Người ta vẫn bảo "cá chuối đắm đuối vì con" quả không sai. Có sinh đẻ rồi mới hiểu được nỗi lòng cha mẹ, cuộc đời giông bão đến đâu cũng sẵn sàng xòe lông gãy cánh để bảo bọc che chở cho con, hy sinh tất cả để con được no đủ hạnh phúc.
"Bà ngoại đi ăn cỗ, chỉ ăn linh tinh ít rau còn thịt lấy phần về cho cháu xong đạp xe lên đưa.
Sợ nhà chồng nói này nọ, còn phải gói vào cái áo len lén mang vào cho con. Thấy thương mẹ quá. Bảo mẹ sao không để mà ăn, con mua cho cháu được rồi. Thì mẹ bảo không, mẹ ăn no rồi.
Vậy mà nhiều lúc cứ cãi mẹ làm mẹ buồn. Thấy hối hận lắm".
Tấm lòng của mẹ già gói gọn trong những miếng ngon mẹ lén giấu trong áo len mang cho con gái.
Chiếc đĩa vỏn vẹn con chim cút nhỏ, 4 con tôm với mấy miếng thịt gà, nhưng đều là những miếng ngon nhất, tôm còn bóc vỏ sẵn cẩn thận. Nhìn mà ứa nước mắt xót xa...
"Vậy mới nói đi khắp thế gian không đâu bằng tấm lòng cha mẹ".
"Bao dung nhất là mẹ, ấm áp nhất cũng là mẹ, cho dù mẹ đói khổ cũng vẫn dành hết những gì tốt đẹp nhất cho con cháu".
"Bố mẹ mình cũng giống y như vậy, đi chơi đâu cũng mua quà cho con cháu, chiều nào cũng tạt qua nhà chồng để gửi đồ ăn đồ chơi, quần áo đồ dùng cho con".
"Mẹ mình ở quê tuần nào cũng gửi cả thùng thức ăn, gạo muối, hoa quả lên, bà hay đau khớp đau đầu, bảo không cần phải cực nhọc làm thế nhưng bà vẫn cứ cặm cụi gửi đều mỗi cuối tuần. Lần nào nhận thùng hàng xong mình cũng ngồi một góc khóc, nhớ mẹ mà không dám gọi, sợ nghe giọng mẹ yếu ớt lại buồn, thương mẹ nhiều hơn".
Chẳng ai tốt với mình vô điều kiện bằng đấng sinh thành, phải không chị em? Có đi làm dâu nhà người rồi mới thấu, cha mẹ có mắng mỏ trách móc cũng chỉ muốn tốt cho mình, vì thương yêu nên mới dạy dỗ con cái như thế. Còn những người không phải máu mủ ruột thịt, ăn cơm chưa chắc đã để phần miếng ngon miếng no, nói năng cũng chưa chắc đã nhẹ nhàng tình cảm bằng bố mẹ ở nhà. Vậy nên, đừng bao giờ làm bố mẹ phiền lòng khổ tâm, hoặc cư xử thiếu suy nghĩ, đến khi gặp cảnh như nàng dâu trẻ ở trên, mới thấy mặn chát cả khóe môi...