Các mẹ có con trong độ tuổi tập đi, tập nói thường rất lo lắng về các mốc phát triển của con. Khi thấy bé chậm hơn các bạn cùng trang lứa, mẹ sẽ tỏ ra hốt hoảng, sợ con có vấn đề, thậm chí là đi hỏi khắp nơi về tình trạng của con.
Mới đây, một mẹ 9x lên MXH hỏi dân mạng: "Các mẹ ơi, em bé nhà mình biết mọi thứ, cái gì cũng hiểu, nhưng lại nhất định không nói chuyện. Mình cũng gợi ý con mà bé chẳng nói theo, thậm chí còn tỏ thái độ chống đối. Cứ thế này mình lo lắm, không biết con có phát triển bình thường không, hay phải đi khám bác sĩ hả các mẹ?".
Dưới phần bình luận, nhiều mẹ đưa ra lời khuyên cho người mẹ này rằng nên bình tĩnh, không nên quá lo lắng mà hãy theo dõi các phản ứng khác của con. Tốc độ biết lẫy, đi, nói... ở mỗi trẻ là khác nhau, dấu mốc được đưa ra để các ba mẹ tham khảo chứ không phải là suy nghĩ cực đoan.
Trên thực tế, sự phát triển ngôn ngữ của trẻ rất khác nhau. Có bé 1 tuổi biết nói, có bé hơn 2 tuổi vẫn không nói chuyện, thỉnh thoảng chỉ nói ba ba, ma ma. Một đứa trẻ như vậy, hầu hết các bậc cha mẹ sẽ nghĩ rằng trẻ đang bị chậm phát triển ngôn ngữ. Tuy nhiên, điều này là do bố mẹ đang không hiểu rõ sự phát triển của con mình.
Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ được chia sẻ thành 3 cấp độ.
- Thứ 1 là ngôn ngữ nội tâm. Thi thoảng bố mẹ chơi với con, cho con đồ chơi, mắt con sẽ sáng lên và cực kỳ vui mừng.
- Thứ 2 là ngôn ngữ biểu cảm. Khóc, cười... đều là ngôn ngữ ban đầu của con.
- Giai đoạn thứ 3 là ngôn ngữ nói.
Sự khác biệt ở giai đoạn này giữa các em bé rất lớn. Với trẻ trên 2 tuổi, con chưa nói được nhiều, vậy thì ba mẹ xem mắt con có sáng không. Con có phản xạ với mọi chuyện bằng mắt không. Bên cạnh đó, nếu con tương tác với bạn bằng cử chỉ và biểu cảm và thích vận động, đặc biệt là chúng có kỹ năng vận động tốt.
Ba mẹ đừng lo lắng, những đứa trẻ như vậy khi khoảng 2,5 tuổi sẽ đột nhiên nói nhiều hơn. Lúc đấy bạn nhận ra điều bạn lo lắng nhất không phải vấn đề bé không nói mà là những gì bé nói khiến bạn "đau đầu".
Vì vậy, đối với các bậc cha mẹ, cách tốt nhất để khuyến khích trẻ nói chuyện là đưa bé đi chơi nhiều hơn, vận động giao tiếp và tương tác giao tiếp với bé, kể chuyện để tạo điều kiện cho trẻ tích lũy ngôn ngữ. Đừng vội vàng yêu cầu bé phải nói. Một ngày nào đó ba mẹ sẽ đột nhiên thấy con nói chuyện và nói rất tốt. Kĩ năng ngôn ngữ được hình thành như vậy.
Những em bé thời hiện đại chậm nói có thể vì cha mẹ đã làm 3 điều này
Trẻ em ngày nay khoảng 8, 9 tháng tuổi là có thể bập bẹ nói chuyện với bố mẹ, trẻ hơn 1 tuổi có thể nói lưu loát trôi chảy nhiều câu. Sự tiến bộ của trẻ chắc chắn có một phần không nhỏ nhờ sự đồng hành và chăm sóc của bố mẹ.
Tuy nhiên hiện nay, có một số trẻ có khả năng nói chậm hơn rất nhiều bé đồng trang lứa. Việc chậm nói của trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, dưới đây là 3 lý do hay gặp.
1. Trẻ được bao bọc quá mức, ít có cơ hội tương tác với mọi người xung quanh
Một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ trẻ chậm nói hiện nay tăng cao chính là do môi trường sống của trẻ thiếu phù hợp. Trẻ không được ra ngoài nhiều, chỉ ở trong nhà, hạn chế trong quá trình giao tiếp hằng ngày hoặc gặp các căng thẳng tâm lý từ môi trường sống có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển ngôn ngữ.
Việc ngại đưa con ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với môi trường xung quanh cũng như những người lạ khiến trẻ luôn được sống trong một vỏ bọc an toàn, thiếu đi kỹ năng sống và cơ hội để phát triển khả năng của mình.
2. Cha mẹ không có thời gian quan tâm, chăm sóc con
Trẻ thiếu sự quan tâm từ gia đình, thiếu sự tương tác xã hội trực tiếp không chỉ có nguy cơ chậm nói cao mà còn trở nên ngày càng thu mình, thiếu tự tin, thiếu rất nhiều kỹ năng khác. Dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng đáng buồn là hiện nay thực trạng để trẻ nhỏ tiếp xúc với điện thoại, TV, máy tính quá nhiều vẫn cực kỳ phổ biến.
Việc cha mẹ đồng hành cùng con là điều vô cùng quan trọng ảnh hưởng tới tâm lý, tính cách và các kỹ năng sống khác của trẻ. Một em bé có được sự quan tâm của cha mẹ, được dạy nói năng, đi đứng, được dành thời gian đọc truyện, tương tác mỗi ngày chắc chắn sẽ có sự phát triển tốt hơn.
3. Sử dụng các thiết bị điện tử không đúng cách
Hiện nay nhiều phụ huynh có xu hướng cho con xem điện thoại, máy tính hay TV cả ngày để giữ con ngồi yên thay vì trực tiếp chơi và giao tiếp với con khiến trẻ thiếu đi sự tương tác trực tiếp nên chậm nói. Chưa kể nhiều trẻ không được trò chuyện với cha mẹ lại thường xuyên xem các chương trình nước ngoài nên dẫn tới rối loạn ngôn ngữ trầm trọng.
Không thể phủ nhận giá trị mà các thiết bị điện tử mang lại. Nếu được sử dụng một cách khoa học, trẻ sẽ tiếp thu được rất nhiều kiến thức có ích. Tuy nhiên, thời gian trẻ tiếp xúc với tivi, máy tính cần được hạn chế. Bên cạnh đó, khi cho con xem iPad, tivi, cha mẹ cũng cần giám sát, hiểu rõ con đang xem chương trình gì và nó có mang lại lợi ích cụ thể hay không.
Cải thiện tình trạng chậm nói ở trẻ thế nào?
- Khi trẻ chậm nói, cha mẹ có thể đưa con khám ở bệnh viện hay các phòng khám chuyên khoa tâm lý để khám sàng lọc, đánh giá và điều trị cho trẻ.
- Sự hỗ trợ từ gia đình: Gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình giáo dục và phát triển ngôn ngữ cho trẻ chậm nói. Phụ huynh cần phối hợp với bác sĩ và các chuyên gia trong quá trình bổ sung ngôn ngữ, cải thiện khả năng giao tiếp cho trẻ, hỗ trợ con phát triển đúng theo cột mốc tự nhiên.
Cụ thể, gia đình cần làm những điều sau:
- Dành thời gian nói chuyện, tương tác trực tiếp với con nhiều hơn.
- Không cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính trừ khi nó có liên quan đến các phương pháp học tập.
- Đưa trẻ ra ngoài tham gia các hoạt động vui chơi và tương tác xã hội nhiều hơn thay vì chỉ ở nhà học tập.
- Trao đổi với các chuyên gia để biết cách hỗ trợ giáo dục ngôn ngữ tại nhà cho trẻ chậm nói đúng cách.
- Giáo dục trẻ nhẹ nhàng, kiên nhẫn, tránh thể hiện thái độ cáu gắt, khó chịu, quát mắng với trẻ.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ chậm nói, tăng cường các nhóm thực phẩm tốt cho não bộ như cá, các loại hạt, sữa, rau xanh...
- Đọc sách, kể chuyện hay cho trẻ nghe nhạc cũng là cách kích thích và bổ sung ngôn từ cho con, chú ý nên dùng tiếng mẹ đẻ, tránh cho trẻ dùng các ngôn ngữ khác.
- Đặt ra các tình huống để kích thích con trò chuyện, tương tác với cha mẹ, chú ý hướng tới các nội dung mà con chú ý.
- Cố gắng kiểm soát để con luôn bình tĩnh, tránh các trạng thái căng thẳng hay bốc đồng quá mức.
- Để phòng tránh nguy cơ trẻ chậm nói, gia đình cần theo dõi các giai đoạn phát triển của con, không nên cho trẻ tiếp xúc sớm với các thiết bị công nghệ, tăng cường giao tiếp trực tiếp với con hằng ngày. Bất cứ biểu hiện bất thường nào của trẻ cũng tiềm ẩn rất nhiều vấn đề nguy hiểm nên phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan.