Ngay từ lần đầu tiên tôi về ra mắt, mẹ của Kiểm đã không mấy hài lòng. Thế nhưng bà lại là người rất khéo léo, không hề thể hiện ra điều đó. Dù thế, qua sự lạnh nhạt và hờ hững của bà là tôi đủ hiểu.

Nguyên nhân vì sau lúc ấy tôi không rõ, mãi về sau này tôi mới hay: Tôi không giàu bằng con bé người yêu cũ của Kiểm.

Nhưng tôi cũng tặc lưỡi, thôi thì mình cố mua nhà Hà Nội, dưới Kiểm còn 1 em trai nữa, chắc cũng không cần phải sống chung mẹ chồng đâu. Về phần Kiểm, anh cũng chắc như đinh đóng cột rằng: "Khi mẹ còn khỏe 2 vợ chồng mình sẽ sống riêng. Còn chẳng may đau yếu, đương nhiên chúng ta có trách nhiệm và nghĩa vụ chăm sóc mẹ rồi."

Tôi gật gù cho rằng chí phải. Nhưng khổ nỗi, chúng tôi lại nghĩ quá đơn giản. Mẹ chồng đã khó thì dù không chung sống bà cũng vẫn có đủ cách để khiến cuộc sống của tôi căng như dây đàn. Ví dụ thi thoảng bà lại lên thăm, dò xét từng chút một, cái gì cũng không hài lòng rồi lại đánh giá tôi là lười, không đảm đang, không biết chăm sóc chồng.

Hoặc không thì bà cũng cứ gọi điện thoại suốt, bắt mở camera cho xem từng ngóc ngách trong nhà rồi ý kiến ý cò: "Mẹ đã bảo bao nhiêu lần rồi, cái chảo thì phải treo lên chỗ khác. Còn cái mâm kia cũng làm dây mà treo đi. Sao góc tủ đồ trong bếp lại bừa bộn thế. Phụ nữ đã có gia đình rồi mà mọi thứ cứ banh bét, chả biết thu vén, sắp xếp cái gì cả!"

Thử hỏi, ai mà vui cho được khi cứ dăm ba ngày bà lại gọi video 1 lần và mắng mỏ như thế?

Nhưng cái ngày tôi sinh thằng Bi, mẹ chồng lên chăm mới chính thức thay đổi cuộc đời tôi. Thực ra, tôi có đề nghị để mẹ đẻ lên chăm, Kiểm cũng không ý kiến gì. Thế mà đúng dạo đó, bà ngoại tôi lại yếu, phải nằm viện, mẹ tôi cùng các dì thay nhau chăm sóc bà. Cuối cùng, tôi và Kiểm lại xuống nước nhờ mẹ chồng lên ở cùng 1 tháng, đỡ đần và chăm sóc tôi lúc ở cữ.

Sống chung với mẹ chồng đúng là 1 cơn ác mộng với tôi. Khi xưa xa nhau, bà hay mắng tôi vì bừa bộn này kia, tôi cứ tưởng bà kỹ tính lắm, ai ngờ bà cực kỳ bừa bộn. Nấu nướng xong là nguyên 1 góc bếp lanh tanh bành như thể có trộm vừa đột nhập. Mà bà cũng không có thói quen ăn xong rửa bát ngay, tất cả nồi niêu xoong chảo cứ chất đầy bồn rửa. Tôi hãi hùng thật sự.

Nhưng ảnh hưởng nhất tới sức khỏe của tôi là chuyện mâm cơm cữ. Tôi tưởng bà sinh 2 người con, có ít nhiều kinh nghiệm nhưng nào ngờ bà đoảng và vụng vô cùng. Hỏi tới cái gì bà cũng bảo không biết và không nhớ. Nhưng cái gì ít phổ biến quá không biết đã đành, đằng này con dâu sinh mổ mà ngay bữa đầu tương ngay mâm cơm với rau muống xào tỏi, thịt gà luộc, lòng gà xào mướp. 

a7

(Ảnh minh họa)

Hôm ấy tôi không ăn được gì, phải lấy lọ ruốc trong tủ cố ăn 1 bát. Sau đó, tôi có dặn bà:

- Mẹ ơi, con sinh mổ không ăn được mấy thứ này đâu. Phụ nữ sau sinh nên ăn chân giò, rau ngót, thịt nghệ,... cho nhiều sữa mẹ ạ.

Tưởng bà không biết, tôi nhắc thì bà tiếp thu. Ai ngờ bà chỉ liếc mắt sang rồi từ chối thẳng:

- Không phải giờ trên báo, đài người ta toàn bảo phụ nữ sinh xong ăn như người bình thường à? Nấu 1 mâm cơm chung với cả nhà thôi chứ ai mà rảnh lại đi làm riêng mấy cái món đó?

Tôi kì kèo vài câu nữa nhưng bà chẳng thèm nghe, trả con cho tôi rồi bê mâm ra ngoài. Tối Kiểm về, tôi thủ thỉ với anh nhưng bà cũng chẳng thèm nghe Kiểm nói. Đã thế bà còn bảo anh là sợ vợ!

Cuối cùng, suốt 4 ngày sau sinh tôi đều chỉ ăn cơm với ruốc. Muốn không bị đói và có sữa, tôi toàn phải uống sữa đặc, chè vằng và thêm ít sữa bột nữa. Thấy tình hình này không ổn, tôi quyết phải nói chuyện cho rõ ràng với mẹ chồng.

Tối đó, bà bê mâm cơm cữ vào và lại y chang mâm cơm cho 1 người thường: Cá kho măng, vịt quay và rau dưa. Hấp dẫn thật đấy nhưng nó không phù hợp với tôi. Tôi lẳng lặng đậy lồng bàn lại, bảo bà:

- Mẹ ơi, cả tuần nay con ăn ruốc vì không thể ăn những đồ mẹ nấu rồi. Con thích ăn chúng, nhưng đó chỉ hợp cho khi con khỏe mạnh bình thường thôi. Chứ giờ con mới sinh mổ xong, con không ăn được.

- Thế chị muốn cái gì? Lại để bà già này hầu riêng 1 mâm cơm khác nữa à?

Tôi tức quá, liền bảo:

- Thế nếu mẹ không làm được, thì con sẽ bàn với anh Kiểm thuê người giúp việc vậy. Chứ con ăn như này, con chịu không nổi nữa rồi.

Tôi nói thế xong, mẹ chồng quay ngoắt sang bảo: 

- Thôi mẹ biết rồi. Tiền thuê người giúp việc cứ đưa mẹ, mẹ sẽ chăm chỉ hơn làm cả phần của người ta.

Hóa ra mẹ chồng làm như thế với tôi bao lâu vì bà cảm thấy số tiền vợ chồng tôi cho bà chưa thỏa đáng. Tôi thở dài nhưng cũng chỉ biết hy vọng bà sẽ chăm sóc tôi tốt hơn.