Lấy Khánh về đã 2 năm, chúng tôi lương không cao mà mỗi tháng phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để trả khoản nợ của nhà chồng vì mới xây nhà. Người ngoài nhìn vào không biết thì nghĩ tôi sướng, vừa lấy chồng cái được nhà cao cửa rộng ở ngay. Nhưng thật ra, vợ chồng tôi đâu có muốn sống trong ngôi nhà đó. Khánh vẫn bảo tôi, sau này vợ chồng có điều kiện sẽ ra xây nhà ở ngoài. Đấy, thế là suốt 2 năm trời chúng tôi vừa phải trả khoản nợ cho ngôi nhà mà mình sẽ không sống.

Đến giờ, khi nợ vừa trả gần hết thì mẹ chồng bắt đầu tỏ ý muốn cầm tiền của Khánh. Không chỉ thế, tiền của tôi bà cũng muốn quản lý luôn vì cho rằng: "Trong nhà chỉ một người quản thôi, tiền phải thu về một mối."

Tôi nhận ra ý định của bà khi thời gian gần đây liên tục chê trách tôi chuyện tiêu pha. Buổi tối hôm em trai chồng đi làm xa về, tôi có mua đồ ngon hơn mọi ngày một chút, nấu nướng nhiều món hơn một chút, thế mà mẹ chồng chẳng khen lấy một câu lại mắng:

- Sao nấu gì lắm món thế? Ăn có hết đâu rồi thừa thãi ra. Con sắp làm mẹ trẻ con rồi mà chẳng biết quản lý chi tiêu gì cả."

Mẹ chồng muốn quản lý tiền bạc của con trai và con dâu, đây là cách cô làm khiến bà vội vã đưa trả - Ảnh 1.

Mâm cơm thịnh soạn nhân ngày em chồng về bị mẹ chồng mắng tơi tả. (Ảnh minh họa)

Tôi cũng im im chẳng nói gì, chỉ chồng tôi là bênh:

- Mẹ thật là, mấy khi em nó về mới ăn uống cầu kì tí chứ.

Thế rồi hôm sau, tôi quên mang ví, vét voi trong túi xách có mấy chục lẻ, tôi đành lựa những thứ rẻ hơn chút. Vậy là mẹ chồng lại quay sang xét nét:

- Con đi chợ kiểu gì thế? Không biết cân đối chi tiêu à? Hôm ít, hôm nhiều, bữa thừa, bữa thiếu. Ngày xưa mẹ cầm tiền lo cho cái nhà này không bao giờ xảy ra tình trạng này nhé.

Tôi bực lắm mà chẳng nói lại vì sợ rồi lại thành cãi nhau. Những ngày sau, tôi cũng chẳng biết phải làm thế nào mới vừa ý bà. Đi mua sữa bầu về, bà cũng nói. Đang kể chuyện với chồng là đi thăm bạn đẻ, gửi tiền đám tang,... tốn kém, mẹ chồng đi qua lại mắng:

- Tiền đấy ai chẳng phải chi. Thế mà cũng kêu than. Tiền con không biết chi tiêu thì có tiền núi cũng hết.

- Mẹ, không biết chi tiêu thì làm sao con gom góp trả gần xong nợ trong 2 năm qua hả mẹ? Mẹ nói thế lại oan cho con.

- Khoản nào ra khoản đó, người phụ nữ biết quản lý tài chính thì phải biết tính toán trước ngay khi lương vừa về tay. Mà cô giữ hết tiền của chồng rồi nó lấy gì mà thi thoảng đi với bạn bè? Chẳng may xe hỏng hóc thì làm sao? Tháng nào nó cũng đưa sạch cho vợ rồi mình thì tay trắng đi làm.

- Này, giữ được tiền thì hãy giữ. Trước trả nợ mẹ chẳng nói làm gì, giờ nợ không còn bao mẹ thấy hình như con bắt đầu buông thả rồi đấy. Hay con giữ tiền làm quỹ đen? Hay lại lén đem về cho bố mẹ con? Nếu con không giữ được thì để mẹ giữ.

Mẹ chồng muốn quản lý tiền bạc của con trai và con dâu, đây là cách cô làm khiến bà vội vã đưa trả - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Tôi tức nghẹn tận họng mà không giải thích nữa. Tôi bỏ lên phòng, đấm chồng bùm bụp. Sau khi xả hết bực dọc lên người chồng, tôi cầm thẻ, đi xuống dưới nhà. Tôi dõng dạc tuyên bố với mẹ chồng:

- Đây mẹ, thẻ Atm tiền chung của hai vợ chồng con. Mẹ bảo con không biết giữ thì từ nay mẹ giữ giúp con. Nhưng ăn sáng mẹ cũng phải đưa con, khi con cần mua đồ bầu, đi thăm khám, siêu âm... con xin mẹ cũng phải đưa con nhé mẹ.

Mẹ chồng tôi cầm chiếc thẻ mà cười tươi như hoa. Chẳng nghĩ gì nhiều, lập tức gật đầu lia lịa rồi ngọt ngào bảo:

- Ừ, mẹ biết. Giờ mẹ cầm tiền chung của cả cái nhà này rồi, các con cần gì thì cứ nói với mẹ, mẹ cho. Đi thăm, đi khám gì, cứ bảo mẹ không tiếc những việc chính đáng ấy.

Thế rồi ngay sáng hôm sau, tôi ngửa tay xin bà 30k đi ăn sáng, bà vẫn vui vẻ đưa. Lát sau, chồng tôi xuống xin 100k ăn sáng, tiền cà phê và dự phòng trong ví. Bà vẫn cười, rút ví ra.

Nhưng cầm tiền mẹ chồng tôi mới biết chi tiêu trong nhà nhiều như thế nào. Cứ tiền ăn uống hàng ngày đã tốn kha khá. 

Thế nhưng đến ngày thứ ba, mâm cơm gia đình bỗng ít món hẳn đi, toàn thứ rau cỏ đạm bạc. Tôi mới hích tay chồng, ý để anh hỏi khéo bà:

- Mẹ ơi, sao cơm bữa này chẳng có gì ăn thế.

- Đầy đồ đây thây. Nay mẹ mệt, không muốn nấu nhiều.

Mẹ chồng muốn quản lý tiền bạc của con trai và con dâu, đây là cách cô làm khiến bà vội vã đưa trả - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Tới khi tôi rửa bát, mẹ chồng cứ quanh quẩn ở bên, hỏi dò:

- Này, những tháng trước nhà mình hết khoảng bao nhiêu tiền điện thế con? Sao tháng này hết nhiều thế nhỉ.

Rồi bà quay sang tôi, nhắc:

- Con rửa ít dầu thôi, dùng tiết kiệm chứ.

Tôi chỉ vâng. Lát sau, xong xuôi mọi chuyện, tôi đi lên nhà thấy mẹ chồng vẫn đang ngồi ghi chép chăm chú. Tôi nhắc:

- Mẹ ơi, ga được 3 tháng rồi, chắc mai, kia là hết ga thôi, mẹ chuẩn bị đổi nhé.

Bà trợn mắt:

- Sao đã hết ga rồi à. Mà sao thẻ của 2 đứa có ít tiền thế? Bấy nhiêu năm lấy nhau, không để được đồng nào à?

- Mẹ ơi, làm nhà, sắm nội thất xong nợ gần 400 triệu mà. 2 năm lấy nhau của vợ chồng con gom góp cả vào đó rồi con đâu ạ.

Bà im bặt, lại tiếp tục cúi xuống cuốn sổ.

Chưa hết, đó là những khoản bắt buộc phải chi, còn những khoản "tôi nghĩ ra" nữa khiến mẹ chồng càng đau đầu. Chẳng là ngày nào tôi cũng xui chồng xuống xin tiền mẹ để đi thăm người bệnh, khi thì chơi gái đẻ, lúc lại hỏng xe. Ngày nào cũng ngửa tay xin 1 đôi trăm khiến bà phát điên.

Mẹ chồng muốn quản lý tiền bạc của con trai và con dâu, đây là cách cô làm khiến bà vội vã đưa trả - Ảnh 4.

Ngoài những khoản chi tốn kém, tôi còn xui chồng "kê khống" thêm để xin mẹ chồng. (Ảnh minh họa)

Được chừng nửa tháng, mẹ chồng tôi lên gõ cửa phòng, bảo:

- Này, từ giờ con tự cầm thẻ của con mà tiêu đi. Mẹ già rồi, không đi chợ được nữa.

Tôi lại vờ vĩnh:

- Ơ mẹ ơi, mẹ không quản tiền nhà này nữa ạ? Con thấy rời được việc lo toan chi tiêu trong nhà này nhẹ gánh bao nhiêu ý.

Bà biết tôi nói mỉa, im bặt rồi lẳng lặng đi xuống. Đấy, các mẹ chồng thích cầm tiền thì cứ để bà cầm. Nhưng tôi cũng sẽ có cách khiến bà tự đem tiền trả lại cho mình.