Ngày trước, IQ được xem là một yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của một người, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu, học tập. Những người có IQ cao thường học hành giỏi giang, có những sáng kiến, nhạy bén trong học tập, chúng ta thường gọi họ là những người “thông minh sách vở”.
Nhưng ngày nay, theo xu hướng phát triển của xã hội, các chuyên gia cho rằng nó không còn là “kim chỉ nam” quyết định thành công trong cuộc sống. Thay vào đó, nó chỉ là một phần trong chuỗi các yếu tố quyết định thành công, và “thông minh sách vở” phải được kết hợp với vô vàn các yếu tố khác, trong đó có “thông minh đường phố”.
Trí thông minh cảm xúc (hay còn được biết đến là EQ hay “thông minh đường phố”) ngày nay đã trở thành yếu tố quan trọng bởi nó có tác động mạnh mẽ lên nhiều lĩnh vực, nhất là trong kinh doanh. Nhiều công ty giờ đây đã bắt buộc nhân viên phải tham gia các khóa đào tạo về thông minh cảm xúc, sử dụng bài kiểm tra EQ làm một phần trong quá trình tuyển dụng. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người có tiềm năng lãnh đạo mạnh mẽ thường có EQ cao, do đó EQ trở thành yếu tố quan trọng mà những nhà lãnh đạo kinh doanh, quản lý phải có.
EQ cao giúp con tự tin phát triển khả năng giao tiếp, dễ dàng hòa đồng trong tập thể, kết giao với mọi người xung quanh, mở rộng mối quan hệ. Chính sự hoà đồng, dễ thích nghi này sẽ giúp con tạo nên nền tảng vững chắc để duy trì các mối quan hệ tốt cho chuyện học tập cũng như sự nghiệp sau này.
Bai Yansong - ông hiện là nhà bình luận thời sự Trung Quốc, người dẫn chương trình và là nhà báo của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Ảnh: NetEase
May mắn thay, so với chỉ số IQ, EQ có thể được cải thiện thông qua thực hành và trải nghiệm đời thực. Với tư cách là người dẫn chương trình nổi tiếng nhất của đài CCTV – Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, Bai Yansong nhấn mạnh: Nếu cha mẹ thường xuyên áp dụng 4 câu dưới đây để giao tiếp với con cái, mối quan hệ cha mẹ - con cái không chỉ được gắn kết mà còn giúp nâng cao chỉ số EQ của trẻ.
4 câu cha mẹ nên thường xuyên nói để cải thiện chỉ số EQ của con
1. "Con nghĩ sao về vấn đề này, ba mẹ muốn nghe ý kiến của con"
Ví dụ, khi đứa trẻ hỏi: "Bố ơi, cuối tuần này gia đình cũng ta sẽ đi chơi ở đâu?" - phụ huynh nên đáp: "Con nghĩ gia đình ta nên đi đâu? Bố muốn nghe ý kiến của con trước".
Điều này nhằm rèn luyện kỹ năng diễn đạt và tư duy logic của trẻ. Khi cha mẹ nói câu này, trẻ sẽ không còn thụ động làm theo yêu cầu của cha mẹ mà sẽ tự chủ động suy nghĩ, bắt đầu sắp xếp lời nói trong đầu, thể hiện ý tưởng và quan điểm riêng.
Theo thời gian, cha mẹ sẽ thấy rằng con trở nên tự tin và quyết đoán hơn, và chúng cũng biết cách giao tiếp với người khác và bày tỏ suy nghĩ của mình.
2. “Con yêu, tất cả là tùy con quyết định!”
Cha mẹ hãy để trẻ tự quyết định những việc nhỏ trong tầm tay của trẻ. Trừ những việc cần có ý kiến của người lớn hay vấn đề đó vượt quá khả năng cho phép của trẻ, cha mẹ hãy hướng dẫn, cho trẻ lời khuyên và tạo cơ hội cho trẻ được bày tỏ ý kiến của mình.
Ví dụ, khi con nói với cha mẹ: “Mẹ ơi, con có thể mua hộp kẹo này bằng tiền tiêu vặt của con được không?”, thay vì nói “không”, cha mẹ nên nói “Được chứ, tùy con quyết định, đó là tiền của con mà”.
Ảnh minh họa.
Thường xuyên nói câu: “Con à, tất cả là tùy con quyết định!” với trẻ, chúng sẽ cảm thấy rằng, cha mẹ cũng tôn trọng mình và sự tồn tại của mình là có giá trị. Dần dần, sự tự tin, tinh thần trách nhiệm, tính độc lập của trẻ sẽ được trau dồi, cải thiện.
3. "Chúng ta sẽ đặt ra quy định cho vấn đề này và cùng nhau tuân thủ nó"
Có những lúc, cha mẹ luôn cảm thấy bất lực vì nhắc nhở nhưng trẻ vẫn cứ "nước đổ lá khoai", hoàn toàn không để ý đến lời cha mẹ. Cuối cùng mối quan hệ cha mẹ - con cái trở nên căng thẳng.
Ví dụ như việc "cắm đầu" vào điện thoại, dù phụ huynh nhắc nhở con nhiều lần, không được chơi điện thoại quá nhiều, nhưng chúng vẫn "chứng nào tật nấy". Lúc này, cha mẹ nên nói với con: "Hãy đặt ra một quy định sử dụng điện thoại thông minh khi ở nhà, chúng ta hãy cùng nhau chấp hành quy định đó nhé!".
Hiệu quả của phương pháp giao tiếp như vậy chắc chắn tốt hơn 10.000 lần so với đánh đập và la mắng.
Lời nói của cha mẹ là tương lai của con cái. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý hơn nữa với mỗi lời nói mà mình phát ngôn khi ở trước mặt con. Giao tiếp với con cái cũng là một nghệ thuật, cha mẹ cần sử dụng ngôn ngữ hợp lý và phù hợp nếu muốn nâng cao chỉ số EQ của con mình.
4. “Ba mẹ thương con, nhưng không muốn con cư xử như vậy...”
Người xưa hay nói “Một đứa trẻ ra sao, phụ thuộc vào “cái lưỡi” của cha mẹ nó”, đây không phải là một câu nói đùa.
Trên thực tế, một câu nói đùa vô ý hay một lời mắng nặng nề của cha mẹ đối với trẻ, có thể sẽ ảnh hưởng đến tính cách của chúng sau này.
Cha mẹ thường xuyên nói những câu như: “Con thật kém cỏi”, “Ngu như bò”, “Đừng có làm như vậy…”, sẽ khiến con thực sự nghĩ mình là người kém cỏi. Lâu dần, con sẽ hình thành suy nghĩ không muốn phấn đấu nỗ lực, mặc cảm tự ti cho rằng mình bất tài vô dụng.
Ảnh minh họa.
Ví dụ, nếu phát hiện con nói dối, cha mẹ hãy nói với trẻ: “Ba mẹ rất yêu con, nhưng ba mẹ không thích hành động nói dối”.
Có như vậy, trẻ vừa nhận ra sai lầm của mình, nhưng đồng thời biết rằng cha mẹ không ghét bỏ mình, nên chúng tìm cách sửa sai hoặc nghe lời dạy bảo của cha mẹ để tránh tái phạm lần sau. Cha mẹ tuyệt đối không được dùng những lời mắng chửi nặng nề dành cho con.