Ngành hàng không cần tìm ra loại nhiên liệu bền vững để giúp các động cơ phản lực vận hành. Và một ý tưởng sáng tạo về "năng lượng xanh" đã nảy ra. Ý tưởng này có lẽ không nhiều người ngờ tới, đó là giải pháp cho năng lượng đến từ những nồi lẩu đã qua sử dụng tại Trung Quốc.
Đặc trưng của món lẩu Tứ Xuyên chính là mỡ, rất nhiều mỡ. Thực khách thường sẽ nhúng miếng thịt vào nồi nước dùng cay ngập mỡ, sau đó chấm gia vị để thưởng thức. Nhiều người có lẽ không biết món ngon hấp dẫn này có thể tạo ra khoảng 12.000 tấn dầu thải mỗi tháng chỉ riêng ở thành phố Thành Đô, Trung Quốc.
Nhiều công ty khởi nghiệp đã nhìn thấy tiềm năng từ thứ dầu thải này.
Nồi lẩu Tứ Xuyên với rất nhiều mỡ. (Ảnh: Getty)
Ông James Mayger, nhà báo kênh tài chính Bloomberg, nói: "Tôi đang ở trong căn bếp của một nhà hàng lẩu tại thành phố Thành Đô. Chiếc máy đằng sau tôi đang làm nhiệm vụ chắt dầu từ nước lẩu thừa. Số dầu sau đó sẽ được chuyển đi tái chế".
Anh Shutong Liu, nhà sáng lập công ty MotionECO, cho biết: "Để loại bỏ những tạp chất, chúng tôi sẽ đổ dầu thải vào lò phản ứng có chứa methanol và các chất xúc tác khác. Sau một loạt phản ứng hóa học, chúng tôi có được nhiên liệu sinh học".
Cứ 10 lít dầu ăn thải sẽ tạo ra 9 lít nhiên liệu sinh học. (Ảnh: Getty)
Theo đại diện công ty MotionECO, quá trình này hiệu quả đến mức cứ 10 lít dầu ăn thải sẽ tạo ra 9 lít nhiên liệu sinh học, thường được gọi là dầu hỗn hợp công nghiệp. Sau đó, số dầu này có thể được xuất khẩu sang châu Âu và Singapore để tiếp tục được tinh chế thành dầu diesel sinh học hoặc nhiên liệu máy bay.
Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ nhiều dầu ăn nhất thế giới với hơn 41 triệu tấn mỗi năm. Cho đến nay, chưa tới 3 triệu tấn trong số này được "chuyển hóa" thành dầu sinh học.
Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng xanh kỳ vọng, dầu thải từ nhà bếp sẽ nổi lên như một nguồn nhiên liệu máy bay bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế đã đưa ra kế hoạch giảm thiểu và bù carbon vào năm 2016, một động thái nhằm khuyến khích sử dụng các nhiên liệu bền vững bên cạnh cải tiến kỹ thuật và vận hành.
Thùng chứa dầu thải đã thu gom được lấy mẫu và sau đó được đưa đi xử lý tiếp tại cơ sở Công nghệ Môi trường Kim Thượng Tứ Xuyên ở Thành Đô. (Ảnh: Bloomberg)
Liên minh châu Âu cũng đang thắt chặt các quy định của mình, đưa ra yêu cầu mới buộc các máy bay và sân bay phải sử dụng 5% nhiên liệu hàng không bền vững vào năm 2030 và dần tăng lên 85% vào năm 2050.
Tuy nhiên, nhu cầu gia tăng từ các hãng hàng không có lẽ sẽ vượt qua khả năng tiêu thụ lẩu Tứ Xuyên của người Trung Quốc. Một nghiên cứu của Bloomberg cho thấy, chất béo, dầu và mỡ thải chỉ có thể đáp ứng được hơn 4% nhu cầu toàn cầu về nhiên liệu máy bay bền vững vào năm 2030. Khi có thể tận dụng hết được tất cả dầu thải, các nhà nghiên cứu sẽ phải tìm kiếm các nguyên liệu thô khác.