Khi bé được 6 tháng tuổi là thời gian tốt nhất để bố mẹ bắt đầu cho con ăn dặm. Vì từ 6 tháng tuổi trở đi, bé tăng trưởng mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng cao đồng nghĩa với nhu cầu dinh dưỡng cũng tăng lên. Sữa mẹ khi ấy không đủ đáp ứng dinh dưỡng cho trẻ, chính vì thế, trẻ cần được bổ sung dưỡng chất bằng cách ăn dặm để có thể phát triển tốt và khỏe mạnh.
Giai đoạn khi con trai Đậu được 6 tháng tuổi, chị Lý Hồng Thơ (27 tuổi, sống tại Sóc Trăng) bắt đầu cho bé ăn dặm. Ban đầu bé được ăn song song ăn dặm kiểu Nhật và BLW. Sang 7 tháng tuổi, Đậu ăn BLW hoàn toàn. Lúc này chị Thơ cũng chú trọng bổ sung đạm và test đạm cho con.
Bà mẹ trẻ chia sẻ giai đoạn này con bắt đầu làm quen với chế độ ăn mới nên chị chú trọng vào dinh dưỡng. Để đảm bảo con ăn đúng, ăn đủ, chị Thơ cũng tìm hiểu thêm các đầu sách như Ăn dặm không phải là cuộc chiến, Đọc vị mọi vấn đề của trẻ, Để con được ốm.
Những bữa ăn đẹp mắt và được trình bày chỉn chu.
Món nào cũng ngon, đầy đủ dinh dưỡng.
Các bữa ăn của bé Đậu đều cân bằng đạm, rau xanh, trái cây và tinh bột. Đậu trộm vía rất hợp tác nên dù khá bận bịu nhưng chị Thơ vẫn cố gắng lên thực đơn mỗi ngày cho con. "Con ăn BLW nhưng vẫn theo kiểu mẹ là nhiều. Nhà có gì mẹ nấu nấy nên các mẹ có bé ăn dặm cũng đừng áp lực về việc nấu ăn cho con quá, mẹ thoải mái thì con mới hợp tác và ăn ngon được", chị Thơ tiết lộ.
Khẩu phần vừa đủ cho em bé.
Chắc hẳn em bé Đậu rất hạnh phúc vì được mẹ nấu cho nhiều món ngon.
Ngoài ra, bà mẹ trẻ chia sẻ không mất quá nhiều thời gian để nấu ăn cho con, chỉ khoảng 30-45 phút cho một bữa hoàn chỉnh. "Thi thoảng mình thay đổi khẩu vị cho con bằng cách làm thêm các món bánh nhưng cũng chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ đổ lại thôi. Thông thường, mình tham khảo các món ăn từ mạng xã hội, lên thực đơn giúp mình chuẩn bị món ăn được nhanh hơn.
Em Đậu trộm vía hợp tác với mẹ lắm, từ việc ăn đến việc ngủ, con có thể tự ăn và tự ngủ ngoan. Một bữa mình chuẩn bị, con sẽ ăn hết khoảng 70-80%. Bé hay ăn theo thứ tự trái cây, đạm, rau và sau cùng là tinh bột. Nhìn con ăn ngoan cũng giúp mẹ có thêm động lực vào bếp", chị Thơ tâm sự.
Chàng trai "ăn cả thế giới" là động lực cho mẹ vào bếp.
Lợi ích của việc trang trí bữa ăn cho trẻ
1. Giúp bé ăn ngon miệng hơn
Mọi người thường lầm tưởng trẻ em còn nhỏ, chưa nhận thức được nhiều nên cách chế biến món ăn dặm cho bé chỉ cần đảm bảo giữ nguyên dinh dưỡng, không quá coi trọng về hình thức. Nhưng thực tế, món ăn được trang trí đẹp mắt, màu sắc bắt mắt sẽ kích thích vị giác và sự thèm ăn của trẻ nhỏ.
Trẻ em vốn rất thích thú với những thứ ngộ nghĩnh và dễ thương. Việc mẹ thường xuyên trang trí bữa ăn cho con giúp bé hào hứng hơn khi đến giờ ăn.
2. Kích thích sự tò mò của bé
Việc thường xuyên thay đổi cách trang trí món ăn sẽ giúp trẻ luôn tò mò muốn biết mẹ sẽ dành bất ngờ nào cho mình. Các bé thường thích những con vật xinh xắn quen thuộc với cuộc sống đời thường như: thỏ, heo, gấu, mèo,... Mẹ hãy lưu ý sở thích này của bé và làm ra những phần cơm có hình động vật mà con mình thích nhé.
3. Giúp bé tăng khả năng tưởng tượng
Trang trí món ăn không chỉ góp phần đẩy lùi chứng biếng ăn của bé mà còn kích thích trí não, bộ nhận biết của bé trở nên nhanh nhạy hơn.
4. Giúp bé thích ăn rau hơn
Khi trang trí bữa ăn cho bé, mẹ còn có thể khắc phục tình trạng ghét ăn rau của con nữa đấy. Hãy khéo léo chèn thêm rau xanh, củ, quả vào bữa ăn cho con một cách tinh tế nhé.