Aloha Airlines là hãng hàng không Mỹ hoạt động từ năm 1988 đến năm 2008 với vai trò kết nối chuyến bay giữa các đảo thuộc quần đảo Hawaii.
Nhắc đến Aloha Airlines, người ta không còn nhớ nhiều về những thành tựu của hãng trong 20 năm hoạt động, điều tiếng rùm beng nhất gắn với hãng hàng không này chính là chuyến bay mang số hiệu 243 - thảm họa kinh hoàng, cũng là phép màu khó tin bậc nhất trong lịch sử hàng không thế giới.
Ngày 28/4/1988, chuyến bay 243 của hãng Aloha Airlines bắt đầu khởi hành từ đảo Hilo đến thành phố Honolulu, đây là chuyến bay thường xuyên kết nối hai địa danh tại Hawaii. Có 89 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay. Máy bay cất cánh suôn sẻ, không có điều gì đáng bận tâm.
Hãng hàng không Aloha Airlines hoạt động trong 20 năm từ 1988 đến 2008. Ảnh: Simpleflying
Khi máy bay đạt độ cao hơn 7000m, các hành khách đang yên vị trên ghế cài dây an toàn, còn 3 tiếp viên hàng không chia nhau phục vụ đồ ăn nhẹ. Lúc này này là gần 2 giờ chiều, máy bay mới cất cánh được 13 phút.
Bỗng một tiếng rầm phát ra!
Một mảnh nhỏ từ trên trần máy bay rơi xuống hàng ghế hành khách. Chiếc máy bay bị thủng đột ngột giảm áp suất, sức nén khiến trần máy bay bị xé toạc. Cả khoang hạng nhất đã lộ ra trước không trung.
Tiếp viên trưởng Clarabelle Lansing (58 tuổi) bị thổi bay ra ngoài trong tích tắc. Một hành khách thuật lại rằng tiếp viên Clarabelle chỉ vừa chạm tay đưa cho họ ly đồ uống thì đã lập tức bị cuốn đi. Không có bất kỳ cảnh báo hay dấu hiệu nào. Tiếp viên Clarabelle được cho là đã tử vong ngay sau đó, thi thể của cô đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
Chiếc máy bay bị xé toạc ngay giữa không trung, tiếp viên trưởng bị thổi bay ra ngoài. Ảnh minh họa: Discity
Hai tiếp viên còn lại trên chuyến bay bị đều bị thương do những mảnh vỡ va đập vào đầu, vào người. Họ cố bò lê trên sàn và trấn an các hành khách hãy giữ bình tĩnh. Trước sức gió khủng khiếp, tất cả hành khách trên chuyến bay đều giữ được tính mạng do đang thắt dây an toàn.
Hai nữ tiếp viên hét lên các mệnh lệnh an toàn trong khi bị ngắt kết nối hoàn toàn với buồng lái của phi công.
Cú hạ cánh thần kỳ
Cơ trưởng Robert Schornstheimer với 12 năm kinh nghiệm dường như không hề nao núng trước tai nạn kinh hoàng đang xảy ra ngay phía sau lưng. Ông cũng nữ cơ phó Mimi Tompkins lập tức liên hệ với trạm điều khiển không lưu để báo cáo tình trạng khẩn cấp mayday và xin hạ cánh khẩn cấp.
Cơ trưởng nỗ lực hết sức để giữ cho chiếc Boeing tiếp tục bay trong 10 phút cho đến khi được hạ cánh an toàn xuống đường băng Sân bay Kahului trên đảo Maui.
Tất cả hành khách được đưa xuống máy bay qua thang hơi thoát hiểm. 65 người bị thương, 8 người bị thương nặng. Khi ấy Sân bay Kahului chưa có đủ điều kiện cứu hộ, cả hòn đảo chỉ có vài xe cứu thương nên các hành khách bị thương đã được chở đến bệnh viện bằng 15 chiếc xe du lịch. Không có thêm một ai tử vong trong vụ việc này. Chiếc máy bay trở thành đồ phế thải.
89 hành khách được đưa xuống bằng thang hơi thoát hiểm. Ảnh: Honolulu Star Advertiser
Sau vụ tai nạn kinh hoàng, Cục An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ (NTSB) đã vào cuộc điều tra. Nguyên nhân dẫn tới vụ việc được xác định là do độ mỏi kim loại bị ảnh hưởng bởi các vết nứt rò rỉ (máy bay hoạt động trong một môi trường duyên hải, thường hay bị ảnh hưởng của muối và độ ẩm). Các tấm nhôm được gắn kết bằng chất keo chống nóng chảy nhưng nước có thể lọt vào những chỗ hở mà keo không giữ được tấm nhôm.
Tuổi thọ của chiếc máy bay cũng được coi là vấn đề then chốt dẫn tới tai nạn khi chiếc Boeing đã được sử dụng 19 năm với 89.090 lần cất, hạ cánh. Thời điểm năm 1988, masy bay không được thường xuyên bảo trì như hiện nay.
Chiếc Boeing 737 trở thành phế liệu sau chuyến bay 243. Ảnh:Umons
Theo báo cáo điều tra của NTSB, một hành khách đã nhìn thấy vết nứt trên thân máy bay trước khi lên máy bay nhưng không báo lại cho phi hành đoàn. Vết nứt được cho là đã đóng góp vào vụ tai nạn.
Vụ việc kinh hoàng trên chuyến bay 243 để lại một bài học lớn về các nguyên nhân khả dĩ có thể xảy ra trong tai nạn hàng không. Chuyến bay này có lẽ đã thiệt hại nhiều hơn nếu không nhờ có sự bình tĩnh và kỹ năng của các phi công. Cả cơ trưởng Robert Schornstheimer và cơ phó Mimi Tompkins đều nhận được giải thưởng danh giá về mặt chuyên môn sau khi thành công cứu sống các hành khách.
Người ta cũng xây dựng khu vườn tưởng niệm Lansing ở gần sân bay Honolulu cho tiếp viên trưởng Clarabelle Lansing - nạn nhân xấu số duy nhất trong vụ tai nạn năm 1988.