Vụ án những đứa trẻ bị bỏ rơi ở Sugamo xảy ra vào tháng 7/1988 tại quận Toshima, thành phố Tokyo, Nhật Bản. Nạn nhân là 5 đứa trẻ dưới tuổi vị thành niên. Tên thật của chúng không bao giờ được công bố và chỉ được gọi lần lượt là em A, B, C, D và E.
Em A chào đời vào năm 1973 và B sinh năm 1981. Bé C, D, E lần lượt ra đời vào năm 1984, 1985 và 1986. Được biết, những đứa trẻ này đều cùng mẹ khác cha. Nhiều nguồn tin chưa được xác định nói rằng ngoài A thì những đứa trẻ còn lại đều không được đăng kí khai sinh và chẳng có bé nào được cho đến trường. Mùa thu năm 1987, mẹ của những đứa trẻ gặp được một người bạn trai mới và giao nhiệm vụ chăm sóc các em cho con cả, khi đó mới chỉ 14 tuổi. Thứ duy nhất cô để lại cho các con là 50 nghìn yen (khoảng 350 USD tính theo tỉ giá thời đó), số tiền để chúng trang trải tiền thuê căn hộ.
Tháng 4/1988, em út E bị 2 người bạn của A, được gọi là bạn A và bạn B, đánh đập đến chết. Ngày 17/7 năm đó, nhận được tin báo của chủ căn hộ cho thuê, chính quyền Sugamo đã có mặt tại căn hộ nơi 5 đứa trẻ đang sống. Tại đây, họ tìm thấy 3 đứa trẻ bao gồm A, B, D trong tình trạng bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và thi thể của C nhưng không rõ tung tích của E. Thông tin từ lời khai của những đứa trẻ khá mập mờ song có thể xác định được rằng tình trạng dinh dưỡng của chúng đến từ chế độ ăn uống, hầu hết đều là thức ăn được mua từ cửa hàng tiện lợi.
Sau khi thông tin về những đứa trẻ bị bỏ rơi ở Sugamo được công bố, người mẹ đã tự đầu thú với cơ quan chức năng vào ngày 23/7/1988. Cô khai nhận đã bỏ rơi các con và để mặc chung sống với nhau được 9 tháng nhưng không rõ đứa con út đang ở đâu.
2 ngày sau, bé A khai rằng E đã bị một người bạn của em (bạn B) giết chết và thi thể được chôn trong khu rừng ở thành phố Chichibu, tỉnh Sataima bởi A và một người bạn khác (bạn A). Sau đó, 2 người bạn của A được gửi đến một trung tâm phục hồi thiếu niên vì có liên quan đến cái chết của E.
Tháng 8/1988, người mẹ bị kết án bỏ rơi trẻ em với hình phạt 3 năm tù giam và án treo 4 năm. Mặc dù không có mặt tại hiện trường khi em út bị giết chết nhưng A đã cùng bạn mình phi tang thi thể của nạn nhân nên em cũng phạm tội hình sự nhưng xét đến hoàn cảnh và những gì đứa con cả này phải trải qua, em chỉ bị gửi đến cơ sở chăm sóc trẻ em. Sau khi thi hành án tù 3 năm, người mẹ được trao lại quyền nuôi dưỡng 2 đứa con gái.
Vụ án này không chỉ gây sốc cho dư luận nước Nhật mà còn trở thành nguồn cảm hứng để đạo diễn Hirokazu Kore-eda thực hiện tác phẩm điện ảnh Nobody Knows vào năm 2005. Ông cho biết mặc dù truyền thông Nhật Bản tập trung vào người mẹ nhưng điều khiến ông bận tâm hơn chính là sự phục hồi về thể chất và tinh thần của những đứa trẻ.
"Thời điểm đó, mọi người chỉ nói đến bi kịch của những đứa trẻ và sự tàn nhẫn của người mẹ. Tôi đọc được một mẩu chuyện nhỏ trên báo rằng bé gái lớn được cho đến ở tại một trung tâm chăm sóc trẻ từng nói rằng: 'Em trai luôn rất yêu thương tụi con'. Câu nói đó đã chạm vào nơi sâu thẳm trong tái tim tôi. Rõ rằng là giữa các đứa trẻ này có một mối quan hệ vô cùng bền chặt và phúc tạp hơn rất nhiều so với những gì người ta nói về chúng như là 'những em bé bị bỏ rơi đáng thương'" - đạo diễn Hirokazu nói.
Trong quá trình tìm hiểu câu chuyện, vị đạo diễn này đặc biệt quan tâm đến đứa con cả. "Tôi thật sự rất quan tâm đến đứa trẻ này. Tôi muốn đưa em ra thế giới bên ngoài, chăm sóc và bảo vệ em ấy" - ông nói.
(Nguồn: Straight, LA Times, Chicago Tribun)