Tiểu đường thai kỳ là nỗi sợ của rất nhiều mẹ bầu bởi biến chứng của nó có thể gây ra nguy hiểm cho cả sản phụ lẫn thai nhi. Bởi vậy, trong quá trình mang thai, mẹ nên đi thăm khám thường xuyên để phát hiện sớm nhất, bảo đảm an toàn cho mẹ và bé. Khi được xác định mắc tiểu đường thai kỳ, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cho mẹ bầu. 

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đái tháo đường thai kỳ (hay tiểu đường thai kỳ) là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai.

Có thể hiểu là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường và xảy ra trong quá trình mang thai từ tuần thai 24 - 28. Hiện nay, tiểu đường thai kỳ rất phổ biến và nếu không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả mẹ và con.

Nguy hiểm khi mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ

Mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ có thể làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận, mổ lấy thai. Về lâu dài, các thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ tăng nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường typ 2 và các biến chứng liên quan đặc biệt là biến chứng tim mạch. Ngoài ra, tiểu đường thai kỳ cũng có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của thai nhi. Thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh,…

Vì sao mẹ bầu dễ bị tiểu đường thai kỳ

Trong giai đoạn bầu bí, chính vì nhu cầu năng lượng tăng cao nên cơ thể mẹ bầu đòi hỏi lượng đường nhiều hơn. Tuy nhiên, cơ thể thai phụ có thể tự điều tiết sản xuất thêm lượng insulin để giải quyết lượng đường tăng cao trong thời gian mang thai. Song trên thực tế, không phải bà mẹ nào cũng được thuận lợi như vậy.

Mặt khác, trong thời kỳ mang bầu, nhau thai tạo ra các loại nội tiết tố giúp thai nhi phát triển. Những nội tiết tố này lại vô tình gây ra một số tác động xấu đến insulin, dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết tố và hậu quả là gây ra đái tháo đường thai kỳ.

Mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng thế nào tới thai nhi? - Ảnh 1.

Biểu hiện của bệnh đái tháo đường thai kỳ

- Cảm thấy thường xuyên khát nước, hay thức giấc giữa đêm để uống nước. 

- Đi tiểu nhiều lần trong ngày và lượng nước tiểu cũng nhiều hơn so với các thai phụ khác. 

- Khi bị trầy xước, vết thương sẽ rất lâu lành. 

- Dễ bị nhiễm nấm ở vùng kín, dùng thuốc trị nấm thông thường không hiệu quả. 

- Dấu hiệu sụt cân, mệt mỏi, thiếu sức sống.  

Các yếu tố dễ gây bệnh tiểu đường thai kỳ

- Các thai phụ cao tuổi: Những bà mẹ lớn tuổi khi mang thai thường có tỷ lệ mắc và khả năng sảy thai, đẻ non, thai nhi chậm phát triển, dị tật bẩm sinh, dị tật, biến chứng khi mang thai,… cao hơn nhiều so với thai phụ dưới 35 tuổi.

- Tăng cân quá mức khi mang thai: Béo phì khi mang thai sẽ xảy ra nếu mẹ tăng cân quá nhanh trong thời kỳ mang thai. Và đây là một trong những yếu tố quan trọng gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ. Do đó, khả năng biến chứng khi mang thai sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với những thai phụ khác.

Nếu mẹ đã thừa cân trước khi mang thai hoặc trong thời kỳ mang thai thì phải kiểm soát chặt chẽ việc tăng cân và tích cực giảm cân.

- Mẹ bầu nào cũng có xu hướng thích đồ ngọt trong thời kỳ mang thai: Nhiều sản phụ thích ăn đồ ngọt khi mang thai, chẳng hạn như: bánh ngọt, đồ tráng miệng, đồ uống trái cây, bánh quy, kẹo,… đây đều là những thực phẩm có hàm lượng đường và calo cao. Nếu mẹ không kiểm soát việc ăn những thực phẩm giàu calo và nhiều đường này trong thai kỳ sẽ dễ gây béo phì, và đương nhiên sẽ làm tăng khả năng mắc các biến chứng khi mang thai.

- Những thay đổi của cơ thể khi mang thai: Khi mang thai, các mẹ bầu sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể và các mức độ chuyển hóa khác nhau của cơ thể, chẳng hạn như estrogen, insulin, progesterone,… Nếu những biểu hiện này bất thường, đặc biệt là sau 4 tháng thai kỳ càng nổi rõ hơn, điều đó cũng dễ gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ.

Mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng thế nào tới thai nhi? - Ảnh 2.

Phòng tránh tiểu đường thai kỳ như thế nào

- Duy trì cân nặng lý tưởng trước khi mang thai: Thừa cân không phải là nguyên nhân gây ra tiểu đường thai kỳ, nhưng đây là yếu tố nguy cơ của căn bệnh này. Cụ thể, người có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) lớn hơn 30 thì có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ cao gấp 3 lần so với người có BMI nhỏ hơn 25.

- Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ làm giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ mà còn cải thiện sức khỏe của thai phụ trong những ngày bầu bí mệt mỏi. Hãy cố gắng cân bằng lượng đường bột và các nhóm chất còn lại để chỉ số đường huyết không tăng quá cao sau khi ăn.

- Tăng cường vận động hợp lý: Hãy trao đổi với bác sĩ sản khoa để thiết lập một chế độ vận động phù hợp nhất đối với sức khỏe của từng người. Nếu có thể, bạn nên dành 30 phút mỗi ngày cho các bài tập thể dục phù hợp như đi bộ hoặc bơi lội. Nếu không thể tập thể dục hàng ngày liên tục 30 phút thì bạn có thể chia nhỏ thời gian tập mỗi lần khoảng 10 phút. Bên cạnh đó, các loại hình vận động khác như làm việc nhà, đi thang bộ cũng được xem là hiệu quả tương đương tập thể dục.

- Đi khám đúng các mốc thai kỳ: 3 tháng cuối thai kỳ, sức khỏe của cả mẹ và bé cần được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ. Hãy đi khám đầy đủ, đúng lịch và kiểm tra theo chỉ định của bác sĩ nhé các mẹ.