"Làm thế nào để trẻ biết cách hòa thuận, thương yêu anh chị em trong gia đình" là mối băn khoăn của nhiều bậc cha mẹ. Nhất là những gia đình đông con. Ích kỷ, sở hữu cao, muốn mình là trung tâm... dường như là bản tính tự nhiên của bất kỳ đứa trẻ nào. Việc của phụ huynh là phải giáo dục làm sao để trẻ nhận ra điều đó là không nên. Con biết tôn trọng, thương yêu và đoàn kết với các anh em của mình. Thậm chí là còn phải đối xử hòa nhã với tất cả mọi người.
Mới đây, bà mẹ 3 con Vũ Thúy Hằng (34 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Thụy Điển) đã chia sẻ bí quyết "vàng" giúp các con của chị luôn hòa thuận, yêu thương lẫn nhau.
Mẹ trẻ tự hào: "Nhà mình có 3 bạn nhỏ: 2 anh trai (con trai lớn 9 tuổi) và 1 cô em gái. Từ ngày còn bé đến bây giờ, bọn trẻ nhà mình chưa bao giờ đánh nhau. Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn có trêu ghẹo và tranh luận với nhau về 1 vấn đề gì đó. Mình nghĩ chuyện ấy cũng không tránh khỏi trong 1 gia đình có nhiều anh chị em.
Tụi nhỏ nhà mình rất thương nhau! Điều ấy thể hiện trong những hành động hàng ngày. Để các con có được tình cảm như hiện tại thì mình đã thực sự chú trọng đến việc rèn luyện con ngay khi còn nhỏ".
6 quy tắc "vàng" dạy các con hòa thuận, yêu thương anh em
1. Dạy con ghi nhớ các thành viên trong gia đình
Ngay từ khi chuẩn bị sinh con thứ 2, chị Hằng đã chuẩn bị tinh thần cho con lớn. Mẹ trẻ tuyệt đối không trêu chọc con những câu đại loại như "sắp ra rìa". Chị cũng yêu cầu mọi người trong gia đình không được nói đùa, hay trêu chọc con. Bởi những trò đùa tưởng chừng rất vui của người lớn lại có thể khiến con trẻ bị ám ảnh về tâm lý. Con sẽ cảm thấy mình sắp bị bố mẹ hắt hủi, không cần mình nữa và em mình chính là nguyên nhân.
Sau đó khi con bắt đầu tập nói, mẹ trẻ thường xuyên hỏi con những câu như: "Gia đình mình có những ai", "Con yêu những ai?"... Và chị hướng dẫn con kể tên hết các thành viên trong gia đình.
Chị Hằng cho hay: "Mình muốn con ghi nhớ trong tâm trí những người thân bên cạnh con. Trong những câu hỏi mình không thêm từ "nhất" ở cuối câu. Vì mình muốn con không có sự so sánh người này hơn người kia. Trong gia đình thì sự yêu thương là như nhau, bình đẳng và không hơn không kém. Mình phân tích cho các con hiểu được ý nghĩa của việc anh em thương yêu nhau. Đến bây giờ khi nói về vấn đề này tụi nhỏ thường chốt hạ rằng: "Chúng mình là Family!"".
"Anh cả" rất ra dáng, thường xuyên thay mẹ chăm sóc các em.
2. Dạy các con cách chia sẻ
Trong gia đình nhà chị Hằng, ai cũng phải làm việc, không có sự thiên vị. Các con sẽ chia sẻ các công việc nhà đến việc ăn uống cho nhau. Tùy độ tuổi và sức lực của mình, các con sẽ được giao nhiệm vụ tương đương.
Việc dạy con chia sẻ sẽ được lặp đi lặp lại và thành thói quen trong gia đình nhà chị Hằng. Đến bây giờ có cái kẹo mút các con của chị cũng gọi nhau ra chia. Hoặc có việc gì cần giúp đỡ là chúng túm tụm lại, sẵn sàng hỗ trợ nhau.
Ở nhà chị Hằng, ai cũng phải làm việc nhà. Công việc khi được thực hiện cùng nhau sẽ tăng thêm sự đoàn kết, yêu thương giữa các con.
3. Cùng nhau vui chơi và làm việc để con hòa thuận
"Sau mỗi buổi chiều tan học về nhà là bọn nhỏ lại cùng nhau chơi đùa. Anh lớn trông 2 em, bày trò cho em chơi. Đến giờ thì tắm rửa cho em và cho các em ăn. Ăn xong thì các con cùng nhau dọn dẹp nhà cửa. Mình muốn các con có nhiều thời gian bên nhau và nhiều hoạt động cùng nhau. Vì mình tin sự gần gũi và chia sẻ sẽ giúp chúng thêm yêu thương nhau nhiều hơn. Những hoạt động cùng nhau cũng tạo nên sự gắn kết và thấu hiểu. Ngoài tình cảm anh em thì mình nghĩ các con còn coi nhau như những người bạn thân thiết" - mẹ trẻ nói.
Ngoài ra chị Hằng cũng hay giao nhiệm vụ theo nhóm để cùng các con làm. Trong quá trình thực hiện các con có trách nhiệm bảo ban và giúp đỡ nhau để chúng nhận ra việc đoàn kết sẽ mang lại hiệu quả cao trong công việc. Khi ra đường hoặc đến chỗ đông người các con sẽ có thói quen nắm tay nhau và quan tâm, để ý đến nhau.
Tụi nhỏ cùng nhau chơi đùa, chia sẻ cho nhau những món đồ chơi, quyển truyện hay...
4. Phải có sự bình đẳng
3 con của chị Hằng, mỗi đứa 1 cá tính khác nhau nhưng chị đều yêu thương các con bằng nhau. Mọi vấn đề chị đều đối xử công bằng, không thiên vị bất cứ ai.
Mẹ Việt kiều cho biết: "Khi em bé cần nhường nhịn và giúp đỡ thì mình sẽ dạy con tự nói với các anh: "Có thể nhường em không?", "Có thể giúp em không?". Cách hỏi ấy cũng thể hiện sự tôn trọng đối với anh trai. Và hầu như các anh đều vui vẻ nhường nhịn em khi cần.
Khi các con phạm lỗi, mình đều phê bình và nhắc nhở tất cả chứ không riêng gì ai. Ngoài ra mình còn thường có những buổi nói chuyện riêng với từng bạn nhỏ khi cần, phân tích cho con về cách cư xử đúng mực với anh hoặc em".
5. Dạy con cách tôn trọng, quan tâm người khác
"Bọn nhỏ nhà mình khá nhạy cảm. Chúng thường để ý đến cảm xúc của anh em vui hay buồn và có sự chia sẻ khi cần thiết.
Mình dạy các con tôn trọng nhau qua những hành động hàng ngày:
- Nói "Cảm ơn" và "Xin lỗi" trong đúng hoàn cảnh, dù chỉ là những việc rất nhỏ.
- Hỏi ý kiến nhau khi cùng làm việc gì đó.
- Xin phép nhau nếu muốn dùng hoặc mượn đồ của nhau.
Ngoài ra mình còn khuyến khích các con thể hiện tình cảm với nhau qua những cái ôm, những câu hỏi thăm hàng ngày. Những hành động tuy nhỏ nhưng sẽ tạo nên điều ngọt ngào để các con cảm nhận được có anh-chị-em là điều rất tuyệt vời" - bà mẹ 3 con cho hay.
6. Tạo mối quan hệ mật thiết với anh chị em họ
Không chỉ dạy con yêu mến, đoàn kết các thành viên trong gia đình, chị Hằng còn dạy con yêu thương và tôn trọng những người họ hàng của mình, xa hơn nữa là những người bạn trong lớp học, hay hàng xóm...
Gia đình nhà chị Hằng cách nhà họ hàng khoảng 100m nhưng hầu như cuối tuần nào chị cũng chạy xe đưa đón các con đến nhà anh chị chơi. Mục đích chính là để anh chị em và các con gần gũi nhau hơn.
Đại gia đình nhà chị Hằng có 11 đứa trẻ, trong đó có bé đã lớn, nhưng cũng có trẻ vẫn còn nhỏ... Chúng có tính cách khác nhau. Việc chơi với nhau sẽ giúp các con yêu thương và chia sẻ nhiều hơn. Việc bố mẹ và các bác thân thiết cũng là tấm gương để các con noi theo. Sự yêu thương không chỉ giới hạn trong gia đình nhỏ mà cần lan tỏa rộng hơn đến cả đại gia đình và ra ngoài xã hội.
Không chỉ dạy con yêu thương anh chị em mình, mẹ trẻ còn dạy chúng yêu thương mọi người.
"Việc nuôi dạy những đứa trẻ là cả 1 hành trình rất dài và nhiều thử thách đối với người mẹ. Trong quá trình ấy mẹ phải cực kỳ kiên nhẫn và lắng nghe để hiểu con hơn và tìm được cách giáo dục phù hợp. Mình luôn tin rằng tình yêu thương sẽ cảm hóa được mọi đứa trẻ và sẽ theo chúng đi suốt cuộc đời" - chị Hằng nêu quan điểm.