Nhiều cha mẹ sợ con bất tiện trong học tập và sinh hoạt hàng ngày nên bắt ép con chuyển từ tay trái sang tay phải. Tuy nhiên, việc làm này có giúp con tốt hơn hay vô tình làm hại con? Dưới đây là quan điểm và giải pháp của chị Phan Hồ Điệp về việc trẻ em thuận tay trái:
Những điểm bất lợi khi con dùng tay trái để viết bài:
- Con có thể huých vào tay bạn.
- Tốc độ viết thường chậm hơn so với bạn viết tay phải.
- Viết xong hay đè lên chữ vừa viết khiến dễ bị lem mực.
Rất khó để thực hiện các nét liên kết. Yêu cầu viết chữ tiếng Việt cần có liên kết thông qua kỹ thuật rê bút và lia bút trên không (hiểu nôm na là việc nối giữa chữ cái này với chữ cái kia).
Bất lợi là thế nhưng nếu ép con quá, lúc nào bạn cũng chỉ chăm chăm yêu cầu con đổi tay thì sẽ làm con cảm thấy căng thẳng.
Trẻ cảm thấy hoang mang, hoảng sợ, cảm thấy như việc dùng tay trái là một lỗi lầm.
Mình đã chứng kiến rất nhiều bà mẹ luôn mồm nhắc: Đổi tay cầm đũa đi/Con viết bằng tay trái là mẹ đánh vào tay/Mẹ sẽ dán cái tay trái lại để con không thể cầm bút được… Không chỉ có bố mẹ, cả ông bà cũng nhiệt tình tham gia vào công cuộc này. Đối với ông bà, dùng tay trái là "không thể chấp nhận được".
Ngay cả các cô giáo ở trường cũng thế. Các cô tỏ ra khó chịu/khó xử lý vì cô không thể bắt tay các con hướng dẫn viết như các bạn khác.
Chính vì thế, trẻ cảm thấy hoang mang, hoảng sợ, cảm thấy như việc dùng tay trái là một lỗi lầm.
Trẻ chuyển sang tay phải trong trạng thái bị ép buộc, ngoài việc ức chế còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tư duy. Thậm chí một số trẻ đột nhiên nói lắp, nói ngọng khi buộc phải chuyển sang tay phải.
Vậy làm thế nào để có thể dung hòa được tình trạng trên, theo mình:
1. Không bỏ tay thuận (tay trái) một cách cực đoan: Những hoạt động như gọt hoa quả, cầm đồ vật, chơi thể thao, cầm đũa… con hoàn toàn vẫn nên dùng tay trái nếu con muốn.
2. Không cấm đoán nhưng cũng không khuyến khích dùng tay trái để viết: Bạn nên trình bày với cô giáo để cô có thể xếp chỗ ngồi phù hợp cho con (ở một số trường nước ngoài luôn có bàn dành cho bạn thuận tay trái).
Để con bắt đầu luyện tập viết tay phải, bạn nên thực hiện từng bước sau đây:
- Trước tuổi đi học, mỗi ngày nên có khoảng 10 phút chơi trò chơi mà trong đó luật chơi là CHỈ ĐƯỢC DÙNG TAY KHÔNG THUẬN. Ví dụ chơi ném bóng, chơi di tay trên hình ziczac, chơi nhặt đậu, chơi vẽ hình tròn, chơi bắn bi… Tóm lại là tất cả những trò chơi liên quan đến vận động tinh nhưng buộc phải dùng tay không thuận. Bạn thuận tay phải thì phải dùng tay trái còn con thuận tay trái thì phải dùng tay phải. Việc chơi những trò chơi kiểu này cũng khiến tay không thuận của con trở nên mềm mại, khéo léo hơn.
- Thông thường khi cầm bút ở tay không thuận, lực ở ngón tay không đủ mạnh để di chuyển. Bây giờ bạn thử cầm bút lên, bạn sẽ thấy khi viết chữ, chúng ta dùng ngón trỏ để ấn vào cạnh bút, điều chỉnh lực để bút di chuyển đúng không?
Bây giờ sẽ là một trò chơi rất cần thiết để cầm bút đúng cách (cho cả các bạn thuận tay phải). Trò chơi như sau:
- Đặt bút sao cho phần ngòi bút quay về phía ngực.
- Lấy ngón trỏ và ngón cái cầm ở phía trên gần với ngòi bút
- Lấy ngón giữa đỡ vào phía dưới gần ngòi bút
- Giờ thì quay bút một vòng cho ngòi bút về phía ngược lại.
Ồ, bạn đã có cách cầm bút đúng rồi. Bạn hứa với mình là đọc đến đây bạn phải làm thử nhé.
Có rất nhiều bạn cầm bút sai cách. Nhưng nếu luyện theo cách này thì đảm bảo cầm đúng.
Mỗi ngày nên luyện khoảng 20 lần. Thậm chí với bạn tay trái phải luyện khoảng 50 lần.
- Sau khi cầm bút đúng cách rồi, bạn sẽ cho con luyện viết CHỮ TO. Bạn nhớ là chữ to nhé. Vì chỉ có chữ to, con mới cảm nhận được sự chuyển động của ngón trỏ.
Đừng có tham viết nhiều, mỗi ngày có khi chỉ cần một chữ to trong một trang giấy. Kiên trì trong khoảng 2 tháng là ngón trỏ sẽ có lực. Khi đó mới luyện sang chữ nhỏ.
Khi luyện chữ nhỏ, hãy để con viết cùng một chữ nhưng đến khi nào thật ưng ý. Như kiểu vẽ một bức tranh cho đến khi đẹp hẳn ấy.
Bạn nên cho con nhận thấy sự chuyển động của các ngón tay khi viết, con sẽ vui lắm.
Và như thế, chỉ cần kiên trì kèm theo sự khích lệ.
"Mình nghĩ không có gì thuộc về tự nhiên mà xấu cả" - mẹ Nhật Nam.
Đây là tất cả những điều mình đã kiên trì luyện tập cho Nam trong khoảng gần 2 năm (5, 6 tuổi). Có thể vì thế nên khi đi học, Nam viết được bằng cả hai tay như nhau. Điều phiền toái duy nhất Nam nói là khi xếp hàng mà cô bảo quay bên trái hay bên phải là em không biết quay bên nào vì em cũng không biết tay nào là trái, tay nào là phải.
Mình nghĩ không có gì thuộc về tự nhiên mà xấu cả. Khi bạn tin tưởng và bảo vệ, nuôi dưỡng những điều tốt đẹp trong mỗi đứa trẻ thì rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi.
TAY TRÁI, TỐT MÀ!
THUẬN TAY TRÁI, THÌ SAO?
Vài nét về tác giả
Chị Phan Hồ Điệp (sinh năm 1975) là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ về cách nuôi dạy con trai - "thần đồng" Đỗ Nhật Nam - người được biết đến với bảng thành tích đáng nể: Tổng biên tập tờ báo Creative Melange (tờ báo tuổi Teen của Đông Nam Á), kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất và là tác giả nhiều cuốn sách "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào", "Những con chữ biết hát", "Bố mẹ đã cưa đổ tớ"...
Cùng xem thêm những bài viết của chị Phan Hồ Điệp tại đây.