Tối hôm trước tôi đọc được trên mạng xã hội có một danh sách học sinh lớp 1 năm học mới này, lớp đa phần là con trai chỉ có vài bạn nữ, ở dưới bình luận nhiều người nói vui rằng rồi sắp tới có khi người ta mong đẻ con gái hơn con trai.
Đọc những bình luận ấy tôi bỗng nghĩ rằng liệu thật sự có bao nhiêu người thật tâm mong muốn có một cô con gái? Giờ liệu còn nhiều nhà nặng nề chuyện sinh con trai để nối dõi tông đường hay không?
Vì sao tôi lại nghĩ vậy? Vì chỉ cách đây khoảng 20 năm thôi, ở cái thời của bố mẹ tôi, người ta vẫn cứ có suy nghĩ rất thiển cận là “đẻ lấy thằng con trai cho nó chắc”. Tôi thật không hiểu “chắc” ở đây là chắc cái gì?
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà ai cũng trọng nam khinh nữ. Nhà người ta thì còn có mẹ bênh con gái chứ nhà tôi thì mẹ tôi còn nói với tôi một câu vào năm tôi học lớp 7 mà đến giờ tôi vẫn không thể quên: “Tại vì mày là con gái nên tao không thương mày lắm!”.
Thật ra nói cho đúng thì tôi cũng không bị bạo hành gì trong nhà, cũng không đến mức không cho ăn mặc, không cho học hành. Chỉ là tất cả mọi quyền lợi của tôi đều phải xếp sau thằng Tuân - em trai tôi và nếu có cái gì ảnh hưởng đến nó hoặc khiến nó không vui thì tôi cứ xác định là không yên ổn nổi với bố mẹ.
Tôi hơn thằng Tuân 4 tuổi, vừa đẻ tôi xong là mẹ tôi hất luôn cho ông bà ngoại chăm sóc để tập trung vào săn thằng con trai. Chả hiểu sao hồi ý mãi 4 năm sau mẹ tôi mới có bầu lại được, trước khi sinh thằng Tuân mẹ tôi sảy thai mấy lần liền. Đến khi sinh nó xong thì may sao nó lại là con trai chứ không thì chắc mẹ tôi không chịu nổi mất vì trong lúc sinh nở, mẹ tôi băng huyết phải cắt bỏ tử cung, sau này không có khả năng mang thai sinh nở được nữa.
Thế là thằng Tuân thành con vàng - con bạc - con kim cương của cả nhà, cả họ, cả dòng tộc. Ai cũng chiều chuộng nó, lâu dần mọi người bên nội còn quên mất tôi mới là con lớn vì từ lúc mấy tháng tuổi tôi đều do một tay ông bà ngoại nuôi, gần như không bao giờ về bên nội kể cả ngày lễ ngày Tết.
Trong suốt hơn 20 năm trước khi lấy chồng, bố mẹ chỉ chu cấp cho tôi đủ để ăn học chứ không thêm bất kỳ đồng nào, quần áo hay đồ dùng cá nhân của tôi đều là ông bà ngoại mua cho hết. Sau này ông bà nghỉ hưu, tiền lương hưu may sao vẫn đủ nuôi tôi ăn học và trang trải cuộc sống của một nhà 3 người.
Trong từng ấy năm thì tôi có về ở với bố mẹ đẻ được 3 lần, lần nhiều nhất là 10 tháng sau đó lại về với ông bà ngoại. Trong ký ức của tôi, nhà ông bà ngoại mới là nhà còn nhà bố mẹ là nơi mà tôi không bao giờ muốn đặt chân đến.
Ông bà nuôi tôi ăn học thành người, còn nhờ quan hệ quen biết xin được cho tôi một công việc rất tốt. Vì thế mà mặc dù tôi có một mối tình kéo dài cả 10 năm nhưng cứ lần nữa không muốn tiến đến hôn nhân. Tôi sợ bản thân về nhà chồng rồi thì ông bà ai chăm sóc bây giờ?
Cuối cùng thì chính ông bà ngoại là người bắt tôi đi lấy chồng. Ngày tôi cưới, ông bà gom góp cho tôi 5 cây vàng và sang tên cho tôi căn nhà của ông bà đang ở.
Nhà chồng biết tôi từ thuở nhỏ nên bố mẹ cũng thương tôi như con cái, mặc dù cho chúng tôi ra ở riêng nhưng bố mẹ chồng tôi vẫn lo đủ nhà cửa cho các con, vàng cưới cũng không hề ít. Tiền mừng cưới ông bà cũng cho chúng tôi hết, chỉ dặn dò nếu sau này có hiếu hỷ gì thì hai đứa phải tự mà biết cách đáp lễ thôi.
Chuyện hài của tôi là người mẹ đẻ không hề mong muốn sự tồn tại của tôi ấy lại muốn tôi đưa vàng cưới cho bà để bà mua xe cho con trai cưng của mình.
- Mẹ thấy bên thông gia cũng có điều kiện, vợ chồng con cũng kiếm được tiền mà em nó còn nhỏ chưa có cái gì để vào đời. Con cho em nó mượn vàng cưới để mua cái ô tô tiện đi lại, nhà thì mẹ mua cho nó rồi. Con với con rể cũng không dùng đến tiền vàng thì cho em nó mượn tạm.
- Thằng Tuân mới 18 tuổi, bằng lái xe máy còn chưa có thì mua ô tô làm gì ạ?
Mẹ tôi thấy tôi không gật đầu ngay thì giọng tỏ vẻ khó chịu rõ rệt.
- Đàn ông nó khác đàn bà, trưởng thành không có nhà có xe riêng thì người đời người ta khinh cho. Con sắp xếp mang về đưa mẹ để mẹ mua sớm cho em.
Tôi đương nhiên không đồng ý nhưng vẫn muốn thử xem rốt cuộc thì mẹ tôi con yêu con ghét đến mức nào.
- Thế mẹ vay thì bao giờ mẹ trả lại được cho vợ chồng con ạ?
Người mẹ đẻ ra tôi thất thanh lên quát ầm ĩ qua điện thoại.
- Mẹ không vay chúng mày, mẹ hỏi vay cho em. Bao giờ nó đi làm, nó kiếm được, nó có nó sẽ tự khắc trả. Mẹ cấm hai đứa không được đòi em tiền, nó áp lực ảnh hưởng đến tâm lý.
Đến đây thì tôi cũng không còn muốn nói lời nào, cũng chẳng buồn giữ ý tứ hay dĩ hòa vi quý gì nữa.
- Con không cho vay mượn gì đâu ạ. Mẹ cũng đừng làm phiền cuộc sống của con nữa. Mẹ tập trung mà lo cho thằng Tuân. Kể từ bây giờ ngoài nó ra mẹ không còn đứa con nào nữa đâu ạ.
Nói rồi tôi tắt máy chặn số. Tôi cũng chẳng buồn đâu vì bao nhiêu năm qua buồn thế là đủ rồi, cũng may mẹ tôi không biết chuyện ông bà ngoại của tôi đã sang tên căn nhà cho cháu ngoại là tôi chứ không chắc chắn mẹ sẽ lại đến làm phiền ông bà cho mà xem. Tôi bây giờ chỉ sống cuộc sống mới của mình, không muốn bận tâm gì chuyện của bố mẹ và em trai nữa.