Câu chuyện nàng dâu với anh, chị, em bên nhà chồng đã trở thành vấn đề muôn thưở của không ít gia đình. Nhất là khi cùng nhau chung sống dưới một mái nhà, xảy ra mâu thuẫn là chuyện khó tránh khỏi. Mới đây, một mẹ bỉm mong muốn nhận lời khuyên từ mọi người vì bị chị chồng nhắc nhở. 

Cụ thể, sau khi thấy cháu có chiếc áo mới nhưng con mình không có, người chị chồng tỏ vẻ khó chịu, nhắn tin với em trai mình yêu cầu vợ em trai nên mua cho con mình một chiếc áo tương tự. Tin nhắn này đã khiến chị N.Y cảm thấy khá khó chịu và không biết phải ứng xử thế nào cho phù hợp. 

"Mình lấy chồng 3 năm, có con nhỏ được gần 2 tuổi và hiện tại đang sống chung cả với bố mẹ chồng và chị gái chồng. Ban đầu khi mình về làm dâu thì chị chưa về đây ở, chỉ khoảng 1 năm nay chị mới dắt con gái về vì vợ chồng chị ly thân, chị nuôi 1 đứa, chồng chị nuôi 1 đứa. Tính mình vốn dễ nên có đồ gì ngon hay thứ gì hay hay mua về đều sẽ mua nhiều một chút, vừa cho cả người lớn lẫn trẻ con. 

Sau này có 1 lần mình mua cho con mình 1 bộ quần áo khá đắt tiền và mua luôn cho cả con gái chị chồng 1 bộ giống y hệt. Cháu lớn hơn con mình 3 tuổi, mình rất thương cháu vì còn nhỏ mà bố mẹ chia tay, cháu cũng chẳng mấy khi được mẹ cho đi đâu chỉ toàn ở nhà với ông bà, tối mịt mới thấy mặt mẹ. Từ lần đó, chị gái chồng mới hẹn với mình là từ giờ cả chị và mình mua gì cho con đều sẽ mua cho đứa còn lại. 

Mẹ bỉm bị chị chồng giận dỗi ra mặt, nhắc nhở vì không mua áo khoác cho cháu: Hãy dạy con đừng tị nạnh, đòi hỏi - Ảnh 1.

Tin nhắn của chị chồng gửi cho em trai than phiền về em dâu. Ảnh: Beatvn.

Thế nhưng thực chất chị cũng chỉ tặng con mình 1 chiếc áo khoác gió còn lại là toàn đồ ăn kiểu bim bim bánh kẹo. Có lần mình thấy con bé nhà chị và khen 1 câu "B hôm nay xinh nhỉ", con bé định nói gì đấy rồi lại bảo "À... thôi, mẹ cháu dặn không được nói". Tính mình thoải mái nên chẳng chấp, vẫn hay mua quần áo cho các con. Thế nhưng hôm qua, mình dắt con về bên ngoại mình và con mình được vợ chồng chị mình tặng cho 1 chiếc áo khoác lông màu hồng để bù cho lần sinh nhật 1 tuổi 2 bác không tới dự được. 

Vậy mà đến hôm nay thì chồng mình kể lại là chị dỗi và tự ái, khuyên mình đi mua thêm 1 chiếc cho cháu. Chẳng hiểu nổi, từ bao giờ tình cảm của mình bị biến thành nghĩa vụ và trách nhiệm mà mình phải làm nhỉ? Nếu mình thích, mình sẽ mua, còn nếu mình không thích và chỉ có khả năng lo cho con mình thôi thì đấy cũng đâu có gì là sai? Mình còn chưa thèm kể chuyện chị chồng lươn lẹo vụ sòng phẳng quà cáp với các con ra cho chồng nghe, thế bây giờ nên kể ra hay nên đi mua thêm cái áo nữa nhỉ?", chị Y. tâm sự. 

Quả thực những mâu thuẫn xảy ra khi chung sống cùng gia đình chồng là điều khó tránh khỏi, mọi người đều cảm thấy bức xúc thay mẹ bỉm trong trường hợp trên.

- Nhìn câu chữ tưởng nhẹ nhàng nhưng rất khó chịu, tỏ vẻ hờn dỗi rõ ràng. Theo mình, con cái đòi như thế sẽ sinh hư, thay vì đòi mua cái mới sao người chị chồng không dạy bé ngưng đòi hỏi đi. 

- Khó xử quá, trong trường hợp này người chồng nên ra mặt là tốt nhất. Có thể nói thẳng áo đó con em được tặng nên em không rõ mua ở đâu. Còn sở thích mỗi đứa một khác, không thể mãi cùng mua một thứ được. 

- Nên dạy con là phải trân trọng những gì mình có đi, tránh xa cái nết ích kỷ hẹp hòi ấy, nó dần sẽ trở thành thói hư tật xấu đấy ạ. Còn chuyện mâu thuẫn thì không sớm thì muộn chẳng tránh được đâu. Nhưng cùng một gia đình thì đôi bên cùng nhịn lại, chứ không nhìn mặt nhau cũng khó. 

- Mình thấy thực ra là bà chị chồng này muốn đôi co với em dâu thôi, chứ chẳng phải vì cái áo cái quần mà thế đâu. Nhưng thôi khéo léo ra thì anh chồng nên nói thẳng là tốt nhất, lúc này phải có người đứng ra giải quyết thì mới ổn được. Không ai khác chính là người chồng. 

Còn các mẹ, nếu rơi vào tình huống như trên, các mẹ sẽ giải quyết thế nào?

https://afamily.vn/me-bim-bi-chi-chong-gian-doi-ra-mat-nhac-nho-vi-khong-mua-ao-khoac-cho-chau-hay-day-con-dung-ti-nanh-doi-hoi-20220221205537439.chn