"Mẹ ơi, em bé đến từ đâu": Phải trả lời như thế nào để 2 bên không rơi vào cảnh xấu hổ?
Khi trẻ được 4 tuổi, chúng đã có thể thắc mắc về việc một em bé làm thế nào chui vào bụng mẹ và chui ra như thế nào.
Hãy thử tưởng tượng nếu có một ngày, đứa con 4 tuổi chạy tới hỏi bạn rằng: "Mẹ ơi, em bé đến từ đâu?".
Trẻ em vốn tò mò và hay thắc mắc mọi thứ, nhưng câu hỏi này có thể đặc biệt khó trả lời.
Liên quan tới vấn đề này, Amanda Gummer - tiến sĩ tâm lý học trẻ em cho biết, câu hỏi này có thể khiến người lớn cảm thấy khó xử hơn nhiều so với trẻ em.
Tiến sĩ Gummer giải thích: "Trẻ em có nhiều khả năng chỉ muốn biết sự thật. Ví dụ, bạn có thể trả lời rằng khi cha mẹ yêu nhau rất nhiều, họ sẽ tạo ra một tế bào đặc biệt để phát triển thành em bé".
Ngoài ra, Jillian Amodio - nhà sáng lập Moms For Mental Health nói thêm rằng, việc sử dụng từ vựng phù hợp để tránh mọi hiểu lầm là điều quan trọng, ngay cả khi trẻ còn nhỏ.
Amodio giải thích: "Tôi khuyên các bậc cha mẹ nên gọi các bộ phận trên cơ thể con mình bằng tên thật khi còn nhỏ. Điều này mang lại cho trẻ vốn từ vựng cần thiết để nói về cơ thể của mình mà không xấu hổ hay bối rối. Thông thường, trẻ nhỏ sẽ có nhiều thắc mắc về cơ thể chúng, cách em bé chui vào bụng mẹ và chui ra ngoài như thế nào hơn là các câu hỏi về giới tính".
Cách nói chuyện với trẻ em ở độ tuổi đi học
Christopher Kearney - giáo sư khoa Tâm lý học ở Đại học Nevada, Mỹ chia sẻ: "Đối với học sinh tiểu học, có thể thực hiện một cách tiếp cận tương tự lúc nhỏ nhưng cần chi tiết hơn một chút về cách tạo ra một em bé. Điều quan trọng là nói để con hiểu được rằng, không phải gia đình nào cũng giống nhau, có người là cha mẹ đơn thân, có người cha mẹ thuộc giới tính thứ 3...".
Trẻ em tiểu học có thể hiểu các khái niệm trừu tượng hơn, nhưng điều quan trọng là phải diễn đạt các khái niệm trừu tượng này dưới góc độ sinh học. Điều này giúp loại bỏ mọi cảm giác xấu hổ và bối rối.
Tiến sĩ Gummer cho biết: "Khi trẻ lớn hơn, chúng có thể sẵn sàng tiếp nhận thông tin chi tiết hơn về quá trình sinh sản của con người, bao gồm vai trò của tinh trùng và trứng trong quá trình thụ tinh và sự phát triển của thai nhi".
Cách nói chuyện với thanh thiếu niên
Khi trẻ bước vào tuổi thanh thiếu niên, câu hỏi "em bé đến từ đâu" nên bắt đầu bằng những cuộc trò chuyện cụ thể hơn về giới tính.
Amodio giải thích: "Những đứa trẻ lớn hơn sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về giới tính, tình dục và các hành vi tình dục. Tình dục là một phần bình thường trong quá trình phát triển của con người, cần được nói đến một cách cởi mở và trung thực. Không có gì phải xấu hổ khi tìm hiểu các kiến thức".
Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng việc nói chuyện với thanh thiếu niên về giới tính theo cách phù hợp với lứa tuổi, trực tiếp và tích cực sẽ giúp trẻ đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn.
Tiến sĩ Kearney đồng ý và nói thêm rằng, trẻ càng lớn thì sự hiểu biết về quá trình sinh con càng trở nên rõ ràng hơn. "Thanh thiếu niên có thể suy nghĩ trừu tượng hơn và có thể hiểu các quá trình sinh học tốt hơn nhiều".
Những điều cần chú ý khi trẻ hỏi "em bé đến từ đâu"
Điều quan trọng là cha mẹ phải cởi mở và thành thật với con cái.
Amodio nói: "Cha mẹ hãy nói sự thật, đừng nói dối. Đừng khiến mọi thứ trở nên khác biệt so với thực tế. Kiến thức loại bỏ nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn. Trả lời các câu hỏi một cách trung thực và cởi mở. Trả lời chính xác những gì được hỏi".
Trong khi câu hỏi "em bé đến từ đâu?" có thể khiến người lớn cảm thấy khó trả lời, nhưng điều quan trọng cần nhớ là sự trung thực, từ vựng rõ ràng sẽ tránh được việc truyền đạt sai, lúng túng và xấu hổ.
Bằng cách giải thích cho con cái những từ ngữ chính xác về giới tính, trẻ sẽ học được rằng, chúng có thể hỏi cha mẹ những thắc mắc của mình và nhận được câu trả lời trung thực.