Bí quyết mua sắm online này được đúc kết từ kinh nghiệm của chị Lê Phương Thanh (hiện đang sống tại Hà Nội). Không chỉ có nhiều năm mua hàng online mà chị Thanh còn từng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nữa. Vì thế, để mua được những món hàng đẹp, giá ổn từ cửa hàng uy tín bạn nên tham khảo những thông tin bổ ích được chị chia sẻ dưới đây.
1. So sánh giá
Đây là cách rất hiệu quả mà chị Phương Thanh sử dụng để mua được hàng tốt với giá rẻ. Trước tiên thì chị Thanh ít khi nào quyết định mua sắm ngay lần đầu. Bước đầu tiên chị sẽ làm là so sánh giá (tất nhiên bước này vẫn còn sau bước xác định có thực sự cần mua sản phẩm này hay không).
Trường hợp bạn chắc chắn cần mua sản phẩm này, hãy bắt đầu so sánh giá. Ví dụ, chị Thanh cần mua một quyển sách. Chị sẽ so sánh giá cùng một quyển sách đó tại ít nhất là ba shop khác nhau. Giá để so sánh là giá cuối cùng chị phải "móc túi ra trả", tức là sau khi đã áp tất cả các mã giảm giá, hoàn xu hay freeship, không phải giá nhìn thấy lúc tìm kiếm.
2. Đọc đánh giá sản phẩm
Bước này hết sức quan trọng. Thực ra với một số sản phẩm (như sách chẳng hạn) có thể các đánh giá của người dùng sẽ không quá khác nhau. Nhưng với một số sản phẩm như: quần áo, giày dép… thì đây là một vũ khí thần thánh quyết định độ "thành công" cho món mua sắm.
Nguyên tắc đầu tiên là ưu tiên đọc đánh giá xấu trước (đọc từ 1 * lên tới 2*, 3*, 4*, 5*). Tìm hiểu lý do tại sao họ để lại đánh giá xấu, nó có xuất phát từ chất lượng sản phẩm hay không? Nên loại trừ các đánh giá xấu xuất phát từ vấn đề vận chuyển hàng hóa (lỗi không phải từ sản phẩm).
Tuy nhiên, cũng đừng kỳ vọng sự hoàn hảo quá mức. Một chiếc váy đẹp bán ra 2000 chiếc sẽ không tránh khỏi 1, 2 đánh giá xấu. Vì thế, nên đọc review dưới một con mắt khách quan nhất để có thể hiểu rõ nhất về sản phẩm định mua.
Nguyên tắc tiếp theo là ưu tiên xem các review có kèm video/ảnh và tìm các video/ảnh khách hàng chia sẻ ảnh thật của sản phẩm. Ví dụ một chiếc váy trên ảnh của cửa hàng online đăng đẹp long lanh do được người mẫu mặc, chưa kể đến đã được "chỉnh sửa ảnh". Để có cái nhìn chân thực nhất về độ đẹp của chiếc váy, hãy tìm hình ảnh thật được người mua chia sẻ.
Cũng nên quan tâm đến một số đánh giá có liên quan khác như váy này to hay bé, chất liệu vải như thế nào (mềm hay cứng, dày hay mỏng…).
Nguyên tắc thứ ba là nên quan tâm đến sự phản hồi của cửa hàng với những đánh giá xấu. Một cửa hàng uy tín, chăm sóc khách hàng tốt, xử lý "khủng hoảng truyền thông" tốt sẽ đáp lại những lời nhận xét "gay gắt" từ phía người mua một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp và lịch sự.
3. Chọn cửa hàng
Trước đây chị Thanh đã từng có thời gian bán hàng online trên sàn thương mại điện tử dạng "nhỏ lẻ". Chị Thanh chia sẻ: "Để đạt được các danh hiệu như "Shop Mall" (hay còn được hiểu là cửa hàng chính hãng), "Shop Yêu thích +", "Shop Yêu thích" là một nỗ lực rất lớn từ người bán hàng. Các sàn thương mại điện tử sẽ có một danh mục các bộ chỉ tiêu mà người bán phải đáp ứng bao gồm: tỷ lệ đánh giá tốt, tỷ lệ phản hồi khách hàng, số lượng hàng bán ra, thời gian chuẩn bị hàng,…
Vì vậy, không có lý do gì mà bạn không gửi gắm niềm tin vào các cửa hàng mà độ uy tín "đã được chứng nhận" cả. Tất nhiên, "Shop Mall" có thể là một lựa chọn an toàn nhưng ở một số trường hợp mua hàng tại "Shop Mall" dù uy tín nhưng giá lại cao hơn. Trường hợp này bạn có thể cân nhắc sang "Shop Yêu thích +" hoặc "Shop Yêu thích".
4. So sánh giá trên Google và tìm đánh giá sản phẩm trên Google/Youtube
Bí quyết này không khuyến khích áp dụng với các sản phẩm có giá trị quá thấp (cỡ vài chục nghìn hay 100, 200 nghìn) bởi vì nó khá tốn thời gian. Mà nên dùng với những sản phẩm có giá trị cao và có ý định mua sản phẩm đó trên sàn thương mại điện tử.
Ví dụ, chị Thanh đang cần mua một chiếc máy ép hoa quả hiệu A với giá trên sàn thương mại điện tử là 2 triệu. Ngoài việc so sánh giá tại 3 shop khác nhau, sẽ cần so sánh giá trên google (nó sẽ ra mức giá tại các hệ thống bán lẻ khác nữa).
Tiếp theo hãy tìm review về sản phẩm đó trên Google/Youtube. Youtube là nơi rất tuyệt để tìm kiếm các đánh giá về một sản phẩm nào đó. Hơn nữa có video hướng dẫn sử dụng. Biết đâu, lại phát hiện ra rằng chiếc máy ép này quá "cồng kềnh" và vệ sinh rất khó, mất thời gian, có thể nên suy nghĩ lại về quyết định mua sắm.
Ngoài Google, Youtube, còn có thể tận dụng kênh "người quen". Trong mạng lưới mối quan hệ quen biết đã ai sử dụng sản phẩm này chưa? Cảm nhận của họ thế nào?
5. "Chờ đợi là hạnh phúc"
Các sàn thương mại điện tử thường rất hay sale vào các ngày đẹp như: "1/1", "2/2", "3/3", … Sale vào dịp "Black Friday", sale dịp giữa tháng và cuối tháng,… Thay vì cố mua sắm vào thời điểm không có sale, chẳng có mã giảm giá, hoàn xu, chẳng có mã freeship, hãy áp dụng nguyên tắc "chờ đợi là hạnh phúc".
Đôi khi chờ thêm vài ngày mà lại được giảm giá tiền trăm nghìn hay tiền triệu (tùy sản phẩm mua), đó chẳng phải là một điều quá tốt? Hoặc bạn có thể thử nghiên cứu qua khung giờ flash sale, thường diễn ra 3 tiếng/lần. Khi mua sản phẩm vào khung giờ này có thể được giảm thêm một chút.
Ngoài chương trình sale chung, các địa chỉ bán cũng có mã giảm riêng. Bạn sẽ nhìn thấy thông tin này khi mua hàng hoặc nếu không rõ thì nên gửi tin nhắn hỏi.
6. Thử trả giá
Nếu bạn mua số lượng nhiều sản phẩm, hãy đàm phán giá với người bán. Trong trường hợp "xấu nhất", không được đồng ý giảm giá, cũng chẳng mất gì. Còn cũng có nhiều trường hợp may mắn, bạn sẽ mua được với giá tốt hơn khá nhiều so với giá niêm yết.
"Ví dụ như thế này, lớp con nhà tôi có ý định mua mũ đồng phục, số lượng cần mua là 25 cái, giá niêm yết của shop là 55k/cái. Nhờ bí quyết "thử trả giá", tôi đã mua được 25 cái mũ với giá 49k/cái", chị Thanh chia sẻ.
Tuy nhiên chị Thanh cũng lưu ý là thông thường các Shop Mall sẽ khó chấp nhận việc đàm phán giá cả, mà nên thử với các Shop Yêu thích +, Shop Yêu thích hoặc các Shop thông thường khác, tỷ lệ thành công sẽ "cao hơn".
7. Tìm hiểu về chính sách bảo hành, đổi trả và hoàn tiền
Khi mua một số sản phẩm (thông thường là sản phẩm điện tử, gia dụng…) sẽ được hưởng chế độ bảo hành. Đừng ngại bỏ thêm chút thời gian tìm hiểu về chính sách bảo hành của sản phẩm đó tại phần mô tả của sản phẩm và xem kỹ hơn về điều kiện được bảo hành (cần phải giữ lại hóa đơn hay không? Thủ tục cần làm khi có nhu cầu bảo hành là gì?…).
Với chính sách đổi trả và hoàn tiền, để mọi việc diễn ra được trơn tru, đảm bảo quyền lợi thì chị Thanh khuyến khích mọi người nên quay video khi mở hàng. Đặc biệt đối với các đơn hàng giá trị cao, hoặc đơn hàng có nhiều sản phẩm, hoặc đơn hàng dễ vỡ,… Việc có trong tay "bằng chứng" sẽ khiến việc khiếu nại (đổi trả/hoàn tiền) dễ thành công hơn.
Một lưu ý tiếp theo là ngay sau khi nhận hàng, nên kiểm tra hàng và "báo" nếu có vấn đề phát sinh hoặc liên hệ ngay với shop. Đừng nhận hàng, vứt xó ở đó, 2 tuần sau mới bóc hàng và phát hiện ra bị giao thiếu sản phẩm, lúc này việc xử lý sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
8. Đừng bao giờ mua hàng nguyên giá và không được freeship
Các sàn thường xuyên có các mã giảm giá, mã freeship. Nên chờ đợi để có nó thay vì chấp nhận trả tiền ship hay mua hàng nguyên giá. Hãy kiểm tra lại tất cả các mã giảm giá, mã hoàn xu và mã freeship, đảm bảo tất cả đã được áp dụng đầy đủ, để được hưởng mức giá tốt nhất có thể trước khi bấm mua hàng và thanh toán.