Ngày lấy chồng, ai cũng mong muốn tìm được người đàn ông chung thủy, yêu thương mình đến hết cuộc đời. Nhưng mấy ai được như mơ? Đã thế khi chấp nhận những tủi hờn về mình, họ còn không được cảm thông, đặc biệt là từ phía nhà chồng. Như vậy đau khổ càng tăng thêm khổ đau.
Đơn cử như câu chuyện của 1 chị vợ dưới đây. Sống ly thân đến lúc chồng gặp tai nạn không nhận chăm sóc, liền bị mẹ chồng xỉa xói, mắng chửi là người bạc tình bạc nghĩa.
"Phương và Tiến 7 năm nay vẫn là vợ chồng nhưng chỉ trên danh nghĩa. Thực chất họ đã ly thân được 4 năm.
Phương đã chuyển ra sống ở một phòng trọ 30m2 cùng cô con gái lên 5 tuổi của mình. Còn Tiến thì sống cùng nhân tình ở căn nhà trước kia anh và Phương mua về.
Ngày mới thỏa thuận ly thân, Tiến hứa mỗi tháng sẽ chuyển cho Phương 5 triệu tiền phụ cấp nuôi con và thăm con gái 4 lần/ tháng. Nhưng rồi số tiền ấy ngày một ít đi, anh viện lý do làm ăn khó khăn nên chỉ chuyển 2 triệu/ tháng. Số tiền đó được bắn sang tài khoản của Phương chứ anh không gặp cô và con gái lần nào.
Phương là một nhân viên văn phòng bình thường với mức lương 8 triệu. Một mình cô nuôi con khá vất vả. Nhiều người nói vào nói ra, bảo cô ngu ngốc sao không lựa chọn ly hôn và tìm một người đàn ông khác yêu thương mình. Nhưng sau hôn nhân đổ vỡ, Phương gần như mất hết niềm tin vào đàn ông. Cô không muốn kết hôn thêm một lần nữa. Mặt khác, Phương nghĩ rằng giữ mối quan hệ này cũng hay, dù sao các con vẫn đầy đủ cha mẹ.
Cho đến một ngày, mẹ chồng Phương vội vã đến hẳn công ty tìm cô. Hóa ra Tiến gặp tai nạn ngã từ trên giàn giáo xây dựng cách mặt đất 5m xuống đất. Tình trạng của anh khá nặng, có thể sống bại liệt suốt đời. Mẹ chồng yêu cầu Phương đến bệnh viện chăm sóc cho chồng.
Phương không từ chối bởi cô vẫn thương anh và nghĩ đến tình nghĩa trước kia. Cô phục vụ chồng mình 2 tuần. Những ngày ấy, từ chuyện vệ sinh cá nhân đến chuyện ăn uống của anh đều do 1 tay Phương chăm sóc. Thậm chí Phương còn thức trắng nhiều đêm vì những tiếng kêu la, chửi rủa của chồng mỗi lần lên cơn đau. Mẹ chồng cô chỉ đến đưa cơm xong rồi lại về. Bà phó mặc việc chăm Tiến cho Phương.
Nhưng đến tuần thứ 3, Phương đã hết thời hạn nghỉ phép, cộng với việc phải đưa đón con đi học nên cô không thể vào viện thường xuyên chăm sóc cho anh nữa. Phương nói với mẹ chồng. Cô bảo bà gọi nhân tình của Tiến đến mà chăm sóc.
Bà có vẻ không bằng lòng với việc này. Nhưng rồi vẫn quyết định gọi cho người phụ nữ kia. Cô ta cũng đến chăm Tiến nhưng chỉ được đến ngày thứ 4 thì đùng đùng bỏ đi. Cô bồ của Tiến nói không thể chấp nhận việc phải sống chung với người tàn phế.
Hết người chăm nom con trai, mẹ Tiến buộc phải vào viện chăm anh. Nhưng cũng chỉ một tuần bà cũng không chịu nổi và phải gọi điện cho Phương.
Bà ngọt nhạt: "Con ơi, thằng Tiến nó xảy ra như vậy rồi cũng tội thân nó. Giờ nó nằm viện đau đớn như thế không ai chăm sóc, mẹ thương lắm. Hay là thôi con nghỉ việc đi, mai mẹ sang đón con với cháu gái mẹ về đây. Hàng ngày con đến chăm sóc cho nó. Bao giờ nó ra viện thì mẹ sẽ gom góp mua cho 2 đứa cái nhà ở ngoại ô...".
Nhưng Phương từ chối luôn. Bởi cô chỉ là nhân viên bình thường, đồng lương ít ỏi, làm sao có thể chăm sóc con rồi chăm sóc cả chồng nữa. Đặc biệt, vợ chồng cô đâu còn dành tình cảm cho nhau. Bằng ấy năm cô sống một mình, anh chưa bao giờ đặt chân đến hỏi thăm cuộc sống của vợ.
Biết câu trả lời của Phương, mẹ chồng cô rất giận. Bà mắng cô xơi xơi trong điện thoại: "Chị bỏ mặc thằng Tiến nằm vạ vật ở bệnh viện không chăm sóc, như vậy là mà lương tâm đạo lý 1 con người à. Chị không sợ sau ra đường người ta cười cho cái loại vợ vô tâm, bạc tình bạc nghĩa. Con gái chị nó trách chị sống cạn tàu ráo máng à? Vợ chồng 1 ngày vẫn là vợ chồng, hơn nữa cô và nó còn chưa ly hôn...".
Nghe những lời mắng mỏ của mẹ chồng, Phương giận run người vì cay đắng. Cô nhớ 4 năm trước khi Tiến dẫn nhân tình về và đuổi cô ra khỏi nhà, mẹ chồng cô đã vào hùa với anh. Bà cho rằng cô không biết đẻ, bao năm cũng chỉ sinh được 1 đứa con gái.
Từ ngày cô ra sống riêng, bà cũng chẳng mấy khi hỏi thăm đến cháu gái. Ngày lễ, ngày Tết, khi cô đưa con về thăm ông bà, mẹ chồng cô chỉ tiếp qua qua rồi lại quấn quýt bên thằng cháu trai của Tiến với nhân tình.
Phương quyết định không chịu nhịn nữa, cô thẳng thắn: "Mẹ nói con cạn tàu ráo máng mà mẹ không nhìn thấy bản thân mình và con trai mẹ cũng vậy à mẹ. Con xin lỗi khi phải nói ra những lời này. Nhưng suốt 4 năm qua mọi vất vả, đắng cay con đều chịu đựng một mình.
Có bao giờ mẹ và anh ấy đặt chân đến cái phòng trọ lụp sụp của con hỏi thăm con và cháu mẹ sống ra sao chưa? Có bao giờ mẹ hỏi cháu mẹ thích cái gì, mặc đồ gì bà mua cho chưa? Những hôm nó ốm sốt, một mình con ôm nó đến bệnh viện. Gọi cho chồng thì cháy máy không được, gọi cho mẹ thì mẹ mắng con không biết chăm nó rồi cúp máy ngủ tiếp. Những lúc đấy sao mẹ không nói đến tình nghĩa?
Cô nhân tình của chồng con chẳng phải mẹ quý như cục vàng, 2 người vẫn chụp ảnh chung rồi úp lên Facebook khoe cho mọi người. Sao bây giờ mẹ không gọi cô ấy mà tìm con?
Con không ly hôn với Tiến chẳng qua là muốn cho con con luôn có đầy đủ bố và mẹ. Nhưng có lúc con còn hối hận vì quyết định đó đó mẹ. Mẹ xem nó có bố mà cũng nhưng không. Bát canh thừa không ăn được mẹ đừng bắt người khác chịu".
Cô nói xong những bực tức của mình liền cúp máy mặc cho mẹ chồng bên kia đầu dây ú ớ không nói được tiếng nào nữa.
Mẹ chồng Phương tự nhiên cảm thấy xấu hổ bẽ bàng vì những gì bà đối xử với cô trong những tháng ngày trước kia. Có lẽ bà và con trai mới là người vô tâm và cạn tình thật nên khi Tiến gặp nạn, anh chẳng có tới 1 người phụ nữ nào ở bên chăm sóc".
Thế đấy, nhiều khi có những người coi sự tử tế của người khác làm điều hiển nhiên, buộc họ phải như thế đối với mình, trong khi không hề xứng đáng. Vốn dĩ 2 vợ chồng trong câu chuyện trên chẳng còn ràng buộc nhau về cái gì ngoài chuyện còn là vợ chồng trên pháp lý. Nhưng bà mẹ lại muốn tống gánh nặng cho chị cả đời khi anh đã mất đi khả năng lao động.
Không sai khi nói quả báo nhãn tiền trong trường hợp này. Nhiều người ủng hộ quyết định của Phương. Bởi cô chịu khổ nhiều rồi, giờ đây cần ích kỷ cho chính mình.