Trường THCS Lạc Hồng (quận 10, TP.HCM) hiện có một phòng máy tính đời cũ, đã xuống cấp với nhiều máy tính hỏng hóc, sửa chữa nhiều lần nhưng nay vẫn đang phải dùng để dạy tin học theo chương trình phổ thông 2018 cho học sinh. 

"Máy chạy chậm rì, thầy bảo làm việc này thì mấy phút sau máy vẫn chưa đến nơi, nên em cũng không thích lên phòng máy học" - một học sinh lớp 7 Trường THCS Lạc Hồng nói với Tuổi Trẻ.

Máy tính ở trường chạy cà giật, học sinh làm sao học chương trình phổ thông mới? - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Lạc Hồng trong giờ học môn tin học - Ảnh: MỸ DUNG

Tin học là cửa sổ để trẻ bước vào thời đại 4.0 mà nhà trường hiện nay đang dạy tin học với tốc độ... rùa bò. Máy móc cứ cà giật, cà giật. Đang học thì tắt phụp một cái, rớt mạng liên tục. Các chương trình không học được trên máy thì thầy trò phải học chay. Nói chung là dạy mà thấy buồn, thấy tức lắm.

Một giáo viên dạy tin học tại TP.HCM

Khóc ròng với dàn máy hơn 10 năm tuổi

Thầy Nguyễn Thành Phát, hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng, thừa nhận phòng máy đã được trang bị cách đây hơn 10 năm với 40 máy tính. Đến nay, phòng máy không chỉ không đáp ứng về chất lượng theo yêu cầu dạy tin học của chương trình phổ thông mới 2018 mà số lượng cũng không đủ để trường bố trí học sinh.

"Trường có cả ngàn học sinh nhưng chỉ có 40 máy tính xuống cấp. Nhà trường đã xin và được đồng ý mua sắm một phòng máy với 40 máy tính, nhưng đến nay sau nhiều lần làm thủ tục thì máy vẫn chưa về với học sinh. 

Trong khi ngoài chương trình phổ thông 2018, TP.HCM còn dạy theo chương trình tin học quốc tế để học sinh có thế mạnh về tin học mà phòng máy tính kiểu này khiến thầy trò gặp nhiều khó khăn trong quá trình dạy học" - thầy Nguyễn Thành Phát trình bày.

Cũng có tuổi đời hơn 10 năm, phòng máy tính tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM) hiện không đáp ứng được yêu cầu dạy tin học theo chương trình phổ thông 2018 và chương trình tin học quốc tế. 

Sau thời gian dài chờ đợi việc được mua sắm phòng máy mới với việc hoàn thành các thủ tục hành chính, Trường THCS Nguyễn Du đã chọn một phương án mới để có thể dạy tin học cho học sinh theo yêu cầu của chương trình: thuê phòng máy cho học sinh học tin học.

"Phòng máy cũ với hệ điều hành cũ không đáp ứng được việc dạy học nên nhà trường thuê mướn từ bên ngoài. Họ cho thuê máy và bảo trì máy" - cô Nguyễn Đoan Trang, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Châu, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh (TP.HCM), xác nhận việc đến nay sau hai năm đề xuất mua sắm máy tính để các trường dạy tin học theo chương trình phổ thông 2018 nhưng vẫn chưa được đáp ứng. 

"Phòng GD-ĐT đã tập hợp nhu cầu và số lượng máy tính cần thiết để thực hiện chương trình phổ thông mới 2018 từ các trường, sau đó phối hợp với Phòng tài chính kế hoạch huyện để đề xuất từ hè năm học 2020 - 2021 nhưng đến nay vẫn chưa có. Nên hiện nay các trường, bao gồm cả tiểu học và THCS, đều đang sử dụng các phòng máy hiện có - hầu hết là những phòng máy được đầu tư từ nhiều năm trước" - cô Châu cho biết.

Cũng theo cô Châu, với bậc tiểu học thì các máy cũ này hiện vẫn chấp nhận được vì hiện nay chỉ mới học sinh lớp 3 theo học môn tin học và yêu cầu kiến thức tin học mới chỉ dừng ở những kiến thức nền thấp. "Nhưng học sinh từ lớp 4 trở lên thì phải có máy đời mới hơn mới có thể học được" - cô Châu nói.

Máy chưa về đã lạc hậu

Theo một giáo viên dạy tin học tại một trường THCS trên địa bàn TP.HCM, để đáp ứng việc dạy tin học cho học sinh lớp 6 và 7, máy tính trong nhà trường phải cài đặt được Windows 10 và Office 2016. 

"Vấn đề là máy tính phải kết nối mạng thì mới dạy được các bài dạy tin học ở THCS theo chương trình phổ thông 2018. Chương trình lớp 7 thì học sinh cần lướt mạng nhiều. Máy tính hệ điều hành cũ thì sẽ dễ mất kết nối mạng, vào mạng chậm và chạy không nổi với những yêu cầu dạy học theo chương trình" - thầy giáo này nói và cho biết thêm là nếu học tin học mà học sinh không có trải nghiệm trên máy tính, không sử dụng và có được mỗi học sinh một máy tính khi ngồi học thì không đạt được hiệu quả.

Một giáo viên dạy tin học khác khi được hỏi cũng xác nhận hai năm qua là thời điểm trường THCS gặp nhiều khó khăn khi máy tính không đáp ứng được yêu cầu dạy học của chương trình mới. 

"Hai năm trước chúng tôi đề xuất máy mới nhất, cấu hình mới nhất, nhưng đến nay máy chưa về nhưng cấu hình đó đã lạc hậu rồi. Nếu tiếp tục theo kiểu mua sắm tập trung máy tính với những rối rắm như hiện nay thì khi máy tính về đến trường cũng đã bỏ xa công nghệ ngoài cuộc sống rồi. Vậy chúng ta làm sao dạy học sinh cái mới nhất được. 

Nên tôi đề nghị phải thay đổi cách cung cấp máy tính cho các trường để đáp ứng yêu cầu dạy học tốt nhất" - thầy giáo này nêu ý kiến.

Nên cho đấu thầu

Mua sắm tập trung mất quá nhiều thời gian, không đáp ứng yêu cầu dạy học. Máy tính nếu tiếp tục mua sắm theo hình thức tập trung như hiện nay khi về đến trường thì cũng đã lỗi thời, gây khó khăn cho quá trình dạy học, gây lãng phí tốn kém vì dùng được ít thời gian lại phải đề xuất mua sắm mới.

Tôi đề nghị cần đưa máy tính vào danh sách thiết bị thực hiện đấu thầu theo nguyên tắc tài chính. Với những hợp đồng mua sắm trên 100 triệu đồng thì Nhà nước nên cho các đơn vị thụ hưởng đấu thầu rộng rãi và cấp kinh phí cho các trường. Các trường sẽ mua theo nhu cầu thực tế phù hợp với thời gian và yêu cầu dạy học.

(Một trưởng phòng GD-ĐT tại TP.HCM)

Sở đã đề xuất, UBND TP chưa giải quyết

vi tinh

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM) trong giờ học tin học tại phòng máy thuê - Ảnh: Nhà trường cung cấp

Trả lời Tuổi Trẻ về nguyên nhân đến nay sau hai năm các trường đề xuất mua sắm máy tính vẫn chưa có, ông Hồ Tấn Minh, chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: "Máy vi tính để bàn phục vụ dạy học và các hoạt động trong nhà trường được quy định là tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung của thành phố theo quyết định 3370/QĐ-UBND ngày 13-8-2018.

Kể từ năm 2018, việc mua sắm máy vi tính để bàn phục vụ giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục tại TP.HCM phải thực hiện theo thủ tục mua sắm tập trung. Các cơ sở giáo dục đăng ký nhu cầu gửi về cơ quan chủ quản là Sở GD-ĐT, UBND TP Thủ Đức và 21 quận huyện đăng ký nhu cầu theo thông số kỹ thuật và đơn giá được UBND TP phê duyệt gửi về Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản để tổ chức đấu thầu tập trung lựa chọn đơn vị cung cấp theo quy định".

Ông Minh cũng cho biết thêm, từ thực trạng công tác mua sắm tập trung trên địa bàn TP.HCM thời gian qua và máy vi tính để bàn được trang bị trong các phòng thực hành máy vi tính, phòng học, phòng chức năng, bộ môn là thiết bị dạy học không thể thiếu và cần thực hiện trang bị bổ sung, thay thế mới thường xuyên đảm bảo việc thực hiện chương trình phổ thông mới 2018, ngày 15-9-2022 Sở GD-ĐT đã có công văn số 3378/SGDĐT-KHTC đề xuất UBND TP.HCM xem xét phê duyệt hai nội dung:

Thứ nhất, đối với máy vi tính để bàn phục vụ cho hoạt động giảng dạy, học tập trong các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP.HCM được xem là thiết bị dạy học không thuộc danh mục mua sắm tập trung của TP.

Thứ hai, giao cho Sở GD-ĐT, UBND TP Thủ Đức và 21 quận huyện căn cứ nhu cầu của các đơn vị cơ sở giáo dục trực thuộc quản lý xem xét, hướng dẫn việc thực hiện công tác mua sắm máy vi tính để bàn phục vụ cho hoạt động giảng dạy, học tập đúng theo quy định và kịp thời đưa vào sử dụng đáp ứng lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo chương trình phổ thông 2018 của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, đến nay nội dung đề xuất trên vẫn chưa được xem xét giải quyết.

Mới đây, để kịp thời giải quyết khó khăn trong việc đảm bảo đáp ứng máy vi tính phục vụ dạy học kịp thời theo yêu cầu, Sở GD-ĐT đã có văn bản số 3930/SGDĐT-KHTC hướng dẫn các cơ sở giáo dục về việc thuê máy vi tính để phục vụ dạy học.