Sống chung với mẹ chồng thường khó tránh được va chạm qua lại giữa đôi bên. Mọi bất đồng có thể bắt nguồn từ chính những điều vụn vặt nhất trong cuộc sống mà nếu không khéo léo xử lý sẽ bị đẩy thành mâu thuẫn khó giải quyết. Giống như câu chuyện mới được 1 nàng dâu chia sẻ trên mạng xã hội dưới đây về việc mẹ chồng cô phân biệt đối xử giữa cháu nội với cháu ngoại. Đặc biệt cách xử lý tình huống của cô mới khiến mọi người chú ý hơn cả.
Nàng dâu ấy tâm sự: "Phải đi làm dâu rồi mới thấm cái câu 'khác máu tanh lòng' là như thế nào các chị ạ. Cưới 4 năm rồi mà tới giờ thi thoảng em vẫn còn thấy chạnh lòng, tủi thân kinh khủng với cách hành xử của mẹ chồng.
Chồng em là con cả, lại là độc đinh nên cưới xong chúng em phải sống chung với bố mẹ chồng để lo hương hỏa giỗ Tết, cũng là để chăm sóc ông bà.
4 năm làm dâu, em sống quên mình vì nhà chồng, chăm lo cho bố mẹ chồng còn hơn bố mẹ đẻ thế mà chẳng hiểu sao em vẫn không thể nhận được cái 'thật tâm' của mẹ chồng. Trong mắt bà, con trai, con gái luôn là nhất, sau cùng mới tới đứa con dâu.
Nghĩ thôi thì phận dâu con bà đối xử sao em không than vãn nhưng em bực cái đến cháu chắt bà cũng phân biệt đối xử. Giữa cháu nội với cháu ngoại bà thể hiện rõ ràng khoảng cách luôn.
Ngày em đẻ bà kêu bị tiền đình lại bận bán hàng cả ngày vất vả rồi nên không bế cháu đêm đỡ em được. Thế mà con gái đẻ, bà bỏ quán cho mình bố chồng em bán rồi sang bế cháu ngoại suốt 3 tháng cữ. Cháu nội sinh nhật bà mua cho mỗi chiếc bánh, đến lượt cháu ngoại sinh nhật bà đi đánh lắc vàng, dây truyền cho đeo từ tháng trước.
Tính em không so đo tính toán gì đâu nhưng thật sự nhiều lúc mẹ chồng em hành xử thiên vị quá khiến em khó tránh khỏi những phút chạnh lòng. Nhất là hôm qua nhà em cúng ông Công ông Táo, mẹ chồng em gọi con gái sang ăn cơm. Trong lúc em dọn dẹp bát đĩa thì bà kéo cô ấy về phòng chuyện trò gì em cũng không để ý.
Tới lúc xong việc, em định lên tầng phơi đồ, vô tình đi ngang qua phòng mẹ chồng liền nghe thấy tiếng to nhỏ đưa đẩy qua lại của mẹ chồng với em chồng em bên trong: 'Thôi, mẹ để tiền đó mua quần áo cho con Bống, thằng Bi đi (tên 2 đứa con em).
Mẹ chồng em tiếp lời: 'Mẹ bảo rồi cứ Tết là mẹ cho 2 đứa nhà mày 10 triệu để mua quần áo hay mua gì thì tùy. Con nhà cái L. (tên em) cứ để cho mặc lại đồ của mấy đứa nhà con cho đỡ phí'.
Em nghe vậy lẳng lặng đi xuống luôn, đến đêm em nằm trằn trọc mãi. Thì ra mấy năm nay, năm nào mẹ chồng em cũng cho tiền cháu ngoại mua quần áo, cháu nội thì bà để mặc lại đồ cũ. Nghĩ đi nghĩ lại, sáng nay em đi mua cho con em mỗi đứa 3 bộ đồ mới. Về tới cửa, mẹ chồng em thấy bọn trẻ xúng xính diện đồ mới, đứa nào đứa ấy toét miệng cười tươi chạy lại khoe với bà nội khiến bà ngạc nhiên hỏi: 'Sao nay mua nhiều đồ cho 2 đứa thế?'.
Em vui vẻ đáp: 'À, nay con đưa cháu về bà ngoại chơi. Bà bảo lâu không thấy 2 đứa được bố mẹ mua đồ mới, Tết gì toàn mặc đồ cũ nên ông bà cho 2 đứa mấy triệu mua đồ mẹ ạ'.
Nghe con dâu nói, nét mặt mẹ chồng em thoáng chút tần ngần. Đến trưa không biết bà nghĩ thế nào mới gõ cửa vào phòng con dâu bảo giục 2 đứa cháu nội: 'Hai đứa ngủ đi, chiều dậy bà đưa đi trung tâm vui chơi rồi bà mua đồ cho'.
Hai đứa nhà em nghe thế hét ầm sung sướng. Bà cũng cười hớn hở. Thế là chiều ngủ dậy, mấy bà cháu bắt taxi đi chơi tới tối mịt mới về. Nói thật, em không phải dạng bon chen sân si nhưng vẫn phải cố tình làm như thế đã để 'đánh động' cho bà biết quan tâm cháu nội hơn một chút cho đỡ thiệt bọn trẻ các chị ạ".
Thật sự sống cảnh làm dâu không hề đơn giản, nhất là những ai không may gặp phải người mẹ chồng sống thiếu công bằng giống như nàng dâu trong câu chuyện trên. Phải công nhận rằng cách xử lý tình huống của cô khá khôn khéo, vừa "đánh động" được mẹ chồng mà còn tạo được sự thay đổi trông thấy từ bà, khiến không khí gia đình thêm phần ấm cúng.