Tôi và chồng quen nhau khi làm chung ở một công ty, anh hiền lành, cao ráo, dễ nhìn nhưng 30 tuổi vẫn chưa mảnh tình vắt vai. Về sau này khi đã yêu nhau anh mới kể, anh khá nhát và hoàn toàn không có cảm hứng với con gái nếu như không ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Và cho đến khi gặp tôi anh mới lần đầu cảm nhận được điều đó.
Chúng tôi kết hôn sau khi đã yêu nhau được hơn 1 năm. Cuộc hôn nhân của tôi không được ủng hộ cho lắm bởi mẹ chồng muốn anh lấy vợ gần, cụ thể là vợ người Hà Nội. Tuy nhiên, vì anh quyết tâm chỉ lấy tôi, lại cũng nhiều tuổi rồi, bao năm qua chẳng yêu đương gì nên mọi người trong nhà cũng lo lắng. Đó chính là lý do khiến bà chấp nhận tôi.
Tôi đã chịu không ít đau khổ khi về nhà chồng làm dâu. (Ảnh minh họa)
Thế nhưng, ấn tượng ban đầu đã chẳng tốt đẹp nên khi tôi về làm dâu đã gặp không ít khó khăn.
Mẹ chồng tuy không đành hanh, ghê gớm như trong những bộ phim truyền hình vẫn miêu tả nhưng bà là người khá thâm sâu, cay nghiệt. Mỗi lời mẹ chồng tôi nói ra đều mang nghĩa bóng. Bản thân tôi dù có cố gắng cỡ nào cũng không bao giờ làm bà cảm thấy vừa lòng, mặc dù thẳng thắn mà nói, tôi xinh xắn, công ăn việc làm ổn định, gốc gác tuy ở quê nhưng gia đình cơ bản, giáo dục con cái ngoan ngoãn, tử tế. Nhưng không thích vẫn là không thích, "không ưa thì dưa có giòi", mẹ chồng ngày nào cũng nghĩ ra chuyện để nói tôi không ra gì.
Đặc biệt, có vẻ như việc tôi xuất thân tỉnh lẻ làm bà rất khó chịu. Nhà có một cậu em chồng, trước mặt tôi, bà không ngại nhắc nhở con trai út phải lấy vợ gần, rút kinh nghiệm từ anh trai, lấy vợ xa xôi vất vả đủ đường… Rồi khi nói chuyện với bác hàng xóm, bà bĩu môi nói về tôi "nhà quê ấy mà". Chưa kể, việc anh em trong họ hàng đều lấy vợ Hà Nội còn làm bà cảm thấy xấu hổ về tôi – một đứa con dâu nhà quê.
Hôm ấy, trong bữa cơm tối, cả nhà bàn việc cuối tuần đi đám cưới đứa em họ con nhà cậu của chồng tôi. Bố chồng tôi hỏi mẹ: "Lịch trình thế nào hả bà? Mấy giờ thì đi đón dâu?". Mẹ chồng tôi liền đáp: "8 giờ mới đón dâu xong về nhà thắp hương, làm thủ tục một lúc rồi ra nhà hàng. Đấy lấy vợ gần sướng thế đấy, con trai ông ngày xưa lấy vợ xa, lọ mọ về quê đón dâu từ 4 giờ sáng, vất vả đủ đường, đến khổ".
Đã quá nhiều lần mẹ chồng đem 2 chữ "nhà quê" ra để mỉa mai mình. Lần này, khi bà dứt lời, tôi tủi thân bật khóc thành tiếng. Thấy vậy, bố chồng tôi bất ngờ lên tiếng dù từ trước đến nay, ông ít nói, không can thiệp vào chuyện mẹ chồng nàng dâu.
Bố chồng bất ngờ lên tiếng bênh vực khiến tôi ấm lòng phần nào. (Ảnh minh họa)
"Bà này, tôi nói bà đừng tự ái, nhưng ngày xưa, khi tôi lấy bà, tôi cũng người Hà Nội, còn bà chẳng phải cũng ở quê đó sao? Vậy mà mẹ tôi có chê bà tiếng nào đâu, sao bây giờ bà cứ lôi chuyện quê với phố ra chì chiết con bé. Nếu không thích nó thì sao ngày xưa bà không tìm cho con trai bà đứa con dâu ở Hà Nội mà cưới. Còn cái Tuyết đã về làm dâu, làm con nhà mình rồi, con nó sai đâu bà chỉ đấy, đừng nặng nhẹ với nó như thế mà tội nghiệp" - những lời bố chồng nói là tôi vừa ngỡ ngàng vừa xúc động và bật khóc to hơn. Như thể, ông đã giúp tôi trút hết bao nhiêu oan ức mình phải gánh chịu.
Bữa cơm hôm ấy tuy chẳng ai còn thấy ngon miệng nữa nhưng rõ ràng nó đã làm cho những bữa cơm khác ngon hơn. Sau những lời thẳng thắn của bố, mẹ chồng tôi cũng đã cư xử khác. Và những ngày sau đó, tôi cũng ít nghe thấy mẹ nói 2 từ nhà quê đi kèm với tôi.