Chị Lê Thanh Giang (sống tại Đà Nẵng) là mẹ của em bé có biệt danh là Ben. Mỗi dịp Trung thu, bà mẹ trẻ đều cùng con làm rất nhiều loại đèn lồng handmade.
"Điều tuyệt vời nhất mà việc làm đèn lồng này mang lại, không phải là một chiếc đèn thành phẩm lung linh, mà nó là cả quá trình từ khi hai mẹ con cùng nhau lang thang công viên nhặt lá, hoa mang về, tới khi con được tự tay lót từng lớp giấy, lớp hoa, lá, rồi đợi cho chiếc đèn khô. Và một bước cũng khá thú vị là chọc cho bong bóng nổ để lấy chiếc đèn ra và treo lên.
Ngoài ra, chi phí để làm đèn lồng rất ít vì nguyên liệu kiếm quanh nhà, và sau khi chơi xong thì nó hoàn toàn phân hủy vì chỉ có giấy và lá cây.
Việc cho các con tự làm ra những đồ vật như này thay vì đi mua sẵn còn giúp xây dựng sự tự tin ở trẻ, cảm giác "mình có thể làm được" (I can do it!). Điều này rất quan trọng, từng bước giúp trẻ làm được những việc khó hơn, quan trọng hơn sau này", chị Thanh Giang tâm sự về mục đích cùng con làm đèn lồng handmade.
Hiện nay trên thị trường có vô số các đồ chơi Trung thu xinh xắn với loạt mẫu mã đa dạng, đáng yêu. Thế nhưng chị Giang vẫn muốn hướng con đến những điều đặc biệt hơn như bảo vệ môi trường, hoàn thiện các kĩ năng và đặc biệt là dành thời gian riêng cho 2 mẹ con.
Dưới đây là những bước cơ bản để hoàn thành chiếc đèn lồng phiên bản đặc biệt, các mẹ có thể tham khảo nhé.
Mọi việc bắt đầu bằng một buổi chiều dạo chơi công viên nhặt lá, hoa. Thổi 1 quả bóng bay có kích thước phù hợp. Chuẩn bị keo sữa và giấy ăn loại 1 tờ mỏng.
Pha keo sữa với nước. Dùng bọt biển thấm keo sữa lên bóng bay, rồi lót lớp giấy đầu tiên lên quả bóng. Sau đó cho hoa, lá rải rác và xen kẽ các màu lên lớp giấy ăn. Phủ thêm 2 lớp giấy ăn ở ngoài. Và chờ khô chừng 8-10 tiếng.
Sau khi lớp giấy đã khô, cho bé que kim nhọn để chọc bóng
Xỏ dây treo, cho nến điện hoặc đèn trang trí. Thế là đã được một chiếc đèn lồng lung linh, sáng một góc nhà.
Là một người có công việc tự do cũng là một trong số những điều kiện thuận lợi giúp chị Giang có nhiều thời gian cho gia đình và con cái. Chính vì thế, chị trân trọng những khoảnh khắc trong suốt tuổi thơ con, mong con sẽ phát triển tư duy và một số kĩ năng cơ bản.
"Có 3 điều mà mình chú trọng cho con ở độ tuổi này, đó là hiếu kính ông bà cha mẹ, thầy cô, yêu thương mọi người; tận dụng tối đa thời gian con được ở ngoài thiên nhiên để con tự do khám phá, trải nghiệm, thích nghi; tăng cường các hoạt động sáng tạo, thủ công, làm việc nhà để con có cơ hội được sử dụng đôi tay, rèn luyện sự khéo léo, óc quan sát, học về quy trình để làm ra một sản phẩm/ món ăn, đồng thời giảm sự chú ý của con vào các thiết bị điện tử.
Chị Giang cùng con gái trong các chuyến du lịch
Và tất nhiên là trẻ con rất thích khám phá, tò mò, thích được tự tay làm ra các sản phẩm theo ý mình mà không có sự can thiệp của người lớn. Nên con rất thích chiếc đèn lồng này. Gia đình mình rất chú trọng những trải nghiệm ngoài thiên nhiên và thời gian ở bên nhau nên các con thường được bố mẹ cho ra ngoài chơi bất cứ khi nào có thể", chị Giang chia sẻ về phương pháp chăm sóc và nuôi dạy con cái.