Một ngày giữa tháng 4/2019, bé Lê Nguyễn Quỳnh Anh (9 tuổi) được cha mẹ đưa từ Cần Thơ vào một bệnh viện tại TP.HCM trong tình trạng li bì, sốt cao, đau nhiều vùng thắt lưng lan xuống chân phải mặt ngoài đùi và không thể đi lại được.
Bé Quỳnh Anh.
Mẹ gõ cửa 4 bệnh viện cứu con
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Huệ (mẹ bé Quỳnh Anh), hai tuần trước đó trong lúc đùa giỡn không may bé bị té va cột sống vào cạnh bàn. Sau té khoảng 2-3 ngày bé bắt đầu than đau vùng thắt lưng.
Gia đình đã cho em đi khám tại một bệnh viện ở Cần thơ. Sau khi chụp X-quang cột sống, các bác sĩ xác định cột sống bé bình thường và điều trị với thuốc giảm đau.
Ảnh chụp MRI cột sống thắt lưng cho thấy có viêm phù tủy xương thân sống L3-L4.
Thế nhưng dù dùng thuốc nhưng bé không đứng thẳng lưng lên được, đi lại khó khăn và bắt đầu sốt cao 2 ngày sau đó.
Gia đình quá lo lắng nên đã đưa em khám và nhập viện tại một bệnh viện chuyên khoa cột sống. Với chẩn đoán đau lưng chưa rõ nguyên nhân, các bác sĩ chỉ điều trị với thuốc giảm đau và kháng viêm.
Sau 4 ngày nhập viện điều trị tại đây, tình trạng bệnh nặng dần, bé sốt cao liên tục 40 độ và đau dữ dội. Quá sốt ruột, chị Huệ đã xin xuất viện và đưa con đi khám tại một bệnh viện khác tại TP.HCM.
Bệnh nhi được các bác sĩ cho chụp MRI cột sống thắt lưng và uống thuốc theo toa 2 ngày. Nhận thấy tình trạng con mình không thuyên giảm với điều trị, một lần nữa chị Huệ lại xin xuất viện.
Mẹ bé (Bên ngoài bìa trái) đến cầu cứu bệnh viện thứ tư trong hai tuần lễ.
Tại bệnh viện thứ tư nằm ở quận Bình Tân (TP.HCM), qua tổng hợp bệnh sử, thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ ghi nhận bé có hội chứng nhiễm trùng, xét nghiệm máu bạch cầu và CRP tăng cao; đau dữ dội thắt lưng...
Tiến hành chụp MRI cột sống thắt lưng có tiêm thuốc tương phản từ cho thấy có viêm phù tủy xương thân sống L3-L4 lan ra cơ bên phải. Bệnh nhân còn bị phù nề cơ, tụ dịch ở dây chằng.
Với chẩn đoán viêm cấp tính thân sống đĩa đệm L3-L4 do vi trùng (Spondylodiscitis), các bác sĩ đã quyết định điều trị nội khoa tích cực với kháng sinh phổ rộng, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt, nâng đỡ tổng trạng.
Chỉ sau 24 giờ điều trị, tình trạng lâm sàng cải thiện rõ rệt. Bé hết sốt, bớt đau, đã ngồi dậy và đứng lên được, ăn uống khá hơn.
5% người bị viêm thân đốt sống đĩa đệm tử vong
ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân, người điều trị cho bé Quỳnh Anh chia sẻ, viêm thân sống đĩa đệm là bệnh lý hiếm gặp. Trong giai đoạn chưa có MRI, một nghiên cứu về tần suất xuất hiện viêm thân sống đĩa đệm chỉ vào khoảng 1:250 000 dân số.
Viêm thân sống đĩa đệm có thể gây ra do những mầm bệnh khác nhau từ vi trùng thường đến vi nấm và vi trùng lao. Việc xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhiều khó khăn vì tổn thương sâu khó lấy bệnh phẩm nếu bệnh nhân không được điều trị ngoại khoa.
Viêm thân sống đĩa đệm thường gặp thứ phát sau chấn thương hay phẫu thuật vùng cột sống hoặc thứ phát sau nhiễm khuẩn huyết. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nhiều biến chứng thần kinh quan trọng gây nguy hiểm đến tính mạng có thể xảy ra do nhiễm trùng lan rộng vào ống sống bao gồm viêm tủy xương, áp xe màng tủy...
Sau 10 ngày điều trị bé Quỳnh Anh đã hồi phục hoàn toàn.
"Tỷ lệ tử vong do viêm thân sống đĩa đệm là khoảng 5%. Tùy theo độ tuổi và cơ địa bệnh nhân, ngoài vi trùng lao và vi nấm, các vi khuẩn sau đây thường gặp gây viêm thân sống đĩa đệm: Staphylococus aureus, Kingella kingae, Streptococcus, Gram - negative rods, Brucela spp…" - bác sĩ phân tích.
BS Mỹ Vân khuyến cáo, người bệnh nên đi khám sớm tại các bệnh viện có chuyên khoa Nội-Ngoại thần kinh khi có biểu hiện đau lưng kèm theo tê hoặc dị cảm lan xuống mông hay 2 chân, nhất là khi có sốt cao đi kèm.
Hiện tại, sau 10 ngày điều trị bé Quỳnh Anh đã hồi phục hoàn toàn, đi lại, ăn uống, sinh hoạt bình thường.