Giống như nhiều em bé mới chào đời khác, 3 tuần đầu, bé Mỡ nhà chị Mai mới từ trong bụng mẹ ra nên chưa phân biệt được ngày, đêm, lẫn lộn hết cả. Có đêm, Mỡ thức chơi từ 1h30 đến 4h sáng, mệt cả mẹ, cả con. Sau đó, chị Mai tìm hiểu và thấy rằng, cần phải rèn cho bé biết phân biệt ngày, đêm. Tức là ban ngày cần có các hoạt động và ánh sáng, ban đêm yên tĩnh con phải ngủ. Cứ lặp đi lặp lại nhiều lần tự khắc thành thói quen.
Đến hiện tại, bé Mỡ nhà chị mới được 1 tháng 20 ngày nhưng cứ 19h là đi ngủ, đêm ăn xong lại ngủ đến sáng.
Chị Bùi Phương Mai.
"Ban đầu, cái khó nhất là việc bạn ấy rất khó đánh thức, đặc biệt bị nhầm giấc đêm là ngày, nên phải dùng các biện pháp để bạn ý thức được giữa các giấc ngủ" - chị Mai kể. Sau 3 tuần rèn cho con cách phân biệt ngày, đêm, chị Mai đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để chia sẻ cùng chị em như sau:
Ban ngày:
- Kéo rèm, bật nhạc, cho con ti rồi rửa mặt mũi, nói chuyện với con.
- Chỉ cho con ngủ 2 đến 2,5 tiếng mỗi giấc.
Ban đêm:
- Thực hiện theo trình tự: Massage - tắm - ăn - vỗ ợ hơi - quấn kén - bật tiếng mưa rơi - tắt điện vỗ vỗ vài cái rồi ngủ cứ ngủ đến cữ dậy ăn lại ngủ tiếp và không thức tí nào.
Lưu ý:
- Tuyệt đối không nói chuyện với con buổi đêm, bé dậy ê a thì cứ kệ bé sẽ tự ngủ tiếp vì biết đó là giấc đêm, trừ khi bé khóc mới bế dậy kiểm tra bỉm hoặc cho bú.
- Đèn nên bật đèn nhỏ, không nên bật đèn ngủ sáng quá làm kích thích bé khó ngủ.
- Tuyệt đối không được bế ru rong, nhà mình chỉ ngồi 1 chỗ vỗ mông cho ngủ nên giờ con quen, chỉ cần ngồi im vỗ vài cái là vào giấc. Khó chịu quá thì mình cho con ngậm ti giả.
- Và 1 điều quan trọng đó là vỗ ợ hơi, từ bé mình đã có thói quen đó nên Mỡ thành quen, giờ ăn no quá là con ngóc đầu lên ý là con đang bị đầy bụng. Mình vỗ ngay lập tức, ợ hơi to như người lớn. Bé được vỗ ợ hơi từ bé sẽ thành thói quen, biết báo với mình mỗi khi đầy hơi và không bị nôn, trớ, đồng thời hấp thụ được hết lượng sữa đã ăn.
- Trẻ con khóc do 3 yếu tố chính: Con bị đầy hơi (đau bụng); Bỉm con bẩn hoặc con bị đói. Và con chỉ thông qua tiếng khóc thôi nên các mẹ để ý và hiểu con nhé.
Bé Mỡ được mẹ rèn để phân biệt được ngày đêm từ lúc được 3 tuần tuổi.
Chị Mai nói thêm, thời kỳ các bé được 6 - 7 tuần tuổi, bé sẽ hay ngủ Catnap, tức là giấc ngủ ngắn, chỉ khoảng 40 phút là sẽ tỉnh. Lúc này, chị thường để con tự xoay sở, giống như người lớn đang ngủ mà tỉnh cũng cần thời gian ngủ lại chứ thấy con vừa khóc là các mẹ đã vào bế thốc con lên, tự nhiên sẽ làm con khó chịu và mất giấc ngủ. Thậm chí còn tạo thói quen xấu cho con là cứ khóc sẽ được bế.
Chị Mai thường đợi khoảng 3 - 5 phút, nếu con còn khóc mới vào kiểm tra, để con có thời gian tự xử lý, nếu không xử lý được thì mẹ mới hỗ trợ. Trộm vía, em bé nhà chị Mai hiện giờ cứ khóc 2 - 3 phút là tự chuyển được giấc, không cần mẹ nữa.
"Có lúc đang ngủ bạn ấy khóc to lên, mẹ vào cho ti giả cũng không thèm, ra là bạn ý đau bụng, đầy bụng muốn mẹ bế vác lên, vỗ vỗ ợ hơi to như người lớn, có lẽ lúc ăn mẹ vỗ chưa kỹ, đặt xuống lại ê a rồi tự ngủ" - chị Mai nói thêm.
Hiện tại, khi được 1 tháng 20 ngày tuổi, Mỡ đã ăn ngủ điều độ như người lớn.
Ngoài việc rèn luyện cho con biết phân biệt ngày, đêm, chị Mai cũng chia sẻ thêm một số bí quyết các mẹ nên lưu ý để đỡ lãng phí thời gian:
Vắt sữa:
Mình đủ sữa cho con, có dư ít thôi nhưng mỗi lần sữa về là ướt hết áo, hì hục vắt sữa mệt lắm, huống hồ các mẹ nhiều sữa quá. Sau khi trải qua vụ sữa ngồi vắt 20 - 30 phút, mình rút ra kinh nghiệm sâu sắc là:
- Vắt sữa trong 10 phút là hết sạch chỗ sữa 2 bên bầu ngực.
- Chỉ cần xoa xoa 2 đầu ti trong 20 giây (nhớ sát trùng vệ sinh tay) là sữa về ào ạt, bật máy hút sữa lên hút sạch luôn, hết cữ sữa về lại xoa tiếp. Mình vắt sữa trong đúng 10 phút là xong và thu được thành quả là 170ml/lần.
Tắm cho con:
Mình thấy cho bé đi tắm khoảng thời gian từ 18h kém đến 18h là chuẩn nhất để con nhận biết chuẩn vào giấc ngủ đêm. Nếu tắm lúc 16h đến 16h30, con thoải mái ăn xong sẽ ngủ luôn, lại nhầm đêm và ngày.
Cho con ăn:
Khi bé mới ngủ dậy thì không cho ăn luôn, thay vào đó, mình để khoảng 15 phút sau mới cho bé ăn vì lúc đó bé sẽ tỉnh táo hẳn. Cho ăn ngay khi ngủ dậy bé sẽ lại lim dim ngủ tiếp.
Nhiệt độ phòng:
Cần có thiết bị đo nhiệt độ phòng để biết được nhiệt độ phù hợp tương ứng với quần áo bé mặc. Mình hay để nhiệt độ phòng là 26 độ, mặc bộ quần áo dài cho con kèm theo quấn kén.
Chị Mai kể về những ngày tháng ở cữ của mình mà khiến nhiều mẹ bỉm sữa "phát thèm": "Mẹ sinh xong tâm lý thường bất ổn, cần phải được nghỉ ngơi nhiều. Khi các bạn ấy ngủ có giờ giấc, mẹ sẽ được nghỉ ngơi, thư giãn, không bị strees hay áp lực, trầm cảm sau sinh. Trộm vía, mình sinh xong rèn được con vào nếp nên mọi thứ đối với vợ chồng mình không thay đổi nhiều.
Mỡ ngủ riêng từ lúc ở viện về nên bố mẹ vẫn cứ như thời son rỗi, đến giờ con dậy thì người cho con bú, người vỗ ợ hơi rồi con lại ngủ tiếp thì bố mẹ cũng ngủ tiếp đến sáng.
Bây giờ ban ngày mình vẫn làm được mọi việc, nấu cơm, dọn nhà, chồng đi làm về chỉ việc ăn. Sau 7 giờ tối là rảnh hẳn, hai vợ chồng ngồi chơi, xem phim, ăn hoa quả và tâm sự cùng nhau".
Tất cả những bí quyết này đều do chị Mai tự tìm hiểu và rút kinh nghiệm. Bà mẹ 9x mong muốn chia sẻ với chị em với hy vọng các mẹ có thể tham khảo, áp dụng, giúp việc nuôi con trở nên dễ dàng hơn.