Tháng 10 tiếp tục là thời điểm các hãng xe “tăng tốc” doanh số trong thời điểm nhu cầu mua xe của người dùng bắt đầu lên cao.
Điểm qua toàn thị trường có thể thấy, cả Toyota và Hyundai đều duy trì được mức bán trên 8.000 xe/tháng trong tháng thứ 2 liên tiếp – mức rất cao trong 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, 2 hãng ghi nhận mức tăng trưởng doanh số ấn tượng nhất phải kể đến Ford và Mazda.
Ford với động lực tăng trưởng là mẫu bán tải Ranger và SUV Everest đã bán ra 4.012 xe trong tháng 10, cao nhất trong lịch sử của hãng, tăng mạnh so với mức 2.914 xe của tháng 9. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa ấn tượng bằng Mazda. Thương hiệu Nhật đã kết thúc tháng 10 với 3.502 xe đưa đến tay người tiêu dùng, tăng đến 85% so với mức 1.888 xe của tháng trước đó.
Tăng mạnh doanh số, không ngạc nhiên khi nhiều mẫu xe chủ lực của Mazda đã đánh chiếm ngôi đầu bảng ở các phân khúc quan trọng mà hãng tham gia.
Chẳng hạn ở phân khúc sedan hạng C, Mazda3 đã có một tháng bùng nổ doanh số với 1.139 xe bán ra, tăng rất mạnh so với mức 513 xe của tháng trước. Mẫu xe này đã vượt qua sedan “quốc dân” là Kia K3 để dẫn đầu phân khúc. Nếu tính cộng dồn cả năm, Mazda 3 cũng đã thu hẹp khoảng cách so với Kia K3 với doanh số 8.268 xe so với mức 9.921 của model nhà Kia. 2 mẫu xe do Thaco lắp ráp, phân phối cũng bỏ rất xa doanh số các đối thủ còn lại trong phân khúc như Toyota Corolla Altis, Hyundai Elantra hay Honda Civic.
Ở phân khúc sedan hạng D, “đàn anh” của Mazda 3 là Mazda 6 cũng có màn bứt tốc ấn tượng với 150 xe bán ra, cùng với Kia K5 (130 xe), đẩy đối thủ Toyota Camry xuống vị trí thứ 3 với 115 xe bán ra. Tuy nhiên, nếu xét cộng dồn từ đầu năm, Mazda 6 khó có cửa cạnh tranh với Camry khi doanh số chỉ bằng khoảng 1/3 (1.034 xe so với 3.444 xe của Camry).
Tương tự ở phân khúc crossover hạng C, Mazda CX-5 đang đứng trên những đối thủ rất mạnh là Hyundai Tucson, Honda CR-V, Kia Sportage để đứng đầu phân khúc với 1.003 xe bán đến tay người dùng, tăng mạnh so với mức chỉ 460 xe một tháng về trước.
Tuy nhiên, khác với các mẫu sedan, CX-5 chính là model được ưa chuộng nhất ở phân khúc này từ đầu năm với doanh số khá vượt trội - 10.973 xe, bỏ khá xa đối thủ xếp thứ 2 là Honda CR-V với hơn 8.000 xe. Ở phân khúc này, thị trường sẽ đón thêm 1 model là Ford Territory từ tháng 11, hứa hẹn mang đến sự cạnh tranh thú vị.
Theo các chuyên gia, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc một số mẫu xe của Mazda bất ngờ tăng mạnh doanh số.
Thứ nhất, so với các đối thủ, Thaco phần nào giữ được sự ổn định về nguồn cung sản phẩm, dây chuyền sản xuất nên đại lý có sẵn xe bàn giao cho khách - trái ngược với tình trạng khan hàng của nhiều mẫu xe đối thủ.
Thứ 2, Mazda triển khai các chương trình giảm giá lớn trong tháng 10 cho tất cả mẫu xe. Chẳng hạn, bộ đôi Mazda 3 và Mazda 6 được hỗ trợ giá tương đương 100% phí trước bạ với mức ưu đãi cao nhất cho Mazda 6 lên đến 110 triệu.
2 mẫu crossover CX-5 và CX-8 cũng nhận ưu đãi 20-40 triệu đồng, Mazda 2 nhận ưu đãi 25-40 triệu đồng trong khi Mazda CX-3 và CX-30 ưu đãi 2-50 triệu đồng.
Nếu phải tìm những model phần nào gây thất vọng trong dải sản phẩm của Mazda tại Việt Nam thì đó chính là bộ đôi CX-3 và CX-30 cạnh tranh ở phân khúc SUV đô thị. Từng nhận nhiều kỳ vọng nhưng thực tế, 2 model này không tạo đột biến về doanh số, dù đã xuất hiện trên thị trường hơn một năm. Những cái tên được thị trường quan tâm nhất ở phân khúc này vẫn là Toyota Corolla Cross, Hyundai Creta, Kia Seltos hay Sonet.
Bên cạnh đó, Mazda 2 cũng không để lại nhiều ấn tượng ở phân khúc sedan hạng B, khi phải cạnh tranh với những “vua doanh số” như Toyota Vios, Hyundai Accent hay Honda City. Model này thậm chí cũng thua sút về doanh số so với Mitsubishi Attrage hay Kia Soluto.