Đồng hồ điểm 12 giờ đêm, mẹ tôi đang nằm trên giường truyền hóa chất, tiếng thở khe khẽ, mệt nhoài. Tôi đâu có ngờ lại có cơ sự ngày hôm nay. Mẹ tôi bị ung thư xương. Thông tin này đã gây chấn động cho tôi, cho cả gia đình khi nghe lời kết luận cuối cùng của bác sĩ.
Mẹ tôi 58 tuổi, làm thuần nông. Tuy không còn trẻ khỏe, hàng ngày bà vẫn ra đồng, chăm chỉ làm vườn, chăm con gà con lợn. Chăm chỉ lao động hàng ngày theo sức, mẹ tôi cũng duy trì lối sống lành mạnh, đi ngủ sớm, dậy sớm và ăn đồ ăn thức uống tại gia là chính.
Thế nhưng mẹ tôi lại bị ung thư xương!
Mọi chuyện bắt đầu từ những cơn đau nhức khi trái gió trở trời và những lần vấp ngã do mất thăng bằng đến khó hiểu. Nửa năm trở lại đây, mẹ liên tục kêu đau nhức xương rồi lại tự an ủi chính mình và trấn an con cái "Già rồi nên người yếu thật, hay đau nhức quá". Tôi làm điều dưỡng dưới thành phố, nghe mẹ than vãn cũng gật gù. Chắc chỉ là do trái gió trở trời thôi. Người già mà, mấy chuyện này âu cũng là điều khó tránh.
Thế rồi tôi cứ nghe mẹ than vãn đau nhức như một thói quen. Mỗi lần như vậy, mẹ tôi lại đi mua thuốc giảm đau để uống cho qua cơn. Cản thì bà phải chịu cơn đau suốt đêm, tôi cũng không đành lòng, chỉ biết nhắc mẹ liên tục: "Mẹ đừng ra đồng nữa", "mẹ đừng ra vườn nhổ cỏ làm gì"... Biết mẹ mình nghe xong để ngoài tai, thôi thì phận làm con, sốt ruột lắm, tôi chỉ biết thường xuyên nhắc nhở mẹ và mong cơn đau sẽ ngày càng ít đi, không còn hành hạ mẹ nữa.
Mọi chuyện không như tôi nghĩ. Những cơn đau của mẹ vẫn đến liên tục nhưng mẹ lại giấu, bảo thi thoảng mới đau. Thôi thì chắc tuổi cao sức yếu. Tôi vẫn tự cố trấn an bản thân mình qua cách thể hiện lạc quan tinh thần của mẹ.
3 tháng sau đó, vì dịch Covid-19, tôi không thể về nhà hàng ngày nữa, công việc bệnh viện bận rộn làm tôi bẵng đi, quên mất chuyện cái chân bị đau của mẹ. Tối đầu tiên tôi trở về nhà sau nhiều ngày sống tại bệnh viện, mẹ tôi tâm sự dạo này bà hay bị đau chân kèm theo vấp ngã không lý do. "Đang đi đường bằng phẳng, dép cũng chẳng xỏ trái lộn ngược gì, tôi ngã bổ nhào ra sân, chả ra làm sao, già rồi lắm chuyện chả hiểu nổi", bà nói xong cười ha hả. Tôi nghĩ, chắc lại cơn đau cũ của tuổi già sức yếu, cộng thêm quáng gà, nhìn không rõ dẫn đến vấp ngã chăng...
2 tuần sau, mẹ gọi điện khi tôi đang trong ca trực. Giọng mẹ tôi thều thào, mệt mỏi: "Hạnh ơi, mẹ mấy nay đau nhức chân quá, đi cứ vấp ngã luôn, mà hình như dưới lòng bàn chân mọc cái cục gì to to lạ lắm". Tôi nghe như sét đánh ngang tai. Bấy lâu nay, tôi vẫn nghĩ mẹ mình chỉ bị đau nhức, rồi vấp ngã bình thường, đâu có ngờ đến tình trạng này.
23 giờ đêm hôm ấy, tôi về đến nhà và ngay lập tức tìm mẹ. Mẹ tôi nằm trên giường rên rỉ trong cơn đau nhức. Nhìn xuống dưới lòng bàn chân, đúng là có cục u lồi hẳn ra. Cầu trời khấn phật, tôi mong mẹ không bị sao, mong rằng đó chỉ là u lành tính. Mong rằng ngày mai khám bệnh, bác sĩ sẽ nói những điều như mình muốn.
Chẳng có phép nhiệm màu nào cho mong ước của tôi. Sáng hôm sau, tôi đưa mẹ đi chụp X-quang, tiến hành chọc sinh thiết. Bác sĩ kết luận mẹ tôi bị "ung thư xương, thời gian không còn nhiều". Tai tôi ù đi, đôi mắt nhòa dần. Tôi quá chủ quan với những cơn đau, với những lần vấp ngã không lý do ấy nên mới dẫn đến cơ sự này. Phải chăng tôi nên đưa mẹ đi khám sàng lọc ngay khi mẹ kêu đau chân? Phải chăng tôi nên đánh giá đúng hơn những lần vấp ngã không lý do của mẹ? Phải chăng tôi chú ý hơn tới sức khỏe của mẹ thì đâu đến cơ sự này.
Đau lòng mà không thể khóc trước mặt mẹ, tôi cấm tiệt cả nhà không ai được nói mẹ bị ung thư xương. Chỉ cần nghe ung thư thôi, tôi biết bà sẽ suy sụp đến nhường nào.
Đồng hồ điểm 12 giờ đêm rồi. Mẹ tôi hôm nay cũng vừa bắt đầu trải qua đợt truyền hóa chất đầu tiên. Tôi mong mẹ sẽ có những đêm ngủ ngon, ngủ thật ngon...
Còn tôi, tôi hối hận lắm! Mẹ đã bảo tôi là bà có dấu hiệu đi lại không vững, mất thăng bằng dễ ngã, là một điều dưỡng, cũng có kiến thức vậy mà chỉ vì vô tâm, vì vòng xoáy công việc mà tôi quên mất rằng đó cũng là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh ở người già.
Các nghiên cứu đã xác định được 30 loại nguyên nhân gây ngã. Những lý do khiến người cao niên bị ngã thường được đề cập đến là mất thăng bằng, thời tiết, sơ ý, điều kiện y tế, chướng ngại vật trong nhà hay bên ngoài, chóng mặt, yếu cơ.
Bên cạnh đó, có rất nhiều loại thuốc có thể gây ra té ngã với nguy cơ từ thấp đến cao. Người lớn tuổi do có nhiều bệnh mãn tính thường phải dùng thuốc kéo dài. 80% người cao tuổi có sử dụng thuốc theo toa hàng ngày.
Một số bệnh lý đặc trưng ở nhóm tuổi này dẫn đến tình trạng mất thăng bằng, dễ ngã bao gồm:
- Cứng khớp, co cứng cơ, yếu cơ, giảm hoặc mất cảm giác. Thoái hóa khớp là một trong những bệnh phổ biến thường gặp ở người cao tuổi, gây cản trở hoạt động của khớp và kèm theo đau, biến dạng khớp.
- Yếu cơ cũng là một trong những tình trạng phổ biến, do các cơ ít vận động gây giảm độ cao và chiều dài của bước chân, giảm tốc độ và mất tính ổn định.
- Tai biến mạch máu não và parkinson là nguồn gốc của những bất thường có ảnh hưởng đến dáng đi như yếu cơ, co cứng cơ, run, giảm cảm giác và nhận thức bản thể.
Bệnh lý tim mạch: như hạ huyết áp tư thế, hạ huyết áp sau ăn, rối loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền,... khiến cho người bệnh cảm thấy chóng mặt khi thay đổi tư thế, nhất là khi đứng lên đi lại.
Ngã có thể dẫn tới tử vong do chấn thương nặng như chấn thương sọ não, gẫy cổ xương đùi hoặc tử vong trong thời gian nằm viện do các biến chứng huyết khối tĩnh mạch chi dưới, nhồi máu phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi... 25% bệnh nhân tử vong trong những năm tiếp theo lần ngã đầu tiên.
Để kiểm tra ông bà, cha mẹ bạn có nguy cơ cao bị ngã hay không, hãy giúp họ làm bài trắc nghiệm TẠI ĐÂY.