Với xu hướng yêu khá thoáng hiện nay, việc cô dâu chú rể "ăn cơm trước kẻng" được phần lớn mọi người nhìn nhận là bình thường. Người trong cuộc đương nhiên muốn được trải nghiệm, hiểu nhau cả về tính cách, lối sống lẫn "chuyện ấy" trước khi kết hôn để đảm bảo sự phù hợp. Nhưng có bầu trước khi cưới, đôi khi nàng dâu cũng bị thiệt thòi.
Câu chuyện của L. chia sẻ trên một group kín là một ví dụ. Cách xử lý của L. cũng rất cao tay, đáng học hỏi.
"Em là một đứa thẳng tính, nói năng không khéo nhưng giỏi 'bật' nếu bị ai chèn ép. Đối với mẹ chồng, em kính trọng nhưng không có nghĩa là bà thích nói gì, ép gì cũng được.
Em và chồng yêu đương 5 năm, ra mắt gia đình hết rồi. Em là gái quê, chồng em người Hà Nội nhưng nhà bình dân thôi. Công việc tốt, chúng em góp tiền chung, gửi sổ tiết kiệm tên em để khi cưới thì mua nhà ở riêng. Chồng em là con út, nên ở riêng không khó.
Lúc phát hiện em có bầu 8 tuần, anh ấy mừng lắm, về đòi cưới ngay. Em đến gặp mẹ chồng, bà nói một câu khiến em bất ngờ: 'Mẹ không ưa mấy đứa ăn cơm trước kẻng tí nào. Chắc gì là con mày? Cưới tao đồng ý nhưng mà mua nhà thì tên thằng T. chứ con L. không được đứng tên. Nhà phải mua xong mới cưới”.
Thấy bà khôn hết phần thiên hạ, em liếc chồng sắp cưới để ra hiệu. Ai dè anh sợ mẹ, kéo em ra góc khuyên em nín nhịn. Bọn em có 1 tỷ 230 triệu, mẹ chồng góp vào 700 triệu mà không cho em đứng tên".
Dù rất ức chế, nhưng trước sự chân thành của T. thì L. cũng liều, cô chấp nhận mạo hiểm tin anh. Nói thật, khi tình cảm không còn thì đàn bà phải dứt khoát tiền bạc, chứ đang yêu, đang hạnh phúc chờ đón đứa con, có ai mà tính toán làm gì.
Sau khi cưới xong, L. phát hiện ra mẹ chồng cũng không đến nỗi nào. Bố chồng thì không biết chuyện bà nói riêng với hai con về nhà cửa, đi đâu cũng khoe chuyện hai đứa giỏi lắm, tiết kiệm được hơn 1 tỷ để mua nhà, vợ chồng tôi chỉ cần cho thêm một ít. Nói chung, ông ưng con dâu ra mặt, thấy con dâu nấu ăn ngon còn khen nức nở.
Nắm được tình hình rồi, L. mới quyết định vùng lên để mẹ chồng biết cô không phải đứa dễ bắt nạt. Hơn nữa, cũng chứng minh cho bà biết là cô giận việc bà nghi ngờ nguồn gốc của cháu nội.
"Sau 1 tháng thì cưới. Lúc này chồng em bảo sẽ lén lút đi khai thêm tên em vào sổ đỏ, bà tính trước mà không tính là mua nhà chán mới có sổ. Nhưng em không thích lén lút thế. Em bảo em có cách nói chuyện khiến mẹ chồng thay đổi.
Giờ ăn cơm, bố chồng hỏi tên cháu nội. Biết em siêu âm thằng cu rồi, ông mừng lắm. Mẹ chồng đang vui vẻ đặt tên em cười bảo:
'Anh T. bảo anh ấy đứng tên nhà rồi, thằng cu này không khai sinh tên bố cũng được. Con đang tính cho nó theo họ mẹ. Con xin nói thật, trước đây mẹ có nghi ngờ đứa bé con mang không phải cháu mẹ, mẹ cũng không muốn cho con đứng tên chung trên sổ đỏ nhà mà vợ chồng con chung tay mua.
Bố mẹ mà thương con cháu thì con cũng không bao giờ để bố mẹ buồn đâu. Có điều, để chắc ăn, thằng cu này cứ mang họ mẹ, khai sinh theo hộ khẩu của mẹ không sau này bà mất công mang đi xét nghiệm ADN'.
Bố chồng em tái mặt, buông đũa nhìn mẹ chồng và em bực mình. Chồng em cuống lên đứng dậy trình bày. Lúc này bà mới cười bảo: 'Thẳng thắn thế là tốt. Mẹ đùa mà mày đừng để bụng. Nhà của 2 đứa, cứ khai tên 2 vợ chồng đi, còn thằng T. chả lẽ không biết có phải con nó không'".
Thế đấy, người ta nói gì mà nhịn được thì nhịn cho qua chuyện. Nhưng lúc có chồng là đồng minh thì đừng ngại vùng lên chị em nhé. Kết thúc của cô vợ tên L. này cũng khá "ngọt ngào". Đừng vì mình lựa chọn tìm hiểu nhau trước, "ăn cơm trước kẻng" mà phải chấp nhận sống ủ dột, nhục nhã. Những người đến với nhau vì tình yêu, tự chủ về kinh tế, hãy cứ thẳng thắn mà nói rõ quan điểm của mình với bố mẹ chồng.