Trong thời đại 4.0, điện thoại thông minh đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người. Có thể mục đích sử dụng điện thoại là khác nhau nhưng có một điều không thể phủ nhận là họ không thể rời mắt khỏi điện thoại, ngay cả khi con đang ở bên cạnh.

Và tác hại của việc này ghê gớm như thế nào thì các bố mẹ hãy đọc câu chuyện nhỏ sau đây sẽ hiểu. Đây là câu chuyện của một bà mẹ xin giấu tên, đến từ Trung Quốc. Bà mẹ kể:

"Hôm đó, sau khi đi làm về, tôi nhận được cuộc gọi khiếu nại từ cô Văn - giáo chủ nhiệm của con gái tôi: 'Hôm nay Sang Sang rất kỳ lạ. Khi tôi bảo em ấy đứng dậy để trả lời các câu hỏi, thì em ấy cứ im lặng. Em ấy đã mặc kệ tất cả'.

Con gái tôi vốn là một đứa trẻ rất lịch sự nên những điều cô giáo vừa nói thật sự khiến tôi quá bất ngờ. Tôi khẽ liếc qua nhìn con, nhưng không nhận thấy bất kỳ cảm xúc nào có ở trên đó. Tôi đành phải xin lỗi cô giáo trước: 'Thật xin lỗi cô, tôi không biết tình hình lại như thế. Tôi sẽ nói chuyện với Sang Sang về việc này'.

Sau khi kết thúc cuộc gọi, tôi quay sang nhìn con và cố gắng để hiểu hành vi của con bé. Tôi hỏi nhỏ: 'Cô giáo nói con như thế có đúng không? Có hiểu lầm nào ở đây không? Mẹ biết con không phải là một đứa trẻ bất lịch sự'. Thay vì gân cổ lên cãi như mọi khi, lần này Sang Sang chỉ nhìn tôi mà không nói gì cả. 'Mẹ cần một lời giải thích. Mẹ hứa mẹ sẽ không trách mắng con'. Sang Sang vẫm im lặng. 

Cuối cùng, tôi đành thở dài: 'Khi nào con suy nghĩ xong thì hãy nói cho mẹ biết'.

"Mẹ đã không chơi với con. Mẹ chỉ mải nhìn vào điện thoại" - câu chuyện nhỏ mà bố mẹ nào cũng nên đọc một lần - Ảnh 1.

Cho đến khi bữa tối kết thúc, con tôi vẫn không nói chuyện với mẹ mà đi đến TV xem phim hoạt hình. Tôi ngồi xuống cạnh con và xem phim cùng con một lúc. Khi thấy đã hết phim, tôi kiên nhẫn hỏi: 'Con có thể nói chuyện với mẹ không?'. Con tôi ngân nga theo một điệu nhạc đang quảng cáo trong TV. 'Sao hôm nay con lại không nghe lời cô giáo vậy?', tôi hạ giọng nhẹ nhàng nhất có thể: "Con có chuyện gì buồn à?'. Sang Sang "Ồ" lên theo chương trình TV.

Cảm giác bị bỏ qua quả thật làm tôi rất khó chịu. Tôi đã luôn cố gắng nói chuyện và làm bạn với con, đến nỗi Sang Sang từng nói một cách tự hào rằng những người bạn của con đều ghen tị khi con có một người mẹ tâm lý. Nhưng bây giờ tôi chỉ cần một lời giải thích thì con tôi vẫn làm ngơ. Khi mọi lời nói của tôi đều rơi vào tĩnh lặng, tôi tự hỏi mình có đang quá nhân nhượng với con hay không?

Một ngọn lửa bùng cháy trong tôi. Thế là, tôi đứng dậy, giật lấy điều khiển trong tay Sang Sang, tắt TV và hét lên với con rằng: 'Chuyện gì đang xảy ra với con vậy?'.

Sang Sang giật mình và nhìn chằm chằm vào mẹ với ánh mắt sững sờ, kinh hoàng và đầy đau đớn. Tôi đau lòng khi đọc được những gì trong ánh mắt con nhưng tôi vẫn duy trì sự uy nghiêm của mình, tôi ra lệnh: 'Quay trở lại phòng của con ngay lập tức và hãy suy nghĩ về những gì con đã làm trong ngày hôm nay'. Sang Sang đứng bật ra khỏi ghế sofa, hình bóng của con biến mất sau cánh cửa.

Tôi ngồi phịch xuống trong sự thất vọng, và chồng tôi đã đến vỗ vai và bảo: 'Em nên bình tĩnh lại. Em là người hiểu con gái của mình nhất, em nên tin tưởng con bé'.

Vâng, tôi hiểu Sang Sang nhất. Con không phải là một đứa trẻ bất trị và phải có một lý do gì đó thì con tôi mới cư xử như vậy. Tôi hít sâu một hơi rồi đứng lên viết một vài chữ vào tờ giấy. 'Con ơi, mẹ xin lỗi. Mẹ đã nổi giận với con. Mẹ rất buồn! Mẹ hy vọng con sẽ tha thứ cho mẹ'. Mảnh giấy trượt vào phòng Sang Sang qua khe cửa.

"Mẹ đã không chơi với con. Mẹ chỉ mải nhìn vào điện thoại" - câu chuyện nhỏ mà bố mẹ nào cũng nên đọc một lần - Ảnh 2.

Hai phút sau, cánh cửa mở ra, con gái tôi đứng đó nước mắt lăn dài. Rồi Sang Sang chạy ào vào lòng ôm mẹ vừa khóc vừa giải thích tại sao. Hóa ra, con gái tôi quyết định ngày hôm nay sẽ không nói chuyện với ai dù chỉ một lời xem như thế nào.

- 'Tại sao con lại muốn một thí nghiệm này?', Tôi vỗ nhẹ vào lưng con và hỏi. 

Sang Sang ngước lên nhìn mẹ và hỏi:

- 'Mẹ có thấy thất vọng khi con làm lơ mẹ không?'. Tôi gật đầu.

- 'Khi con xem TV, con không nói chuyện nghiêm túc với mẹ, mẹ có vui không?'.

- 'Không, mẹ cảm thấy rất khó chịu'.

- 'Con cũng thường không vui như thế! Mẹ luôn làm thêm giờ và không có thời gian chơi với con', Sang Sang liền lẩm bẩm. 

- 'Gần đây mẹ bận quá, nhưng mẹ đã đưa con đến công viên vào cuối tuần rồi mà', tôi thở dài.

Đôi mắt con rơi lệ, và khuôn mặt nhỏ nhắn đầy vẻ bất bình: 'Mẹ đã không chơi với con. Khi con ở trên cầu trượt, khi con chơi xích đu, mẹ đều đang mải nhìn vào điện thoại của mẹ'.

"Mẹ đã không chơi với con. Mẹ chỉ mải nhìn vào điện thoại" - câu chuyện nhỏ mà bố mẹ nào cũng nên đọc một lần - Ảnh 3.

Tâm trí tôi bị sẹt qua như bị điện giật. Nghĩ lại, đúng là tôi đã nghiện điện thoại và nó gần như là vật bất ly thân của tôi. Nhiều lần, trong khi con gái đang chơi, tôi đã lấy điện thoại ra xem và đọc tin nhắn. Tôi bỗng nhớ lại khi Sang Sang được 4 - 5 tuổi, tôi đã đưa con đi chơi trong công viên. Con đã có một khoảng thời gian vui vẻ với những đứa trẻ khác, và luôn quay lại cười phấn khích với mẹ. Khi đó, mồ hôi con lấp lánh trong ánh mặt trời, đôi mắt con đầy phấn khích, và khóe miệng con tươi cười vui vẻ. 

Sau này, tôi càng ít chú ý đến con mỗi khi con chạy đi chơi. Sang Sang thường phải chạy đến bên mẹ, nũng nịu và chờ đợi tôi mỉm cười thì con mới nhảy nhót chạy đi như một chú thỏ hạnh phúc.

Nước mắt trào ra, tôi ôm chặt con gái vào lòng. Sang Sang là một đứa trẻ sống tình cảm, con yêu mẹ rất nhiều và mong nhận được sự chú ý của mẹ bất cứ lúc nào. Con mong được chia sẻ với mẹ tất cả mọi cảm xúc của con. Vậy mà, tôi lại nghĩ là con đã lớn và không cần điều ấy nữa. Có lẽ, con gái tôi đã mong chờ tôi rất nhiều lần rồi nhưng tôi luôn bỏ qua.

Tôi chợt hiểu: 'Con đang muốn mẹ nếm mùi bị bỏ quên là như thế nào phải không?'. Sang Sang gật đầu và rụt rè nhìn mẹ. Tôi nắm lấy tay con, ngồi xuống, ngước mắt lên và nói: 'Mẹ đã sai khi chơi với điện thoại di động và đã làm con bị tổn thương. Nhưng nếu lần sau mẹ có làm gì khiến con cảm thấy không vui, con hãy nói chuyện thẳng thắn với mẹ, đừng dùng phương pháp thí nghiệm như thế này nữa nhé'. 

Sang Sang khẽ gật và nói: 'Ngày mai con sẽ xin lỗi cô giáo'. Thế là cuối cùng, cô gái lịch sự của tôi đã trở lại. Và từ đó trở đi, tôi đã quyết định tắt điện thoại trong khi chơi cùng con, để con không còn rơi vào cảm giác bị bỏ rơi nữa".

"Mẹ đã không chơi với con. Mẹ chỉ mải nhìn vào điện thoại" - câu chuyện nhỏ mà bố mẹ nào cũng nên đọc một lần - Ảnh 4.

Có lẽ, đọc câu chuyện này, chắc hẳn bố mẹ nào cũng ít nhiều thấy hình ảnh của mình trong đó. Trên thực tế, có rất nhiều bố mẹ biện minh rằng "tôi xem điện thoại không phải để chơi, tôi đang xử lý công việc, đang kiểm tra mail, đang nói chuyện với khách hàng…". Vâng, không ai cấm bạn không được xem điện thoại khi ở bên cạnh con, nhưng ít nhất, các bố mẹ cũng nên:

Dành con 15 phút mỗi ngày

Bố mẹ chỉ cần dành 15 phút mỗi ngày để chơi với con, tương tác với con một cách trọn vẹn  nhất. Trong khoảng thời gian này, điện thoại, công việc, tin nhắn, email… tất cả đều được xếp lại, ở đây, chỉ có bố mẹ và con cái chơi với nhau.

Cùng nhau làm một việc gì đó

Có nhiều bố mẹ bối rối nói rằng họ không biết làm gì với con cho hết 15 phút đó. Thế thì, hãy cùng con đọc một câu chuyện nhỏ, chơi đồ chơi với con, cùng nhau nghe và nhảy theo một bản nhạc… Tất cả những hoạt động, dù là đơn giản nhất, cũng đủ khiến con vui vẻ, hạnh phúc.

Lắng nghe con nói

"Mẹ đã không chơi với con. Mẹ chỉ mải nhìn vào điện thoại" - câu chuyện nhỏ mà bố mẹ nào cũng nên đọc một lần - Ảnh 5.

Bố mẹ hãy LẮNG NGHE con thay vì chỉ NGHE một cách thờ ơ. Lắng nghe là không phán xét, không đổ lỗi, không miệt thị và không ngắt lời. Đó chỉ đơn giản là sự tập trung nghe con nói một cách lặng lẽ. Và trong quá trình lắng nghe, bố mẹ hãy tương tác với con bằng những cái vỗ vai, chạm vào đầu, nắm tay con, ôm con thay cho những tiếng "ừ hử", "ồ", "thế à" vô nghĩa.

Bất cứ lúc nào điện thoại di động cũng có thể ở bên bố mẹ, nhưng thời gian để chơi với con thì ngày càng ít đi. 

Có thể bố mẹ không tin nhưng rõ ràng bất cứ lúc nào bạn cũng có thể mua và sử dụng điện thoại, ngay cả khi bạn đã già. Nhưng con bạn chỉ cần bố mẹ chơi với con trong những năm tháng thời thơ ấu. Bởi càng lớn, trẻ càng có nhiều mối quan tâm hơn như bạn bè, chuyện học hành, rồi người yêu, công việc… Lúc đó, cho dù bố mẹ có muốn quan tâm con, trẻ cũng đã không còn thời gian dành cho bạn.

Vì vậy, xin các bố mẹ hãy bỏ điện thoại xuống khi chơi với con.

Nguồn: Aboluowang