Không ít các bậc phụ huynh thừa nhận rằng việc gia đình có đông con là vì họ liên tục bị "nhỡ'' hay ''vỡ kế hoạch''. Với các mẹ sinh mổ, đặc biệt là mổ đến lần thứ 3 ít nhiều gây ra những nguy hiểm cho sức khoẻ của bản thân, chính vì vậy một số bà mẹ hiện đại ngày nay đã tìm đến phương pháp triệt sản để tránh hoàn toàn việc có thai ngoài ý muốn.
Chị Thu Hà (sống tại Hà Nội) vừa sinh mổ em bé thứ 3 đã có những review về trải nghiệm triệt sản ngay trên bàn mổ. Bà mẹ 3 con có nguyện vọng này từ lúc khám thai và may mắn ca mổ đã diễn ra thành công.
"Thực ra đây là lần sinh mổ thứ 3 của mình rồi, việc triệt sản để đảm bảo cho sức khoẻ và sẽ không có lần ''nhỡ'' nào xảy ra tiếp theo. Về các biện pháp phòng tránh thai có rất nhiều lựa chọn cho các mẹ, tuy nhiên với bản thân mình thì việc cấy que, tiêm hay đặt vòng đều có một số tác dụng phụ nhất định, chưa kể nếu không hợp thuốc hoặc không hợp vòng thì sẽ mất thời gian lấy ra.
Đó chính là nguyên nhân mà mình có nguyện vọng triệt sản ngay trên bàn mổ. Bên cạnh đó, khi đang mổ thì quá trình triệt sản cũng dễ dàng hơn so với bình thường. Nhiều mẹ vẫn đang hiểu lầm về việc triệt sản này. Thực ra chỉ đơn giản là bác sĩ thắt ống dẫn trứng ngăn quá trình làm tổ thôi, còn lại cơ thể, chu kỳ kinh nguyệt hay bất kỳ vấn đề gì khác đều hoàn toàn bình thường nên với những ai có ý định triệt sản trên bàn mổ đẻ như mình thì đều có thể yên tâm'', chị Hà tâm sự.
Con gái thứ 3 đáng yêu của chị Hà.
Trước đó, trong thai kỳ lần thứ 3, bà mẹ 3 con gặp phải khá nhiều khó khăn vì ngôi thai ngược và mắc tiểu đường thai kỳ. Vào tuần thứ 27, chị Hà phát hiện mắc căn bệnh này khiến chị vô cùng lo lắng. Để đảm bảo sức khoẻ, bà mẹ trẻ phải điều chỉnh chế độ ăn uống tránh tăng đường huyết sau khi ăn và tụt đường khi chưa đến bữa.
''Trong suốt 3 tháng cuối thai kỳ, nhìn bát bún chả, cái bánh mỳ kẹp trứng, suất bánh cuốn mà rớt nước mắt, đành lòng quay đi. Đồng hành với những bữa ăn của mình có bác sĩ dinh dưỡng của bệnh viện. Mình cứ thắc mắc về các chỉ số là được giải đáp. Rồi ăn thế này thế kia có ổn không. Với các mẹ bị tiểu đường thì việc có bác sĩ dinh dưỡng là điều cần thiết'', chị Hà chia sẻ.
Vì em bé thứ 3 của chị Hà có ngôi thai ngược nên việc vỡ ối có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thêm vào đó là các rủi ro bao gồm sa dây rốn, nếu thai to có thể gây ra gãy vai, gãy tay trong quá trình mổ lấy thai. Tuy nhiên, may mắn, ca mổ đã diễn ra thành công.
Dù gặp phải nhiều vấn đề nhưng may mắn ca mổ đẻ của bà mẹ 3 con đã diễn ra thuận lợi.
''Cùng lúc ở trên bàn mổ, bác sĩ thông báo "Không triệt sản được. Thôi dùng biện pháp khác nhé!". Vết mổ cũ của mình dính lắm. Lúc đó, trong đầu mình hiện lên suy nghĩ "Thế là hết cơ hội cuối cùng rồi". Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra. Bác sĩ báo "Làm được rồi cháu nhé!". Các bác đã cố gắng hết sức để nguyện vọng của mình thành hiện thực'', chị Hà chia sẻ về việc triệt sản ngay trên bàn mổ.
''Khoảng 9 tiếng sau mổ, mình ăn chút cháo và trở mình trái phải, nâng chân. Sáng sau mình tập ngồi, rồi tập đi. Hồi trước mổ tập đầu tiên ngồi dậy và tập đi thật sự ác mộng. Nhưng lần này thì dễ dàng hơn nhiều, không choáng váng, không đau đầu, ít đau.
Hôm thứ ba ở viện, mình có thể đi lên xuống cái cầu thang ngắn. Nói chung mình cảm thấy hài lòng với chất lượng giảm đau của cuộc mổ. Giảm đau sau mổ là chân ái! Chẳng dại gì từ chối dịch vụ này cả. Ai từng mổ đẻ rồi đều thấm lắm mà, đã đau mổ còn thêm đau co dạ con'', chị Hà tâm sự.