Chị Hồ Hoài Thương (hiện 33 tuổi) đang là chủ cửa hàng bán đặc sản Tây Bắc tại Hà Nội. Chị Thương đã có 10 năm kinh nghiệm trong việc kinh doanh. Tự nhận bản thân là một người không thích small talk (tức là những mẩu hội thoại ngắn với người khác), chị cũng ít khi buôn chuyện hay bình luận vu vơ trên mạng xã hội.

"Dù mình đang bán hàng, cả offline và online đồ đặc sản Tây Bắc thì cũng không thích online điện thoại nhiều, cảm thấy đau mắt và căng đầu. Thậm chí là khá chán khi phải online liền vài giờ thay vì hào hứng như mọi người khác. Mình thích sống tối giản, hướng nội, vui vẻ với những điều giản dị.

Nên khi phải lựa chọn bán hàng online thay vì offline trong mùa dịch, mình đã luôn nghĩ cách để "bán hàng online mà không phải online suốt ngày". Nay cũng tạm thấy có chút kết quả nên chia sẻ với các bạn, mong càng ngày càng thêm cách ít phải online hơn, đặc biệt là với những người bận rộn", chị Hoài Thương chia sẻ thêm.

Và dưới đây là 4 cách chị Hoài Thương áp dụng để bán hàng online mà không phải online suốt ngày hiệu quả.

1. Bạn không cần phải bán hàng cho tất cả mọi người

Bán online đặc sản Tây Bắc, mẹ đảm Hà Nội chỉ 4 "bí kíp" không cần cầm điện thoại cả ngày vẫn ra đơn hiệu quả - Ảnh 2.

Nếu thấy khách hàng lệch tập, thời gian phục vụ mất quá nhiều công sức và làm mất tập trung thì chị Hoài Thương sẽ mạnh dạn khéo léo từ chối khách hàng.

9 người 10 ý, nên chị Hoài Thương nghĩ mình không thể phục vụ hết tất cả mọi người. Nên để tiết kiệm thời gian và bán hàng online hiệu quả thì chị khoanh vùng đúng đối tượng khách hàng tiềm năng với các hành vi gần tương tự nhau.

Điều này giúp chị Thương chỉ cần chuẩn bị vài nội dung content và chọn kênh bán phù hợp rồi tập trung đầu tư, thay vì phải dàn trải đủ kiểu content, đủ kênh cho đủ nhóm khách hàng. Nếu thấy khách hàng lệch tập, thời gian phục vụ mất quá nhiều công sức và làm chị mất tập trung thì sẽ mạnh dạn khéo léo từ chối khách hàng.

2. Làm sao để khách hàng ít phải hỏi nhất có thể

Thời gian online nhiều nhất của các shop chủ yếu để trả lời các câu hỏi của khách hàng. Sản phẩm, thanh toán, ship… là những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất. Chính vì thế, chị Thương luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng, là người mới ghé qua page/shop, làm sao để đọc được các thông tin cần thiết nhanh nhất, dễ hiểu nhất.

Chị Thương sẽ điền đủ các trường thông tin, viết bài content có tổ chức ý cho ngắn gọn, rõ ràng, chèn chữ vào ảnh, làm infographic… Với chị thì chừng nào vẫn còn những câu hỏi của khách hàng lặp lại thì chừng đó chị vẫn cần sắp xếp thông tin.

Khách hàng không chịu đọc mà cứ thích hỏi thì chị Thương sẽ gửi đường link đến các trường thông tin đó cho khách đọc. Khách hàng tiếp cận được thông tin có tổ chức cẩn thận bao giờ cũng dễ hiểu, dễ nhớ hơn các đoạn chat dài dòng, miên man.

3. Làm sao để ít mất công vận hành nhất có thể

Bán online đặc sản Tây Bắc, mẹ đảm Hà Nội chỉ 4 "bí kíp" không cần cầm điện thoại cả ngày vẫn ra đơn hiệu quả - Ảnh 4.

Đã là làm kinh doanh thì theo chị Thương mỗi hành vi đều phải tính toán dùng được lâu dài hay không, sẽ đỡ phải lặp đi lặp lại thao tác giống nhau. Với chị Thương thì viết 1 bài content đủ ý, đủ hấp dẫn để được tương tác liên tục trong vài ngày còn tốt hơn ngày đăng mấy bài.

Còn đối với các việc lặp đi lặp lại thì chị sẽ khái quát thành quy trình, quy chuẩn. Dù chỉ có mình làm thì quy trình hóa cũng khiến trong đầu của chị đỡ phải nhớ nhiều hoặc khi mệt mỏi cũng không quên được những điểm quan trọng nhất trong quy trình.

4. Tập cho khách hàng biết rằng chủ cửa hàng sẽ không online thường xuyên

Chị Thương thường đặt giờ làm việc cố định rõ ràng, cụ thể là mấy giờ bắt đầu và mấy giờ kết thúc để khách hàng biết khung thời gian mà chị và shop có thể online.

Chị cũng không trả lời ngay mọi tin nhắn của khách hàng để tránh khiến khách hàng quen với điều đó. Vì tâm lý quen đó sẽ khiến khách háo hức chờ đọc thông tin phản hồi hoặc sốt ruột khi cửa hàng không trả lời ngay trong vòng vài phút đến vài tiếng được.

"Tất nhiên để được khách hàng chờ như vậy thì mình và cửa hàng cũng đã cần có một chỗ đứng, uy tín với khách hàng nhất định về sản phẩm, quy trình. Điều này giúp họ tin tưởng và biết là mình sẽ xử lý thông tin sớm và hiệu quả nhất rồi", chị Hoài Thương chia sẻ.

Cửa hàng và người bán cần có uy tín với khách hàng về sản phẩm, quy trình để khách hàng chịu chờ đợi dù biết bạn sẽ không online thường xuyên.

Trên đây là 4 điều mà chị Hoài Thương muốn chia sẻ về việc bán hàng online "tối giản". Hiện tại với 4 cách làm này đều giúp chị cân bằng được cuộc sống của 1 người hướng nội, thích đọc sách và bán hàng online tương đối hiệu quả.

"Những khách hay giục mình “nhanh nhanh lên”, “ngay và luôn” thì hoặc là bình tĩnh và không giục mình nữa, đợi mình xử lý công việc theo đúng quy trình, hoặc là rời đi luôn không quay lại mua nữa. Với mình không phải phục vụ những khách hàng “lệch tập”, gây mệt mỏi và mất thời gian thì tốt hơn gồng gánh, nên mình rất vui vẻ và hài lòng", chị Thương chia sẻ thêm.

Ảnh: NVCC