Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, virus RSV từ trước đến nay đã được coi như một kẻ thù đáng sợ vì thường tạo ra rất nhiều trường hợp nguy hiểm bởi loại virus gây bệnh hô hấp này có thể gây ra viêm tiểu phế quản, viêm phổi ở trẻ nhỏ, thậm chí biến chứng suy tim, suy phổi… ở trẻ sơ sinh, sinh non. Vì những mức độ nguy hiểm như vậy, chị Vân Anh (32 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội) đã quyết định để lại câu chuyện 2 lần cùng con chống lại virus RSV và đúc rút lại những kinh nghiệm của mình cho các mẹ khác biết để bảo vệ con và luôn quan sát khi con bị bệnh.
Chị Vân Anh là mẹ của 3 bé: Chibi (7 tuổi), Kent (2,5 tuổi) và bé Mimi (4 tháng tuổi). Bé Kent bị nhiễm virus RSV cách đây 2 năm khi mới được hơn 3 tháng tuổi và Mimi vừa mắc cách đây không lâu, đều vào những thời điểm giao mùa mà loại virus này phát triển mạnh.
Chị Vân Anh có 3 đứa con thì có 2 bạn nhỏ bị nhiễm virus RSV.
Con trai nhập viện khi đã lờ đờ, khó thở
Kể lại trường hợp của bé Kent, chị Vân Anh cho biết: "Kent được mình đưa vào bệnh viện khám khi bắt đầu ho nặng. Bác sĩ chỉ định chụp X-quang phổi, phế quản nhưng không thấy gì bất thường và hỏi mình con nhỏ có thể nhập viện nếu mẹ quá lo lắng hoặc về nhà theo dõi đặc biệt, kê thuốc uống. Mình quyết định cho con về nhưng về nhà, uống thuốc được 2 ngày thì Kent bị sốt, ho nhiều, nôn trớ nhiều và bú kém, lờ đờ không chơi. Đêm ngày thứ 2 con thở khó nhọc. Đợi đến sáng, mình đưa con vào bệnh viện đã bị bác sĩ mắng, nói đáng lẽ phải nhập viện ngay trong đêm".
Bé được khí dung ngày 3-4 lần.
Bé Kent cũng phải thở oxy. Hình chụp cách đây 2 năm khi bé phải nhập viện vì virus RSV.
Sau khi cho con nhập viện, bác sĩ thử máu và kết quả bé Kent bị nhiễm virus RSV. Bác sĩ còn nói với chị Vân Anh rằng virus này rất nguy hiểm, diễn biến nhanh nên cả hai mẹ con phải thực sự cố gắng. May sao sau các xét nghiệm, chụp X-quang, bác sĩ kết luận bé mới chỉ bị viêm tiểu phế quản, chưa ảnh hưởng phổi.
Và nhờ đã phát hiện ra căn nguyên của bệnh nên việc điều trị có phần đơn giản hơn: "Con được lên phòng thở oxi, lắp máy đo mạch, huyết áp, nhịp tim. Phác đồ khí dung ngày 3-4 lần, rửa mũi bằng máy kết hợp với vỗ rung, tiêm kháng sinh bằng máy. Con bỏ ăn 2 ngày, mẹ hút sữa để đầy tủ lạnh của viện vì con không bú. Hầu như thời điểm này con rất khó bú nên phải xúc thìa. Và con cũng rất dễ nôn trớ vì đặc điểm của virus RSV là sản sinh rất nhiều đờm nhớt trong mũi họng".
Bé Kent hiện đã 2,5 tuổi trộm vía rất kháu khỉnh.
Cuối cùng sau 1 tuần nằm viện, điều trị tích cực, bé Kent đã hồi phục, tươi tỉnh như bình thường và được ra viện. Dù cho các triệu chứng gần như hết từ ngày thứ 5 nhưng bác sĩ vẫn cho bé ở thêm 2 ngày để theo dõi.
Con gái triệu chứng nhẹ hơn nhưng cũng là virus RSV
Cuộc chiến cùng con chống lại virus RSV của chị Vân Anh vẫn chưa dừng lại ở bé Kent, bởi sau khi sinh bé thứ 3 thì mẹ con chị lại gặp phải virus này. Đó là khi bé Mimi tròn 4 tháng tuổi, triệu chứng ban đầu cũng là ho, cảm giác mũi họng có đờm. "Thời điểm đó cả 2 anh chị của bé cũng đều đang ho. Mình gọi cho bác sĩ và đi khám, nghi ngờ bị viêm mũi họng bình thường vì triệu chứng giống người bị cúm và phổi chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng. Bác sĩ cho một liều kháng sinh nhẹ để sát khuẩn, chống bội nhiễm", chị Vân Anh kể lại.
Bé Mimi nhập viện, tuy ốm nhưng vẫn luôn cười rất tươi.
Tuy nhiên sau khi về nhà, bé Mimi vẫn không đỡ, ho càng lúc càng nặng hơn, mỗi lần ho xong đều rên hừ hừ nhưng không sốt, không bỏ bú và dứt cơn ho thì lại cười đùa bình thường. Chị Vân Anh liền gọi cho bác sĩ. Nghe tiếng ho, bác sĩ bảo giống bệnh ho gà, cần vào viện khám lại nhưng sau khi vào viện, chụp chiếu, thử máu và test cả virus RSV thì kết quả cuối cùng là dương tính với RSV. Phim chụp cho thấy bé bị viêm tiểu phế quản và có tổn thương phổi. Vậy là dù bé có một số biểu hiện khác với anh trai nhưng lại vẫn mắc chung một loại virus.
Sau khi có kết quả, bé Mimi bị giữ lại ngay ở bệnh viện. 2 ngày vào viện, Mimi sốt lên vào chiều tối từ 38,5 -39 độ nhưng hạ cũng nhanh. Mimi ho nhiều hơn, tiếng nặng hơn anh Kent trước đây. Cơn ho của con kéo dài và rất khổ sở, đỏ mặt. Khi dứt ho thì con nằm rên ư ư, vừa ngủ vừa rên nhưng trộm vía là con không bỏ ăn và không bị lờ đờ, vẫn chơi vui vẻ bình thường. Con cũng không phải tiêm kháng sinh mà chỉ cần dùng loại uống, dùng thêm khí dung, mẹ tự vỗ rung và hút mũi cho con. Chỉ sau 3 ngày, con đã được ra viện khi trở về tình trạng bình thường.
Bé hiện đã hoàn toàn hồi phục và trở lại sinh hoạt bình thường.
"Hãy nhập viện ngay khi cần thiết!"
Đó là lời khuyên mà chị Vân Anh đã đúc rút lại sau khi trải qua 2 lần cùng con đối mặt với virus RSV. Bởi thông qua bác sĩ, chị hiểu rằng loại virus này diễn biến rất nhanh và có thể gây ra những tình trạng nguy hiểm đối với trẻ, đặc biệt với trẻ dưới 6 tháng. Dù cho triệu chứng bệnh rất bình thường, ban đầu chỉ ho, khò khè có đờm mũi, hắt xì và đi khám thường bị nhầm lẫn sang những bệnh viêm mũi họng hoặc cúm. Thế nhưng ở giai đoạn sau, trẻ thường sẽ bị sốt, thở nhanh, khó thở, ho nặng tiếng, người tím tái, bú kém và nôn trớ…
Cách duy nhất để phát hiện ra có phải nhiễm virus RSV hay không là thử máu, làm xét nghiệm. Đối với trẻ bị nhiễm virus RSV, chị Vân Anh cũng lưu ý từ trường hợp thực tế của mình:
Hai anh em bé Kent và bé Mimi rất quấn quýt với nhau.
- Virus RSV lây lan rất mạnh, ngay cả trong viện bác sĩ cũng rất chú ý việc cách li trẻ nhiễm RSV với trẻ khác. Ở trẻ lớn và người lớn triệu chứng chỉ như cảm cúm và diễn biến không nặng, vài ngày là khỏi, nên hầu như không ai lưu ý gì nhưng nhà có trẻ nhỏ thì phải tuyệt đối lưu ý. Cách li con với tất cả những người đang ho, rửa tay khi bế con, rửa tay khi đi học, đi làm về.
- Không hôn thơm trên vùng mặt con. Khi con đã bị bệnh thì cách li tất cả mọi người, hạn chế thăm nom, chỉ 1-2 người chuyên chăm sóc con, bởi lúc này đề kháng con rất yếu. "Hai lần ở bệnh viện, bác sĩ còn cấm luôn việc cho con ra hành lang chơi để tránh lây thêm bệnh hoặc lây RSV cho các bạn khác", chị Vân Anh chia sẻ thêm.
- Nhập viện ngay khi cần thiết. Nếu thấy các biểu hiện khả nghi hãy xin bác sĩ làm test RSV. "Thêm vào đó, kháng sinh không phải là xấu! RSV tuy là virus, về lý thuyết là sẽ tự khỏi, nhưng vẫn cần phác đồ kháng sinh từ nhẹ tới nặng tùy thuộc vào diễn biến bệnh. RSV là virus gây viêm phế quản hàng đầu, sau đó là viêm phổi, nặng hơn là suy tim. Kháng sinh chỉ xấu khi các bạn uống không đủ liều, không đủ ngày, không xin ý kiến bác sĩ".
- Về việc rửa hút mũi: "Đôi khi con bị nặng, nhiều mũi đờm quá mình cũng sử dụng cách dùng xilanh rửa mũi cho con nhưng cách này mình cực kì hạn chế và bác sĩ cũng không ủng hộ, dễ gây viêm tai. Mẹ chỉ cần nhỏ vài giọt nước muối ấm cho loãng đờm rồi hút nhẹ bằng dụng cụ mềm mại, dễ sử dụng".