Thầy sẽ đặt tên cho Lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 là "Lễ khai giảng Nguyệt Linh"
Nguyệt Linh, cô bé lớp 5 trường Marie Curie (Hà Nội), gần đây nhất, đã đại diện cho biết bao thế hệ nói lên tâm tư nguyện vọng về một buổi lễ khai giảng không bóng bay. Em đã mạnh dạn gửi bức thư của mình tới 40 trường học trên địa bàn, mong muốn mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường và nói không với rác thải nhựa.
Trong thư, Nguyệt Linh có viết: "Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ nylon tức là từ nhựa và khi thả bóng bay lên thì các chú chim hoặc các động vật khác khi nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác được biết là đã bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết ạ.
Vậy nên bây giờ con nghĩ rằng trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ? Con chỉ muốn gửi thông điệp: Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển".
Bức thư em Nguyễn Nguyệt Linh gửi tới các trường học ở Hà Nội, mong muốn không thả bóng bay trong lễ khai giảng sắp tới.
Mùa hè năm ngoái, Nguyệt Linh tham gia lớp học nhiếp ảnh của thầy Lekima Hùng - "kẻ săn rác" với hành trình xuyên Việt chụp 3.000 bức ảnh về rác thải. Cách đây không lâu, trong khi đi chơi, em đã từ chối mua bóng bay. Thời gian gần đây, nhờ theo dõi trên các trang mạng xã hội về thực trạng bóng bay gây ảnh hưởng tới các loài động vật, em có tâm sự với bố mẹ: "Lại sắp khai giảng rồi, các trường lại thả nhiều bóng bay ạ". Đáp lời con, chị Lê Nguyệt động viên: "Con có thể nghĩ ra cách nào hay làm một điều gì đó không?". Từ đó, Nguyệt Linh ấp ủ ý định sẽ viết thư gửi tới các trường học.
"Ban đầu tôi hiểu là viết thư tay, tôi bảo vậy con viết đi, rồi mẹ photo cùng tìm địa chỉ gửi bưu điện. Nhưng con bảo muốn viết email thì tiện hơn, đỡ phải dùng giấy mà lại nhanh. Sáng hôm sau con ngồi viết thư và lên google tìm địa chỉ các trường học. Toàn bộ bức thư là bạn ấy tự viết nên vẫn còn lỗi chính tả, câu khẩu hiệu được thầy Lekima Hùng cho phép sử dụng. Đến đoạn kết luận, tôi chỉ gợi ý con một chút, sau đó bạn ấy hoàn thiện nốt và tự gửi đi.
Khi bạn ấy nghĩ ra cách gửi thư, gia đình tôi cũng chưa tưởng tượng được mức độ lan tỏa của bức thư sẽ như thế nào. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là con đang có 1 vấn đề, con nghĩ ra 1 giải pháp và con sẽ thực hiện đó. Gia đình tôi ủng hộ, đơn giản như vậy thôi" - chị Nguyệt tâm sự.
Em bé Nguyệt Linh, học sinh lớp 5, trường Marie Curie.
Sau khi thư được gửi đi, đã có 5 trường học phản hồi. Đặc biệt, thầy Nguyễn Xuân Khang - vị hiệu trưởng đáng kính của trường Marie Curie nơi Nguyệt Linh đang theo học, đã vô cùng xúc động.
"Thả bóng bay đã là thói quen từ lâu của nhiều trường học trên cả nước. Nếu không nhận được lá thư này, có lẽ nhiều trường học trong đó có Marie Curie cũng sẽ tổ chức lễ khai giảng hoành tráng và có thật nhiều bóng bay.
Nhưng chắc chắn sau bức thư của trò Nguyệt Linh, sẽ không còn bóng bay trong ngày này của trường năm nay và cả những năm tiếp theo nữa. Thầy sẽ đặt tên cho Lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 là "Lễ khai giảng Nguyệt Linh" để ghi nhận ý kiến tuyệt vời của con" - thầy Khang viết.
Một quyết định tuyệt vời của thầy Khang, một hành động mang tính giáo dục và tính nhân văn cao, không chỉ khuyến khích học sinh bảo vệ môi trường, mà còn thúc đẩy các em dám nghĩ và dám thể hiện suy nghĩ của bản thân.
Trong khi đó, trường Tiểu học - THCS Pascal nhắn nhủ tới cô bé: "Cảm ơn Nguyệt Linh! Bức thư con viết rất hay. Con rất đáng yêu! Cô sẽ trao đổi với các thầy cô, năm nay khai giảng sẽ hạn chế bóng bay, không thả bóng và thay bằng một hoạt động khác, vẫn tạo không khí vui tươi phấn khởi cho các bạn học sinh bước vào năm mới con nhé".
Cùng quan điểm, trường Quốc tế liên cấp Việt Úc Hà Nội, trường Bill Gates cùng đồng tình với ý tưởng của Nguyệt Linh và hứa hẹn sẽ hạn chế thả bóng bay trong ngày khai giảng, thay vào đó là những hoạt động khác có ý nghĩa và bảo vệ môi trường hơn.
Cuối cùng, trường Jean Piaget đã đáp lời cô bé thật nhẹ nhàng và ý nghĩa: "Thân gửi Nguyệt Linh. Cảm ơn con, và cả những bạn học sinh đều đang quan tâm nhiều hơn và hành động mạnh mẽ để bảo vệ môi trường và cuộc sống chung của chúng ta. Trường tiểu học Jean Piaget kể từ năm ngoái đã không sử dụng bóng bay trong dịp khai giảng và luôn nỗ lực để hạn chế sử dụng các đồ dùng từ nhựa, nylon và các đồ không thể tái chế trong các hoạt động của trường. Tất nhiên năm nay thầy cô cũng sẵn lòng đồng hành cùng con trong chiến dịch này. Sẽ còn một chặng đường rất dài để có thể giảm thiểu việc sử dựng đồ nhựa và các nguyên vật liệu không thể tái chế hãy cùng cố gắng nhé.
Cảm ơn con. Chúc con luôn hạnh phúc và giữ mãi tinh thần nhiệt huyết này nhé".
"Điều quan trọng nhất là con được sống hồn nhiên như bây giờ, chứ không phải bị "đóng khuôn" trong kỳ vọng của người khác"
Nguyệt Linh là một cô bé quan tâm nhiều đến hiphop, vẽ và đàn. Em thích đọc sách, nghe nhạc. Khi còn nhỏ, nếu hỏi mơ ước sau này được làm công việc gì, Nguyệt Linh từng trả lời "Con muốn trở thành công chúa". Cách đây 2 năm, sau khi được đi du lịch và khám phá nhiều nơi, chứng kiến công việc của các hướng dẫn viên du lịch, em nghĩ rằng, lớn lên mình sẽ là một hướng dẫn viên du lịch cừ khôi.
Đầu năm nay, Nguyệt Linh tham gia chuyến đi ngắm chim di cư và có cơ hội được tiếp xúc với một số chuyên gia của tổ chức Vietnam National Conservation. Và, ước mơ được trở thành nhà giải cứu động vật quý hiếm, bỗng trỗi dậy trong em. Nhưng khi tham gia lớp học về di tích ở Hoàng thành Thăng Long, thì em lại mong muốn trở thành một nhà khảo cổ học.
Với một đứa trẻ, ước mơ sẽ thay đổi theo thời gian.
"Câu trả lời của con dựa trên suy nghĩ trong từng giai đoạn. Gia đình chúng tôi ủng hộ và tạo điều kiện trong khả năng của mình với các sự thay đổi trong mơ ước của con. Hành động gửi thư của con cũng không phải là bằng chứng cho thấy con có khả năng đặc biệt gì trong lĩnh vực môi trường. Tôi xin nhấn mạnh, đây là 1 việc làm rất nhỏ và rất bình thường của 1 đứa trẻ bình thường. Toàn bộ công lao của sự lan tỏa này là do có rất nhiều người ủng hộ ở phía sau. Do vậy, chúng tôi cũng không mong muốn con bị một sức ép vô hình nào về việc con sẽ làm một việc gì liên quan đến môi trường trong tương lai.
Nếu con còn đam mê về lĩnh vực này, con tiếp tục làm; nếu con đam mê một cái khác thì hãy theo đuổi đam mê khác đó, không cần phải có áp lực do hành động gửi thư ngày hôm nay, đây sẽ trở thành 1 kỷ niệm đẹp trong cuộc đời của con" - chị Nguyệt chia sẻ.
Mỗi năm, vào mùa khai giảng, các trường học thường có truyền thống thả bong bóng lên trời. Ảnh minh họa.
Quan tâm và bảo vệ môi trường là ý thức nên được xây dựng từ quan điểm cá nhân của mỗi người. Nếu rèn luyện ý thức này từ nhỏ, rồi tùy khả năng của mình để thực hiện điều đó tốt hơn. Từ nhỏ, hai chị em Nguyệt Linh đã tham gia nhiều hoạt động. Từ lớp 1, em học "Đồng cảm" ở CLB Ô xinh và đã tham gia các hoạt động tuyên truyền như nhảy flashmode "Ngày Trái Đất" 19/4/2015 tại Công viên Thống Nhất, tìm hiểu nhiều sự kiện tương tự "Save the wild life" của Đại sứ quán Anh và đổi giấy lấy cây xanh của Green Life, chuyến đi "Ngắm chim di cư", dọn rác trên đê đầm Vân Long của Vietnam National Conservation...
Nhiều kiến thức về môi trường, Nguyệt Linh tìm hiểu trên mạng và ở trường học. Trước khi có hoạt động viết thư, tháng 4/2020, em xin thầy Lekima Hùng một số bức ảnh từ chuyến đi xuyên việt của thầy, dùng công cụ được học từ 1 khóa làm phim của trung tâm Innovakid để dựng thành 1 clip dài 5 phút tuyên truyền về việc hạn chế rác thải nhựa. Sau đó, em gửi clip cho cuộc thi Dream and Do Contest và đạt giải 3. Tháng 6/2019, Nguyệt Linh tham gia khóa học làm phim của trung tâm TPD, em đã viết kịch bản về chủ đề rác thải nhựa và cùng các bạn hoàn thành một phim ngắn về chủ đề này.
Sau khi bức thư của Nguyệt Linh được chia sẻ lên mạng xã hội, rất nhiều người, từ các thầy cô, nhà trường, nhà hoạt động môi trường và các cá nhân khác đều cùng bày tỏ sự quan tâm và chung quan điểm trước các vấn nạn về môi trường. Tuy nhiên, gia đình Nguyệt Linh không mong muốn cuộc sống của họ bị đảo lộn, và bản thân Nguyệt Linh phải chịu những áp lực vô hình từ vấn đề này. Điều quan trọng nhất là em được sống hồn nhiên như bây giờ, làm những gì em mong muốn, chứ không phải bị "đóng khuôn" trong kỳ vọng của người khác.
Nguyệt Linh trong một buổi học nhiếp ảnh.
"Nguyệt Linh không lên mạng để đọc các thông tin về mình, tôi chỉ kể lại tác động của bức thư cho con nghe để con thấy được kết quả của "công việc". Vì vậy, về cơ bản, toàn bộ "sự kiện" này là 1 niềm vui bất ngờ đến với gia đình tôi và Nguyệt Linh mà không gây ra bất cứ sự xáo trộn "khó chịu" nào cho cuộc sống gia đình.
Nguyệt Linh là 1 cô bé rất bình thường, không có khả năng đặc biệt hay xuất sắc gì cả. Con viết thư gửi tới các trường học cũng chỉ là một hành động rất nhỏ, ý thức bảo vệ môi trường là điều bình thường ở 1 người bình thường, tuy nhiên nhờ có sự giúp đỡ của tất cả mọi người mà câu chuyện mới được biết đến rộng rãi và tạo được hiệu ứng tích cực. Quan điểm về tác hại của bóng bay với động vật là ý tưởng đã được nhiều nhà bảo vệ môi trường phân tích từ trước đó. Con chỉ có ý định thực hiện một điều gì đó trong khả năng con làm được thôi chứ không phải là một điều gì to tát hay vĩ đại" - mẹ cô bé tâm sự.
Bé Nghé với quả bóng đặc biệt chở đầy ước mơ của mình.
Bất kỳ người mẹ nào cũng sẽ tự hào về những việc làm nhỏ hay lớn của những đứa con. Về việc không thả bóng bay trong lễ khai giảng, chị Nguyệt biết rằng sẽ có những ý kiến trái chiều. Tuy vậy, sẽ còn rất nhiều hoạt động thực tế và ý nghĩa khác mà người lớn có thể cùng trẻ nhỏ tham gia. "Gia đình chúng tôi không có bất kỳ kế hoạch to lớn gì, chúng tôi vẫn tiếp tục như bình thường, xây dựng thói quen hạn chế rác thải nhựa hàng ngày, quan tâm đến các sự kiện về môi trường, tham gia tìm hiểu nếu có điều kiện".
Nếu không thả bóng bay trong ngày lễ khai giảng, còn rất nhiều cách khác để con trẻ thể hiện ước mơ của mình. Bé Nghé - một em bé dễ thương khác, đã nghĩ ra ý tưởng cầm quả bóng làm bằng bìa giấy đến buổi lễ khai giảng. Trên đó, em ghi những ước mơ của mình. Quả thật, không thiếu cách sáng tạo để thầy và trò cùng có một buổi lễ khai giảng thực sự ý nghĩa.