Mang thai và sinh con là hành trình thiêng liêng và vô cùng tuyệt vời đối với bất cứ người mẹ nào. Dù là lần đầu tiên hay nhiều lần đi sinh sau đó thì khoảnh khắc đón con chào đời vẫn luôn là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời. Đặc biệt là đối với những sản phụ đi sinh vào mùa dịch, bên cạnh sự háo hức là nỗi băn khoăn, lo lắng không biết liệu mọi thứ có suôn sẻ hay không. 

Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh (sinh năm 1998, sống tại Hà Nội) cùng gia đình vừa hạnh phúc chào đón con trai đầu lòng vào ngày 1/8 vừa qua tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Cậu bé Tô Hữu Bảo (biệt danh là Beer) hiện tại đã được gần 2 tháng tuổi. Sau khi sinh, chị Quỳnh đã có review khá chi tiết về hành trình đi đẻ mùa dịch của mình, hy vọng sẽ giúp các mẹ bầu cảm thấy an tâm, tự tin chuẩn bị hành trang cho bản thân.

Mẹ bỉm nổi mẩn khắp người, mặt mũi sưng húp, run rẩy vì bị phản ứng với thuốc tê sau sinh - Ảnh 1.

Bé Beer ngủ thật ngoan trên nôi sau khi chào đời.

Thủ tục nhập viện

Khoảng 5h chiều ngày 1/8, phát hiện đã có dấu hiệu sinh, mình chuẩn bị đồ đạc vào viện. Khi đến cổng, bảo vệ yêu cầu sản phụ và 1 người nhà xuống khai báo y tế. Mình và mẹ đẻ sau khi khai báo xong thì vào thẳng khoa cấp cứu. Mình lựa chọn khu dịch vụ nên 2 mẹ con vào test Covid nhanh, đợi kết quả âm tính và làm thủ tục xong thì được dẫn lên khoa D3.

Hành trình chào đón con

Y tá ở phòng cấp cứu dẫn mình lên phòng tiếp đón của khoa D3. Ở đây họ sẽ cho sản phụ thay dép bệnh viện, khám nếu cần thiết và làm một số thủ tục giấy tờ cam kết trước khi vào mổ (lúc này người nhà của sản phụ cần phải kí cam kết đồng ý mổ).

Vì chọn giờ sinh là khung giờ 21-23h nên lúc kí cam kết xong đã là 21h30, bác sĩ giục mình nhanh chóng lên phòng mổ cho kịp giờ đã chọn. Chị y tá dặn dò mẹ đẻ mình ngồi chờ ở hành lang khoa D3 (để đón cháu khi chào đời). Sau khi nằm lên bàn mổ, mình được gây tê tuỷ sống (cảm giác hơi buốt, sau đó thuốc ngấm thì 2 chân tê dần đi). 

Khoảng 5-7 phút sau, Bảo Beer chào đời, con được thực hiện phương pháp da kề da với mẹ, lúc này nỗi sợ hãi của mình không còn nữa thay vào đó là cảm giác hạnh phúc không diễn tả được thành lời. Sau đó chị trong ekip mổ nhanh chóng bế em bé ra vệ sinh thân thể và mặc đồ, quấn tã cho con. Mình nằm khâu vết mổ còn em bé được bế xuống trao tay cho bà ngoại.

Mẹ bỉm nổi mẩn khắp người, mặt mũi sưng húp, run rẩy vì bị phản ứng với thuốc tê sau sinh - Ảnh 2.

Khoảnh khắc con cất tiếng khóc chào đời khiến chị Quỳnh xúc động nghẹn ngào.

Mẹ bỉm nổi mẩn khắp người, mặt mũi sưng húp, run rẩy vì bị phản ứng với thuốc tê sau sinh - Ảnh 2.

Sau khi sinh, bé sẽ được thực hiện phương pháp da kề da với mẹ.

Phòng sau sinh

Sau sinh, mình nằm theo dõi 9 tiếng mới được lên phòng. Vì bị phản ứng với thuốc gây tê nên mình nằm khoảng 1-2 tiếng thì khắp người nổi mẩn lên, mặt mũi sưng húp như ong đốt, người lạnh run rẩy, hai hàm răng đập vào nhau không thể kiểm soát được. Y tá cho mình uống thuốc, lấy thêm chăn đắp và khoảng 2 tiếng sau thì mình cảm thấy đỡ mẩn ngứa và người cũng đỡ lạnh hơn.

Chăm sóc sau sinh

Đội ngũ y tá và bác sĩ ở viện ai cũng tâm lí và ân cần. Mỗi buổi sáng khoảng 8-9h các cô bế con đi tắm. Bảo Beer được cô y tá bế đi làm xét nghiệm, trộm vía háu ăn nên được cô cho ăn và thay bỉm luôn. Thái độ chăm sóc mẹ và bé khiến mình rất hài lòng. Mình đăng kí chiếu tia Plasma sau sinh tại giường (giúp vết khâu nhanh khô). Hàng ngày y tá sẽ vệ sinh vết khâu rồi có người đến tận phòng order đồ ăn và mang đến cho mình.

Mẹ bỉm nổi mẩn khắp người, mặt mũi sưng húp, run rẩy vì bị phản ứng với thuốc tê sau sinh - Ảnh 3.

Phòng dịch vụ của Khoa D3.

Chi phí

Mình chọn phòng 2 giường không khép kín với giá 1 triệu/ngày. Mình ở 3 ngày. Ban đầu nhập viện đóng tạm ứng 28 triệu. Sau khi dùng các dịch vụ thì mình thanh toán hết gần 25 triệu đồng (đã trừ BHYT gần 3 triệu). 

Mẹ bỉm nổi mẩn khắp người, mặt mũi sưng húp, run rẩy vì bị phản ứng với thuốc tê sau sinh - Ảnh 5.

Cơm ở viện chuẩn bị khá ngon, đầy đủ dinh dưỡng cho mẹ bỉm.

Mẹ bỉm nổi mẩn khắp người, mặt mũi sưng húp, run rẩy vì bị phản ứng với thuốc tê sau sinh - Ảnh 6.

Hai trong số nhiều bữa ăn tại viện của chị Quỳnh.

Chia sẻ thêm về câu chuyện của mình, chị Ngọc Quỳnh chia sẻ điều khiến chị ấn tượng nhất về hành trình đi sinh của mình là khoảnh khắc con trai cất tiếng khóc chào đời và được thực hiện phương pháp da kề da với mẹ. 

"Đi sinh mùa dịch khó khăn hơn so với bình thường vì bệnh viện quy định chỉ có 1 người nhà được chăm sản phụ trong suốt quá trình ở viện. Mình hài lòng với quyết định chọn PSHN là nơi sinh con đầu lòng vì đây là bệnh viện tuyến đầu về sản, đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao và cơ sở vật chất lẫn dịch vụ cũng không thua kém gì so với 1 số bệnh viện tư", bà mẹ 1 con tâm sự. 

Con trai chị Quỳnh trộm vía ngoan ngoãn và người mẹ trẻ cũng cảm thấy rất hài lòng với hành trình đi sinh lần này.

Hiện tại, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thực hiện các quy định về phòng chống dịch như sau:

- Sàng lọc tất cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi nhập viện.

- Phân luồng bệnh nhân có nguy cơ tại khu vực riêng biệt, tránh nguy cơ lây nhiễm.

- Thực hiện nghiêm túc phương án "4 tại chỗ", đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh: Làm việc tại chỗ - Ăn uống tại chỗ - Sinh hoạt, Nghỉ ngơi tại chỗ - Điều trị tại chỗ và tổ chức làm việc luân phiên 7-14 ngày tại bệnh viện mới đổi ca.

Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đến Bệnh viện thông qua việc thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch cũng rất quan trọng như:

- Phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi nhập viện.

- Mỗi bệnh nhân chỉ tối đa 1 người nhà chăm sóc trong suốt quá trình nằm viện và không được đổi người chăm sóc.

- Bệnh viện cung cấp suất ăn tại giường phục vụ toàn bộ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, vì vậy, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không đi ra khỏi khuôn viên khoa mình điều trị (trừ khi có yêu cầu), không nhận đồ ăn gửi từ bên ngoài vào bệnh viện.

- Thực hiện nghiêm túc quy định 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.

- Người nhà bệnh nhân đeo vòng đeo tay dành cho người nhà trong suốt quá trình nằm viện.