Tôi sinh ra và lớn lên tại một huyện nhỏ ở Thái Bình. Gia đình tôi không giàu nhưng cuộc sống cũng no đủ, hạnh phúc. Năm tôi 12 tuổi, bố tôi qua đời vì bị viêm gan B. Mẹ ở vậy nhọc nhằn nuôi tôi khôn lớn. Bà phải bỏ việc, mở một sạp vải ở chợ kiếm tiền nuôi 2 mẹ con.
Khi nghe câu chuyện của đời tôi, Hoàng - chồng tôi rất thương cảm và nể phục. Anh thương tôi và mẹ sớm mất đi người đàn ông trụ cột, hai người phụ nữ vất vả dựa vào nhau mà sống. Anh nể phục tôi dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn ăn học nên người. Cuộc sống vất vả từ nhỏ đã rèn cho tôi sự độc lập, kiên nhẫn.
Nhưng mẹ Hoàng thì không như vậy. Bà rất hài lòng khi anh mới dẫn tôi về ra mắt. Thế nhưng, sau khi điều tra ngọn ngành về gia đình tôi, bà kịch liệt phản đối.
Bà sợ tôi mang gen bệnh của bố tôi rồi truyền sang cho con cái, cháu chắt của bà. Bà sợ tôi giống mẹ đẻ có tướng sát chồng. Bà còn nói, gia đình bà nho giáo, đạo đức bao nhiêu đời nay nên chỉ kết giao với những gia đình tri thức, không muốn lấy phải con nhà chợ búa như tôi.
Từ lúc chưa về nhà chồng, mẹ chồng đã nhiều lần móc mé, hạ thấp thanh danh gia đình tôi. Tôi đã chán và muốn bỏ Hoàng mấy lần nhưng anh luôn động viên, nài nỉ, níu kéo. Mặt khác, anh cũng hết lòng thuyết phục mẹ.
Cảm động vì tình yêu của Hoàng, tôi cùng anh “chiến đấu” lại sự hà khắc của mẹ chồng tương lai. Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được với nhau.
Bố mẹ chồng tôi mua sẵn một căn nhà sát vách với nhà ông bà cho vợ chồng tôi ở. Vợ chồng tôi chỉ dùng căn nhà đó để ngủ còn mọi sinh hoạt thì đều ở bên nhà bố mẹ chồng. Bà còn có cả chìa khóa nhà tôi và thỉnh thoảng tự ý sang nhà kiểm tra, giám sát. Cuộc sống bên nhà chồng khá ngột ngạt nhưng tôi cố nhịn vì hạnh phúc gia đình.
Ngoài ra, thái độ của bà với bên nhà mẹ đẻ tôi không hề tích cực hơn so với lúc chúng tôi yêu nhau chưa nói là càng ngày càng tệ. Với người ngoài bà ngọt ngào bao nhiêu thì với gia đình tôi, bà nanh nọc bấy nhiêu.
Tôi ở Hà Nội lâu nên giọng nói địa phương không còn, nhưng mẹ tôi thì vẫn nói giọng lơ lớ. Những lần mẹ đẻ lên thăm, mẹ chồng luôn tỏ ra không nghe được mẹ tôi nói chỉ vì bà nói tiếng “nhà quê quá”.
Mẹ tôi về rồi, bà luôn khinh khỉnh chê bai phong thái và giọng địa phương của mẹ tôi. Thỉnh thoảng, mẹ chồng tôi nhại lại giọng của mẹ đẻ kèm một nụ cười coi thường khiến tôi rất tức giận.
Bà còn thường xuyên nhỏ to buôn chuyện với họ hàng về mẹ đẻ tôi. Có lần, tôi nghe được bà thậm thụt với dì ruột của chồng: “Tao không tin là mụ ấy nhịn được lâu thế. Chồng mất từ đời tám hoánh, lại còn bán hàng ở chợ thiếu gì mối quan hệ. Có khi lại ở với đầy thằng rồi cũng nên!”.
Tôi xông vào định ba mặt 1 lời thì hai bà chối bay chối biến là đang không nói gì về mẹ tôi cả. Họ còn mắng tôi láo toét dám nghe trộm chuyện người lớn. Không có bằng chứng, tôi đành xin lỗi và ngậm bồ hòn làm ngọt.
Một lần, bác chồng đến chơi, tôi cùng mẹ chồng làm cơm. Trong khi đó, bác nói chuyện với bố chồng tôi ở phòng khách cũng chỉ cách vài bước chân. Khi nấu nướng, mẹ chồng đã thở dài và lườm nguýt, gắt gỏng nhiều lần khiến tôi rất ức chế. Vì thế nên tôi càng làm sai nhiều.
Khi mẹ chồng tôi nếm thử nồi canh măng, bà giận quá không kìm được hét to khiến cả nhà đều nghe thấy: “Trời ơi, mày lại thêm muối vào à? Tao đã nêm rồi ai khiến mày thêm nữa. Mẹ mày vừa ngu vừa đoảng không biết dạy mày làm gì à?”.
Tôi điếng người, nhục nhã trước mặt khách. Mẹ chồng tôi càng được thể oang oang: “Mẹ mày chỉ biết tiền, lo gì dạy con. Tao còn lạ gì dân buôn bán, thấy tiền là sáng mắt lên, con cái thì bỏ mặc. Thảo nào mày lại vụng về thế này!”.
Tôi òa khóc chạy về nhà, đằng sau vẫn còn văng vẳng tiếng mẹ chồng nói với khách: “Đấy bác xem con dâu tôi nó láo không? Đang nói chuyện với người lớn mà dám bỏ đi như thế! Nhà quê tùy tiện không biết phép tắc là gì”.
Chồng tôi ngồi đó chẳng những không bênh mà còn hùa vào mắng tôi láo xược với bố mẹ chồng trước mặt khách khứa: “Em cứ để đầu óc đi đâu, nấu nướng như vậy có ngày đểnh đoảng đốt cả nhà. Mẹ giận quá nên mắng chứ có gì to tát mà phải khóc”.
Tôi đã nói với anh, bày tỏ quan điểm là mẹ chồng không có quyền xúc phạm thông gia, có mắng thì mắng tôi thôi. Mẹ của tôi không làm gì nên tội, cũng không phải bậc dưới của bà để cho bà xỉ vả. Tôi cũng nói là nếu lần sau, bà còn xúc phạm bố mẹ đẻ hay dòng tộc nhà tôi, tôi sẽ có ý kiến chứ không im lặng nữa.
Những tưởng chồng tôi hứa góp ý với mẹ, hoặc ít ra thì chấp nhận cho tôi phản ứng nếu bà làm quá, không ngờ anh lạnh mặt bảo: “Em là con dâu mà định cãi mẹ chồng là sao? Nếu em dám hỗn với mẹ anh, anh sẽ không coi em là vợ nữa”.
Anh còn bảo rằng: “Những lời mẹ nói, bà ngoại có nghe thấy đâu mà em cứ làm toáng lên. Em là phận con tốt nhất cứ nhịn đi cho yên cửa yên nhà!”.
Không ngờ anh lại về phe với mẹ chồng. Anh lấy quyền gì, mẹ anh lấy quyền gì để được xúc phạm mẹ tôi? Đối với tôi, mẹ là người yêu thương nhất. Mẹ đã hi sinh vì tôi nhiều. Chẳng lẽ, hai vợ chồng tôi lại li dị chỉ vì chuyện này?