Chị Lan (Hà Đông, Hà Nội) làm công nhân trong một xưởng may trong thành phố. Cuối năm ngoái do tình hình tài chính công ty gặp khó khăn phải cắt giảm nhân sự, chị Lan kém may mắn nằm trong danh sách những người buộc phải nghỉ việc khiến thu nhập của gia đình rơi vào tình trạng khó khăn.
Chị kể: "Hôm cầm quyết định nghỉ việc, nhận 2 tháng lương trợ cấp của công ty mà mình buồn và hoang mang lắm. 2 con mình đang trong độ tuổi ăn học, nếu để kinh tế dồn cả cho chồng gánh sẽ là quá tải với anh ấy nên mình không cho phép bản thân ngồi yên cam chịu mà phải nghĩ mọi cách làm ra kinh tế.
Vào mạng, thấy chị em buôn bán online nhiều, mình liền nghĩ ra sẽ làm bánh gai bán. Quê mình ở Hải Dương, có truyền thống làm bánh gai. Ngày còn ở nhà mình đã học được kinh nghiệm làm bánh của bố mẹ. Trước khi có dịch, thi thoảng có thời gian mình vẫn làm cho chồng với các con ăn nên giờ làm bán mình thấy cũng đơn giản.
Nghĩ là làm, ngay sau khi nghỉ việc mình bắt tay vào làm bánh luôn. Ban đầu mình làm ít, gọi là để thăm dò thị trường, chủ yếu bán cho hàng xóm, người quen, bạn bè. Không ngờ mẻ bánh đầu tiên của mình nhận được phản hồi rất tốt. Ai ăn cũng thích, đặt thêm mình làm.
Sau dần mình bắt đầu làm nhiều hơn rao bán trong các nhóm chợ mạng, khách đặt tăng lên trông thấy khiến mình càng có thêm động lực".
Chị Lan cho biết, nhiều người nghĩ bánh gai khó làm nhưng thực chất cũng khá đơn giản. Nguyên liệu làm bánh gồm: Bột gạo nếp nghiền, bột sắn nghiền nhỏ, lá gai, đỗ xanh, dừa khô nạo, thịt mỡ lợn, vừng rang, lá chuối khô rửa sạch, dây dơm (rạ – thân cây lúa phơi khô) hoặc dây chuối khô, dầu ăn, tinh dầu bưởi.
Đầu tiên là sơ chế lá gai. Thời gian đầu chị dùng lá gai tại vườn nhà chị nhưng sau làm số lượng nhiều, không đủ lá chị phải gọi về quê nhờ bố mẹ hái lá chuyển lên cho chị.
Lá gai đem xé làm đôi, tước bỏ phần sống lá, phần xơ lá rồi đem rửa thật sạch cho hết đất cát, sau đó để ráo nước rồi trút vào nồi luộc cho mềm nhừ mới vớt ra, lại để ráo nước. Đợi lá nguội hết thì bỏ vào máy xay sinh tố xay nhuyễn mịn (hoặc có thể cho vào cối để giã nát). Dùng rây lọc lấy nước cốt lá gai, bỏ phần bã.
Bột gạo nếp với bột sắn trộn đều, thêm đường, nước cốt lá gai vào, tiếp tục trộn cho bột ướt. Sau đó dùng tay nhào bột thật đều, nhào thật kỹ cho đến khi bột mềm dẻo và tạo thành khối đặc quánh.
Đậu xanh ngâm nước trước khi làm bánh 2 – 3 tiếng cho đậu nở mềm, tới lúc làm sẽ đem rửa sạch lại, cho vào nồi hấp chín rồi xay hoặc giã nhuyễn.
Mỡ heo luộc chín, sau đó cắt hạt lựu nhỏ, cho vào xoong trộn đều với đường đến khi mỡ heo chuyển từ màu trắng sang trong, đường tan thành nước thì bỏ phần nước đường, lấy phần mỡ để làm nhân bánh.
Nhân bánh được làm từ mỡ heo, đậu xanh xay nhuyễn, thêm dừa nạo, tinh dầu bưởi, đường trộn đều rồi nắm lại thành từng nắm nhỏ.
Khi đã chuẩn bị hết các bước trên, chị Lan gọi 2 con của mình xuống nặn bánh cùng mẹ cho nhanh cũng là để các con hiểu về món bánh truyền thống của quê ngoại.
Bánh gai được gói bằng lá chuối khô rửa sạch, trần qua nước sôi cho mềm, tạo hương vị thơm ngon của bánh.
Bánh chị Lan làm cẩn thận từ nguyên liệu tới khâu chế biến nên được khách rất tin tưởng đặt hàng: "Khách ăn quen có khi 1 tuần đặt mình 2, 3 lần. Mỗi lần 3, 4 chục chiếc. Không chỉ gia đình họ ăn mà còn tiện đặt cả cho hàng xóm với người quen của họ. Tính ra trung bình 1 ngày mình cũng chốt được 25 đến 30 đơn tương đương với khoảng 300 chiếc bánh. Giao hàng thì mình gọi ship, khách sẽ tự thanh toán.
Trừ mọi chi phí đi, một ngày mình kiếm được khoảng 350 nghìn tiền lời, trong đó mình sẽ chia 200k để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, giữ lại khoảng 150k tiết kiệm dự phòng.
Nói chung mình nghĩ bán hàng cứ có tâm một chút, hàng mình làm thật từ chất lượng nguyên liệu tới vệ sinh an toàn thực phẩm. Lúc nói chuyện với khách cởi mở, nhẹ nhàng là khách nào cũng sẽ ưng và ủng hộ mình.
Hiện mình đang làm hồ sơ xin đi làm ở công ty khác, có điều dù sau đi làm trở lại rồi mình vẫn duy trì làm bánh gai bán vì công việc này mình đã quen, thấy đơn giản, có thể tranh thủ vào buổi tối, cuối tuần mà lại kiếm thêm thu nhập nuôi con", chị Lan vui vẻ chia sẻ.