Mình đi dạy cho các bạn nhỏ chủ yếu là dạy tiếng Việt, chơi các trò chơi về tiếng Việt. Nhưng thỉnh thoảng mình cũng đố vui về Toán.
Ví dụ mình sẽ hỏi các bạn mới vào lớp 1 phép toán: 9 + 8 bằng bao nhiêu?
Điều kiện là mỗi bạn sẽ lên nói thầm kết quả vào tai cô.
Các bạn có vẻ thích trò nói thầm ấy nhất. Ai cũng nhanh chân chạy lên để thì thầm.
Có bạn sẽ nói ngay được kết quả. Có bạn giơ các ngón tay, ngón chân lên đếm.
Xong xuôi, mình mới hỏi những câu hỏi như sau:
Q1: Làm thế nào để 9 thành 10? (thêm 1). Vậy ta mượn 1 của 8.
Q2: Khi ta mượn 1 của 8 thì 8 còn mấy? (Còn 7)
Q3: Vậy 10 + 7 bằng bao nhiêu?
Đến đây thì bạn nào cũng trả lời được rồi.
Nhưng mình sẽ hỏi tiếp: Có ai có cách nào khác không?
Ví dụ, mình không mượn cho 9 mà mượn cho 8 để thành 10.
Q1: 8 cần mượn thêm mấy để thành 10? (2)
Q2: Khi ta mượn 2 của 9 thì còn mấy? (7)
Q3: Tiếp tục ta sẽ làm thế nào? (lấy 10 + 7)
Mình sẽ khen các bạn là rất cố gắng. Giờ thì mình sẽ đố với một con số to bự:
367 + 98 bằng bao nhiêu?
Chà, số này to ghê. Các bạn bắt đầu bối rối. Và mình sẽ hỏi.
Q1: Làm thế nào để 98 có thể thành 100 (mượn 2) của 367
Q2: Khi mượn 2 thì 367 còn bao nhiêu? (365)
Q3: Giờ ta làm tiếp thế nào? (lấy 365 + 100= 465)
Như vậy ở bài này nếu chọn 367 là số đi mượn để thành số tròn trăm thì rất khó, ta chọn số 98 cho đơn giản.
Bây giờ lại là một phép tính hack não đây này: 412 - 186 = ?
Với các bạn lớp 1 thì thực sự rất khó nhưng mình sẽ làm như sau nhé.
Q1: Làm thế nào để 186 thành 190? (Thêm 4) - ghi số 4
Q2: Làm thế nào để 190 thành 200? (thêm 10) – ghi số 10
Q3: Làm thế nào để 200 thành 400? (thêm 200) - ghi 200
Q4: Làm thế nào để 400 thành 412? (thêm 12) – ghi 12
Như vậy để 186 thành 412 cô đã lần lượt phải mượn: 4 + 10 + 200 + 12
Đến đây thì chúng ta làm được rồi đúng không nào. Và như vậy, 186 cần mượn 226 để được thành 412. Nghĩa là 412 - 186 = 226
Chị Phan Hồ Điệp
Mình còn có thể biểu diễn bằng sơ đồ cho các bạn nữa. Ôi các bạn vui lắm, như kiểu một “phát minh”.
Xong mình còn động viên: Ai mà có thể đoán biết được trong số các con ngồi đây sẽ là một nhà toán học tương lai cơ chứ?
Các bạn biết không, những gì mình làm là ví dụ vô cùng đơn giản của phương pháp Gợi hỏi - phương pháp tận dụng trên những thứ đã biết của học sinh để tìm ra cái chưa biết.
Câu hỏi sẽ thay đổi liên tục để các bạn sẽ tò mò, sẽ cảm thấy thử thách.
Vài nét về tác giả
Chị Phan Hồ Điệp (sinh năm 1975) là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ về cách nuôi dạy con trai - "thần đồng" Đỗ Nhật Nam - người được biết đến với bảng thành tích đáng nể: Tổng biên tập tờ báo Creative Melange (tờ báo tuổi Teen của Đông Nam Á), kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất và là tác giả nhiều cuốn sách "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào", "Những con chữ biết hát", "Bố mẹ đã cưa đổ tớ"...
Cùng xem thêm những bài viết của chị Phan Hồ Điệp Tại đây.