Tập cho trẻ đi vệ sinh có lẽ là công việc không thể thiếu trong mỗi gia đình. Thông thường, sẽ không có độ tuổi chính xác để bắt đầu dạy trẻ đi vệ sinh. Điều này phụ thuộc vào thể chất, cảm xúc và ý thức của trẻ. Nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể dựa vào một số dấu hiệu nhận biết như bé đã sẵn sàng “tạm biệt” tã giấy, bé tỏ ra hào hứng với việc ngồi bô… thì có lẽ đã đến lúc cần tập cho trẻ đi vệ sinh.
Riêng với bé trai, cha mẹ cần lưu ý thêm bởi sau khi bé đã đi tiểu ngồi thuần thục thì cần chuyển lên một giai đoạn cao hơn đó là tập cho bé đi tiểu đứng. Hãy dạy bé bắt đầu ngồi tiểu trước, rồi sau đó chuyển qua vị trí đứng. Đây là lời khuyên của rất nhiều bà mẹ áp dụng dạy con trai họ trước khi học đi tiểu đứng. Sau khi bé tiểu ngồi thành thạo thì đây chính là lúc tập cho con đứng tiểu chủ động hơn. Để làm được việc này, cha mẹ cần lưu ý tuân thủ các bước cơ bản và quan trọng sau đây:
1. Nói chuyện để làm cho bé hiểu vì sao con trai đi tiểu đứng
Một trong các dấu hiệu nhận biết bé có thể bắt đầu tập đứng tiểu đó chính là sự sẵn sàng về tâm lý. Liệu bé nhận thức được việc tiểu đứng và ngồi khác nhau như thế nào, bé có hiểu được lí do vì sao cần đi tiểu trong toilet thay vì ngồi bô, liệu bé có chịu ngồi yên và tập trung cho đến khi đi tiểu xong? Chỉ cần trả lời được những câu hỏi này thì cha mẹ sẽ biết được mức độ nhận thức của bé về việc này và đưa ra quyết định tập cho bé đứng tiểu.
2. Tập cho bé động tác đứng tiểu vào đúng vị trí
Việc tập cho bé tiểu đứng vào đúng vị trí sẽ cần đến sự khéo léo và kiên nhẫn của cha mẹ. Bởi một số bé trai ngay cả khi tiểu ngồi cũng có thể làm nước tiểu văng tung tóe ra sàn nhà và dây bẩn ra quần. Vậy nên mẹ hãy tập cho bé cách hướng dòng nước tiểu vào bên trong toilet khi bắt đầu tập đứng tiểu. Một số bà mẹ chia sẻ hãy để một vật nào đó vào bồn cầu và đề nghị bé hướng dòng nước tiểu vào mục tiêu. Việc có một mục tiêu thực tế như vậy là một cách tuyệt vời để dạy bé không đi tiểu lên thành hoặc ra ngoài bồn. Cách đặt ra mục tiêu còn giúp bé nhà bạn thích thú hơn để luyện tập và thực hành ngay cả trong lúc đi vệ sinh.
3. Cho phép bé thực hành và mắc sai sót
Việc đi tiểu đứng là một thách thức rõ ràng cho các bé trai trong việc tự đi vệ sinh một cách chủ động. Mẹ có thể cho con quan sát anh trai hoặc bố để làm ví dụ. Việc quan sát sẽ thúc đẩy bé bắt chước làm theo. Mẹ cũng để bé được tự thực hành từ việc cởi quần, nhắm vào mục tiêu và tự mình xử lý việc đi tiểu. Có thể thời gian đầu bé sẽ chưa thể kiểm soát được và làm văng nước tiểu lên thành hoặc ra ngoài bồn cầu, nhưng không sao, điều đó cho thấy bé đang rất cố gắng và mọi chuyện sẽ ổn sau một thời gian.
4. Kiên nhẫn và giúp con luyện tập thành thục
Đối với trẻ nhỏ, thời gian chính là yếu tố quan trọng giúp bé rèn luyện mọi kĩ năng một cách thuần thục. Thực tế không có một độ tuổi nhất định nào cho việc bé cần biết tự đi vệ sinh. Một ông bố đã chia sẻ rằng cậu con trai lớn của anh đã tập đi tiểu đứng lúc 4 tuổi, còn bé thứ 2 thì tập lúc 3 tuổi. Chính vì vậy cha mẹ cần kiên nhẫn và đợi đúng thời điểm để tập cho bé. Sự kiên nhẫn của cha mẹ và kiên trì tập luyện của con sẽ giúp quá trình tập đi tiểu đứng của bé hoàn thành.
5. Khuyến khích con làm tốt hơn
Một điều cơ bản cha mẹ cần lưu ý đó là không nên tạo áp lực cho con. Thời gian đầu mới tập đi tiểu đứng thay vì ngồi như trước, chắc chắn bé sẽ không khỏi bỡ ngỡ và đi chưa đúng vị trí, làm ướt ra quần. Việc nhắc nhở và động viên liên tục đóng vai trò rất quan trọng đối với những bé trai học đi bô. Sự khích lệ của bố mẹ sẽ giúp bé có thêm động lực và đủ kiên nhẫn để học cách đứng tè trong nhà vệ sinh cho đến khi thuần thục.
6. Dạy bé thói quen vệ sinh khi đi tiểu
Sau khi hoàn tất các thao tác hướng dẫn và tập đứng tiểu, mẹ cần dạy bé về thói quen giữ vệ sinh sạch sẽ và cơ bản, đó là rửa tay và bỏ giấy vào thùng rác. Những thói quen này sẽ củng cố hơn quy trình trước, trong và sau khi đi vệ sinh của bé.
Nguồn: NHS