơ tự hào, về khoe với hàng xóm láng giềng. "Thằng con trai tuy tù tội, nhưng phấn đấu làm lại cuộc đời".

"Mỗi lần mẹ vào tù thăm non, tôi đều xúc động. Sai lầm của tôi, nhưng mẹ không bỏ rơi, vẫn thương tôi như bình thường. Tôi có người mẹ rất tuyệt vời. Bà từng dạy, 'khoản vay 10 triệu anh nợ, coi như mẹ cho anh. 5 năm tù mẹ đi tiếp tế là tấm lòng người mẹ, còn bổn phận làm con thì tùy anh đối đáp. Từ nay, anh vay ai, nợ ai, thì anh phải tự trả'".

Mẹ không có gì cả, nhưng đánh giá là nghèo thì mẹ nghèo thật, đằng sau bà từng là 11 người con thơ nheo nhóc. Ngày xưa mẹ tần tảo, một mình gánh vác mọi gian khổ. Mẹ khởi nghiệp chỉ có 10 cân gạo, năm đó tôi còn rất nhỏ, khoảng 9-10 tuổi. Tôi vẫn còn nhớ tiếng bà tính toán: 'Nếu như làm 10 cân bánh đúc, bán hết ra tiền sẽ mua được 20kg gạo'. Từ chỗ bán bánh đúc, mẹ mở được quán ăn ngay chợ Lương Sơn. Sau khi chồng mất, mẹ nghỉ bán" - chú Hạnh kể.

Nhà đông anh em, nhưng để mẹ phải nhận sổ hộ nghèo, không ai trong số 11 người con cảm thấy hài lòng với điều đó. Nhiều lúc thương mẹ lủi thủi một mình, những muốn đón mẹ về sống chung, nhưng cụ Mơ nhất quyết không đi.

"'Ngày đó chắc chắn sẽ tới, nhưng nó tới như thế nào thì tôi chưa thể hình dung được. Anh em tôi đều sợ không thể ở bên mẹ những ngày cuối đời. Nhiều lần tôi khuyên mẹ nên ở với ai đó, nhưng bà chỉ gạt phăng đi".

Mấy ai yêu đời được như cụ bà quyết tâm thoát nghèo: Xuân xanh cũng đến 85, nếu bà trang điểm thì trăng rằm thua xa - Ảnh 20.

Không tính toán thiệt hơn, học cách vươn lên mỗi ngày, dùng ý chí và thái độ sống tích cực để đối đáp với đời, đó là cách những người như cụ Mơ đã lựa chọn. Ngày xưa đó, cô thanh niên Đỗ Thị Mơ hăng hái đi tải gạo dưới trời bom đạn. Đến bây giờ vẫn miệt mài đi tải những ước mơ, ý chí.

Chiều hôm đó, cụ ra vườn, nằm thảnh thơi trên chiếc võng cũ. Điện thoại phát những giai điệu của quê hương, miệng cụ lẩm bẩm đọc vài bài thơ, đầu nghiêng nghiêng tỏ vẻ tâm đắc: "Cuộc đời này, chỉ cần tâm mình thấy thanh thản là đủ, những vật ngoài thân đến khi nhắm mắt cũng có mang theo được đâu".

Minh Nhân
Minh Nhân, Jino
Nhật Ánh
Theo Trí Thức Trẻ01/01/2020

Theo Trí Thức Trẻ