Thiên nhiên kỳ thú luôn mang đến cho chúng ta nhiều điều mới lạ. Không ít những hiện tượng lạ kỳ được chúng ta chứng kiến trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như hiện tượng sét hòn - nhìn thì đẹp là thế nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Một hiện tượng khác cũng gây không ít sự tò mò đó là mây đục lỗ.

Những lỗ thủng bí ẩn trên bầu trời được gọi bằng rất nhiều cái tên như lỗ fallstreak, cavum, lỗ mây, mây đục lỗ, skypunch. Chúng thường có hình tròn hoặc elip, với vẻ ngoài khác thường và sự quý hiếm cùng với cách xuất hiện của mình, lỗ mây thậm chí còn được nhiều người đồn rằng chúng là dấu vết của... người ngoài hành tinh

Mới ngày nào, hình ảnh một lỗ thủng trên bầu trời có màu xanh sáng lạ kì xuất hiện trên bầu trời Bắc California thu hút sự chú ý của netizen. Không ít người loan truyền rằng đây là điềm báo gì đó, cũng có người cho rằng chúng là dấu vết của người ngoài hành tinh khi điều khiển UFO đi qua các đám mây để lại.

Hình ảnh lỗ thủng màu sáng xanh kì lạ xuất hiện trên bầu trời Califfornia.

Những lỗ mây kì lạ này còn xuất hiện ở nhiều nơi khác với kích thước khác nhau. Nhiều netizen trên khắp thế giới đều bị mê hoặc bởi hình ảnh kỳ lạ này.

Lỗ mây cũng xuất hiện ở khu vực Gippland, phía Đông bang Victoria.

Lỗ mây hình thành khi nhiệt độ nước trong mây thấp hơn điểm đóng băng nhưng nước vẫn chưa đóng băng do thiếu các hạt mầm băng. Để hình thành được lỗ, các giọt trong lớp mây phải đạt tiêu chuẩn "siêu lạnh" từ -15 độ C. Khi tinh thể băng hình thành, chúng sẽ gây ra hiệu ứng domino khiến các giọt nước xung quanh cũng bị đóng băng và rơi xuống. Thế là lỗ mây ra đời. 

Và các nhà nghiên cứu cho rằng, sự nhiễu động tầng mây do máy bay có thể tạo ra các lỗ mây. Không khí đi qua cánh quạt hoặc hai cánh máy bay sẽ giãn nở và lạnh đi tức thì, nhờ đó các tinh thể băng được hình thành. Máy bay rời đi, các tinh thể ở lại, rơi khỏi đám mây và các lỗ mây khổng lồ có thể xuất hiện nhờ đó.

Lỗ mây đã xuất hiện nhiều năm và nhiều nơi trên thế giới

Andrew Heymsfield đến từ Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia (NCAR) ở Bouler nhận định rằng: "Mỗi khi máy bay di chuyển qua những vùng thời tiết đặc biệt như vậy, chúng thâm nhập vào mây và tăng cường khả năng kết tủa trong không khí." Nhóm nghiên cứu của ông cũng đưa ra kết quả mọi máy bay phản lực đều có thể tạo ra lỗ hổng này trên bầu trời. Ông cho biết thêm, một lỗ mây mở rộng nhiều giờ sau khi được tạo ra. Bởi vậy, nếu bạn muốn nhìn thấy chúng có thể tới gần các sân bay lớn, nơi có nhiều máy bay lưu thông.

Những sân bay lớn trên thế giới, đặc biệt là những nơi có mây phủ thấp và mây lạnh vào mùa đông, tần suất xuất hiện quá trình này rất cao, có thể từ 3-5%. Những tháng mùa đông, tỷ lệ trên thậm chí còn lên đến 10-15%.

Phải chăng người ngoài hành tinh để lại dấu vết trên những đám mây bị đục lỗ mà con người không nhận ra? - Ảnh 4.

Trên thực tế, các đám mây chứa lỗ hổng được thấy thường xuyên ở những khu vực như phía Tây Bắc Thái Bình Dương và phía Tây châu Âu, nơi các tầng mây có chứa nhiều giọt nước chậm đông.

Việc máy bay cất cánh hoặc hạ cánh (đặc biệt ở những khu vực nhiệt đới, ẩm ướt) sẽ có lớp mây nhỏ trên cánh máy bay. Nói đơn giản và dễ hiểu, những gì xảy ra trên cánh máy bay là sự làm mát. Và quá trình làm mát tạo ra một đám mây. 

Bí ẩn được tiết lộ: Không có người ngoài hành tinh nào điều khiển UFO tạo ra những lỗ mây cả. Đám mây siêu làm mát trên cánh máy bay, trong quá trình giãn nở và lạnh đi sẽ tạo ra băng. Hiện tượng này đã xuất hiện nhiều năm và nhiều nước trên thế giới. Có lẽ sự làm mát đó không đủ sự tin tưởng để các lực lượng siêu nhiên chọn lỗ mây làm lối đi của mình.

Thực chất, lỗ mây trên bầu trời được tạo ra do những "cú đấm" trên không cực mạnh do máy bay tạo ra mà thôi.