Tôi từng chứng kiến cảnh một bé trai khóc ầm ĩ ở một khu vui chơi vì không được đi chiếc ô tô mà bé thích. 5 phút, 10 phút, rồi 15 phút trôi qua, mẹ bé từ đằng xa hớt hải chạy lại, tay chỉ thẳng mặt con "Im ngay! Làm sao mà khóc?". Thằng bé kể lể trong tiếng khóc nức nở, những mong một sự an ủi từ mẹ, nhưng không, khi thấy rất đông mọi người xung quanh, bà mẹ tiếp tục chỉ tay về phía con quát lớn: "Im ngay, ai bảo con không chọn từ đầu. Giờ bạn khác đi rồi còn đòi hỏi gì. Ngu còn khóc cái nỗi gì...".
Câu chuyện giữa hai mẹ con sau đó còn khá rối ren, nhưng cho đến khi được bạn nhường cho chiếc xe mình thích, bé trai vẫn không dám bước vào chơi vui vẻ như ban đầu. Bé chúi vào sau lưng người mẹ đang hằm hằm giận dữ và rời khỏi khu vui chơi...
Đây không phải đứa trẻ hiếm hoi bị bố mẹ mắng. Thậm chí, có những đứa trẻ bị bố mẹ mắng như cơm bữa. Mới đây, chị Phan Hồ Điệp - mẹ Đỗ Nhật Nam đã liệt kê những lời mắng con từ phụ huynh mà chị lượm lặt được:
Chị Phan Hồ Điệp cho rằng sẽ không tránh được những lúc cáu giận, mệt mỏi mà quát mắng con nhưng "mình biết mà sửa dần".
Nhận định về con: Dốt quá con ạ/ Ẩu nhất quả đất/ Chậm chạp quá/ Ngu như bò/ Lúc nào cũng lơ nga lơ ngơ/ Mặt cứ đần ra thế…
Tỏ thái độ trước những việc làm sai của con: Làm bố/ mẹ xấu hổ/ Bố/ mẹ muốn chui xuống đất vì con/ Rồi cũng đến khổ với con/ Họ nhà mình toàn người học giỏi mà con thì làm bố mẹ xấu mặt…
So sánh con với "con người ta": Đi xách dép cho nó/ Sao con không bằng cái móng tay của nó/ Con mà được như thế có phải bố mẹ được nhờ không/ Sao cũng sinh con mà người ta sướng thế/ Ôi nhìn con nhà người ta mà thèm…
"Dự đoán" về tương lai: Rồi lấy gì mà ăn/ Đi hót rác thôi con ạ/ Đến ăn mày thôi con ạ/ Cả đời không ngẩng mặt được lên đâu…
Ngăn chặn một việc làm gì đó của con: Mày có thôi ngay đi không/ Mày làm thế tao đánh cho đừng trách/ Có não không mà làm như thế/ Mẹ cấm con…
Nói chung tùy theo mức độ nặng nhẹ, tùy từng không gian, tùy từng gia đình lại có những lời mắng con khác nhau.
Phụ huynh thường tự bao biện cho việc mắng con của mình như sau: "Mắng cho con "mở mắt" ra. Không mắng thì làm sao nó biết điều chỉnh, sửa đổi" hay "Mình thương con mình mới mắng. Chứ ra ngoài kia kìa, người dưng kia kìa, ai người ta thèm nói"; "Đánh thì mới sợ chứ mắng thì nhằm nhò gì". Và cuối cùng là "Xưa nay có ai bị mắng mà chết được đâu".
Tuy nhiên, chị Phan Hồ Điệp không đồng tình với những lời bao biện trên. Mẹ Nhật Nam cho rằng: "Mình nghĩ khác. Có "chết" đấy bạn ạ! Bởi có những lời nói có khi "đau" hơn ngàn roi vọt".
"Bạn cứ nhắm mắt lại nghĩ về tuổi thơ của mình. Giữa những kỉ niệm êm đềm, ngọt ngào và kỉ niệm xấu, bạn nhớ kỉ niệm nào hơn. Mình đoán bạn sẽ nhớ lần bạn bị đánh, mắng, bị đau, bị khóc, bị khổ, bị bỏ rơi, bị tổn thương, bị xúc phạm…
Bố của Nam hơn 50 tuổi, trong những ngăn kí ức đầy chặt về tuổi thơ, bố Nam luôn nhắc đến một lần bị người hàng xóm mắng là "ngu thế" khi trót chạm vào cái ác quy. Từ đó trở đi, bố Nam sợ cái… ác quy. Sợ và ghét người đàn ông đã mắng mình khi ấy.
Chỉ cần nhớ lại những kí ức xấu, nó có thể đánh gục con bạn.
Thế đó, trí nhớ luôn ghi nhớ và tái hiện những điều không tốt.
Và có thể bạn, thay vì gần gũi, yêu thương, nghiêm khắc một cách đúng đắn, giữ bình tĩnh, kỉ luật hài hòa thì bạn lại gieo cho con những kí ức xấu.
Nhiều người sẽ nói: "Ôi, đâu có sao đâu. Như mình đây này, lớn lên toàn bị chê bị mắng mà bây giờ vẫn đàng hoàng, hạnh phúc, vui vẻ". Ừ thì không sao. Nhưng bạn ơi, thử tưởng tượng một hôm nào đó, bạn mệt, bạn rất mệt.
Rồi chồng bạn về muộn.
Rồi bạn bị sếp mắng.
Bạn làm hỏng một việc gì đó.
Rồi bạn bị ai đó nói xấu…
Bỗng nhiên, những câu nói năm xưa hiện về.
Và có thể, biết đâu đấy, nó là giọt nước tràn ly dẫn đến những quyết định tiêu cực.
Nên thôi, mình phòng cho con đi bạn ha.
Vì có thể con bạn sẽ có lúc:
Cảm thấy mình không được bằng bạn bằng bè.
Cảm thấy mình không được thông minh xinh xắn như bạn bè
Cảm thấy đầy áp lực học hành…
Và chỉ cần nhớ lại những kí ức xấu, nó có thể đánh gục con bạn.
Dù bạn đã cố công nuôi con.
Một cách đầy thành ý.
Mình dừng lại, hít thở sâu đi bạn ha.
Bạn làm được mà.
Những lời cắt nghĩa thấu tình đạt lý của chị Phan Hồ Điệp đã chạm đến trái tim của hàng nghìn người mẹ. Nhiều người cảm thấy được đồng cảm: "Không kiềm chế được luôn chị... Xong thì thấy sai, thấy hối hận lắm nhưng lần sau lại không kềm chế được".
Bài viết của mẹ Đỗ Nhật Nam cũng giúp nhiều người như được "giác ngộ": "Em từng bị tổn thương nặng nề bởi những lời quát mắng và giờ những lời nói đấy như cứa sâu vào tim không bao giờ lành. Nhưng em lại đang lặp lại điều đó với con em. Vậy phải làm gì lúc con mình sai đây chị?"; "Em đã từng bị mắng tất cả những câu chị vừa liệt kê trên, từ cả người thân cho đến người dưng, thậm chí liên tục từ ngày này qua ngày khác. Thế nên đến tận bây giờ em vẫn rất tự ti khi muốn bắt đầu làm một việc gì đó, và sợ nhất là sau này có con sẽ không kiềm chế được mà mắng một trong số những câu đã in sâu vào tiềm thức thế kia.."