Trước khi lấy Kiên, tôi đã nghe phong thanh rằng mẹ anh rất khó tính. Cả xóm ấy đều bảo rằng ai làm con dâu bà thì khổ, trái tính trái nết lại thêm khoản ki bo, keo kiệt.

Tôi sợ hãi, nhưng cũng chẳng dám hỏi Kiên. Vòng vo một hồi, tôi nói khéo:

- Thế nếu sau này lấy nhau về, em và mẹ anh có xích mích thì anh sẽ bênh ai?

- Ai đúng thì anh bênh.

- Nhưng mẹ anh mắng em rất nặng lời thì sao? Anh có can ngăn bà không?

- Ừ, nếu thế thì có. Anh sẽ nói giúp để chuyện lớn hóa bé, chuyện nhỏ hóa không, được chưa nào? Mà em lo gì xa xôi thế, không làm gì sai thì sao mà bị mắng được.

- Em cứ hỏi trước thế. Anh nhớ đấy, anh phải đứng ra bảo vệ em đấy.

Thế rồi mặc cho lời can ngăn của mẹ đẻ, tôi vẫn quyết kết hôn với Kiên. Vì yêu nhau bao nhiêu năm trời, đâu có lý do gì để bỏ. Mẹ anh xấu tính là tôi cũng chỉ nghe qua người ngoài, chứ họ đâu có sống chung. Bình thường bác đối xử với tôi cũng tốt mà.

Thế nhưng khi về chung sống, tôi mới thấy hối hận vô cùng. Đám cưới xong, bà bắt 2 vợ chồng đưa vàng, đưa phong bì cho bà giữ. Tôi vốn ám ảnh về sự ghê gớm của bà nên cũng muốn lấy lòng, liền đưa hết mong bà vui. Nhưng mà mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu chỉ tốt đẹp được ít bữa.

Chung sống được gần 1 tháng, mẹ chồng gọi 2 vợ chồng xuống và bảo:

- Nhà này xưa nay vẫn do mẹ giữ tiền, giờ con về đây thì đưa cả lương cho mẹ.

Tôi điếng người, chuyện này đương nhiên không thể xảy ra rồi. Tôi nhìn Kiên, chợt hiểu tại sao trước giờ anh rất ít mua quà cáp cho tôi, thi thoảng đi ăn, đi chơi còn kêu thiếu tiền.

Tôi từ chối thẳng với mẹ chồng:

- Mẹ ơi, con giữ tiền cũng được mà. Hơn nữa, con đi làm bên ngoài, nhiều khoản phải lo. Cứ mỗi lúc như thế mà xin tiền mẹ thì cũng kì cục lắm.

Biết tôi không muốn, bà không ép nữa nhưng thái độ thay đổi hẳn. Tối hôm sau, thấy tôi xách cân hoa quả về, bà bĩu môi:

- Ăn tiêu hoang phí mà cũng cứ đòi tự giữ tiền, thế thì bao giờ giàu được.

Tôi nhịn, không nói gì. Tuy vậy, tới bữa ăn tôi rất ngạc nhiên khi mẹ chồng đưa cho 2 triệu, bảo:

- Mẹ thấy bảo cái Nương giữ tiền giỏi lắm, khéo chi tiêu lắm. Nay mẹ đưa con tiền đây, chi tiêu làm sao đủ cho 4 người nhà mình ăn cả tháng con nhớ.

Tôi ngớ người, hỏi lại:

- 2 triệu mà ăn cả tháng hả mẹ?

- Không thì con nghĩ sao? Mẹ vẫn lo cho nhà mình như vậy đấy. Không ăn tiêu tiết kiệm thì làm sao bố mẹ xây được cái cơ ngơi này?

Tôi đá chân Kiên cầu cứu, nhưng anh chỉ cúi mặt, không nói gì. Tôi tức lắm, cũng cầm tiền rồi vâng dạ nhưng trong đầu thì rối như tơ vò.

photo-1-15448421056232042586557

(Ảnh minh họa)

Hôm sau, tới kể với mấy chị đồng nghiệp, ai cũng phá ra cười rồi bảo: "Quỳ với mẹ chồng em. Mà bà đưa ra thử thách vậy nhằm giữ lương của em thôi."

Tôi biết chứ. Thế rồi tôi nghe lời mấy chị ở công ty, mua 5kg cá khô hết hơn nửa triệu, mua thêm dưa, cà về tự muối. Số tiền còn lại tôi dành dụm vài ngày mua thịt, đậu, tôm, cua đổi bữa. Còn nhà chồng tôi cũng ở quê, có trứng, có rau.

Và tôi bắt đầu làm mâm cơm với toàn món đơn giản, rau súp lơ xào thịt, rau muống luộc, cá khô, cà muối. Rồi hôm sau, lại vẫn là món cá khô, rau muống, bố chồng tôi nhìn mà ngán ngẩm.

Được đâu hơn 10 ngày, cả gia đình chồng tôi không nhịn nổi nữa. Mẹ chồng tôi tức giận tra khảo tôi đã làm gì, tiêu tiền như thế nào mà ăn uống đạm bạc, không đủ chất như vậy. Tôi không ngần ngại công khai cuốn sổ chi tiêu, rồi bảo:

- 2 triệu cho 4 người ăn cả tháng, giờ được chục ngày, con tiêu hết 1 triệu là quá nhiều rồi đấy ạ. Từ ngày mai con sẽ cắt hết khoản thịt, nhà có gì ăn nấy để tiết kiệm thêm mẹ ạ.

Mẹ chồng tôi tức lắm. Còn bố chồng tôi lúc này không nhịn được, bảo:

- Bà đưa cho nó thêm tiền đi. Bà ở nhà làm cơm còn gấp đôi chỗ ấy ý, sống thế này tôi chịu không nổi nữa.

Cuối cùng, mẹ chồng tôi cũng vẫn hậm hực lắm nhưng không thấy đề cập tới chuyện giữ lương của tôi nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn đang nghĩ xem làm thế nào để giữ được cả lương của Kiên nữa mới hài lòng.