Gấp quần áo là 1 việc đơn giản nhưng thực tế không phải cha mẹ nào cũng hướng dẫn cho con làm việc này từ nhỏ, đặc biệt là các bé trai. Cha mẹ không biết được rằng, dạy gấp quần áo là cách giúp con rèn tính tự lập, phát triển kỹ năng và trách nhiệm với bản thân.
Một bà mẹ Việt sống tại Úc đã ý thức được giá trị đó và dạy con gấp quần áo cũng như làm việc nhà từ khi còn rất nhỏ. Hiện tại, cậu bé 6 tuổi nhưng khiến ai nấy phải ngưỡng mộ khi biết gấp quần áo thành thục hơn cả nhiều người lớn. Từng bộ quần áo được xếp ngay ngắn, đều thẳng tắp như trên tạp chí thời trang. Cậu bé đó là Thiện Khôi (tên ở nhà là Subi).
Mặc dù mới 6 tuổi nhưng cậu bé Subi đã có "kinh nghiệm" 4 năm gấp quần áo. Nhìn cậu bé ngồi gấp quần áo chăm chú với đôi bàn tay bé xíu nhưng thuần thục khiến ai cũng phải "thả tim" vì cậu bé được mẹ dạy quá khéo.
Khi được hỏi về việc dạy con gấp quần áo từ khi nào, chị Hà Trang, mẹ của Subi chia sẻ: "Từ khi con còn nhỏ, mẹ làm gì cũng thường cho BiBo ngồi cạnh. Từ nhìn, rồi sờ, rồi nghịch, rồi gấp một hai nếp, sau đó là dạy con gấp hoàn chỉnh cả một chiếc quần hoặc chiếc áo.
Tầm 2,5-3 tuổi các con ham thích với những công việc đòi hỏi độ khó hơn như vứt bỉm, dọn đồ chơi... mẹ tranh thủ giai đoạn này khích lệ, động viên và kiên nhẫn hướng dẫn con những công việc mới. Đây là giai đoạn thích hợp mẹ đưa việc học gấp quần áo đến với con. Khoảng 4 tuổi con sẽ gấp quen và mềm tay".
Chị Hà Trang tiết lộ thêm, mỗi lần gấp quần áo sẽ theo quy trình 4 bước như sau:
- Phân loại quần áo (theo sở hữu của từng thành viên trong gia đình)
- Là quần áo (mẹ đảm nhận)
- Gấp quần áo (mẹ gấp quần áo to, các con gấp quần áo nhỏ)
- Cất quần áo vào tủ (mẹ cất đồ to, các con cất đồ nhỏ)
Thực tế có rất nhiều cách gấp quần áo. Trước đây, chị Trang dạy Subi gấp quần áo kiểu truyền thống (như quần áo ngoài cửa hàng vẫn gấp). Từ ngày biết đến cách gấp của Marie Kondo (bà mẹ hai con người Nhật), chị thấy cách gấp này tiết kiệm được diện tích tủ, để được nhiều đồ hơn, quần áo sau khi gấp xong có thể đứng được, tiện để chọn lựa màu sắc quần áo khi cần dùng... nên đã hướng dẫn con cách gấp và cùng con sắp xếp lại tủ.
Ngoài ra, chị còn tự "sáng chế" ra một số cách gấp cho đồ lót, tất và đồ bộ tiện lợi để những đồ nhỏ này không dễ bị bụng và rất gọn gàng. Subi rất "tâm đắc" với "phát minh" của mẹ.
Theo chia sẻ của chị Trang, dạy con gấp quần áo cũng cần có những lưu ý như sau:
+ Đồ bộ: Ngoài gấp giải quyết được mục đích gọn, còn gấp sao để cả bộ đi liền được với nhau. Khi lấy quần áo, không phải lấy làm hai lần, hoặc phải nhớ lấy áo trước rồi lấy quần, một lần lấy là có thể lấy được cả bộ mà không lo bị rơi một trong hai thứ.
+ Đồ lót và tất: Đây là đồ nhỏ, gấp xong thường dễ bung ra, tủ thường lộn xộn bởi những đồ nhỏ này. Vì vậy, gấp làm sao để đồ lót thật gọn, khó bung và sau khi xếp xong cần có một "ngôi nhà" (hộp nhỏ) riêng cho những đồ nhỏ như vậy.
Quần áo gấp gọn gàng và dễ lấy.
Chị Trang cho biết: "Trong tuần các con thường đi học, mình hay "để dành" quần áo để giặt, phơi, là, gấp, xếp vào tủ vào cuối tuần. Sáng cuối tuần, sau khi dùng bữa sáng xong, cả nhà cùng "lao động". Bố chăm chút vườn tược, mẹ cùng các con dọn nhà và gấp quần áo.
Để hướng các con hứng thú trong việc nhà nói chung và gấp quần áo nói riêng, mẹ phải là người khéo léo "truyền cảm hứng". Mẹ làm một cách say sưa, vui vẻ, nói với con biết bao điều hay về việc mẹ đang làm, uyển chuyển kéo con vào làm cùng mẹ và động viên con khi con làm được từng bước nhỏ thì con từ tò mò, sẽ hứng thú, muốn thử làm, thấy mình làm được và làm tốt sẽ yêu làm. Mẹ cần kiên trì, nhẫn nại và không ngừng động viên con. Niềm say mê với việc nhà của trẻ thực chất bắt nguồn từ cách truyền tải cảm hứng của "huấn luyện viên" mẹ".
Chia sẻ về quan điểm dạy con trai làm việc nhà, chị Trang bày tỏ: "Quan điểm của mình là quần áo hay tất cả những công việc nhà khác con nào (dù gái hay trai) cũng đều cần biết làm. Đó là những việc cơ bản một người cần làm được và làm tốt. Biết làm để cho chính mình, tự chăm sóc được mình, tự tổ chức cuộc sống của mình. Càng biết làm, các con càng tự lập. Nhờ đó các con sẽ có tâm thái tự tin và một cuộc sống tự do.
Đồng thời, thông qua làm việc, các con cũng học cách sắp xếp công việc, phát triển kỹ năng tay, mắt,… đặc biệt là phát triển cảm xúc. Các con biết trân quý lao động, biết thấu hiểu và trân trọng những việc người khác làm cho mình.
Với chị Trang, mặc dù có chút tốn công, tốn sức, tốn cả thời gian để dạy con nhưng lại gieo vào con khái niệm về một nếp sống. Sắp xếp mọi thứ một cách ngăn nắp, đến khi cần dùng tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều.
"Sẽ không có cảnh giờ đến lớp, mang cái áo ra giũ giũ rồi mang đi là. Không có kiểu úi xùi, mặc bộ quần áo nhàu nhĩ ra ngoài đường. Đồ mặc lên người phải thẳng dù trong nhà hay ở ngoài. Quần áo có thể không đẹp nhưng phải sạch, thơm, phẳng và phù hợp hoàn cảnh. Pyjama để mặc ở nhà. Diện nguyên một bộ đồ ngủ ra phố rồi bảo “nó là trẻ con mặc gì chẳng được” thật khó lòng chấp nhận nổi. Đừng biến xã hội thành cái giường ngủ của bọn trẻ. Cũng không để ngôi nhà như chốn công sở. Đã về nhà là phải thật thoải mái.
Quần áo chỉ là một ví dụ rất nhỏ trong hàng nghìn thứ của cuộc sống. Cũng chỉ là một lối đi be bé trong rất nhiều con đường làm tiện lợi và nâng cấp cuộc sống này. Cái cốt lõi là tạo cho con một nếp sống khoa học từ thuở ấu thơ. Sau này như một thói quen con sẽ biết tự sắp xếp mọi việc sao cho ngăn nắp. Mỗi thứ nhỏ thôi làm nên sự khác biệt của một con người", hot mom Hà Trang nhấn mạnh.