Bất cứ người mẹ nào cũng muốn dành những khởi đầu hoàn hảo nhất cho con của mình, trong đó có việc đảm bảo 72 giờ vàng sữa non. Tuy nhiên, không phải người mẹ nào cũng làm được và lại càng khó khăn hơn nếu như mẹ sinh mổ.
Thế nhưng mới đây, chị Nguyễn Thu Hường (29 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội) đã thành công trong việc tưởng chừng như rất khó này. Điều đặc biệt hơn nữa là dù sinh mổ lần 2, sữa về rất chậm, nhưng với bản năng của một người mẹ và những kiến thức đã tìm hiểu kỹ càng, cuối cùng, chị đã hoàn thành trọn vẹn 72 giờ vàng sữa non cho con.
Chị Thu Hường và bé Mèo trong ngày đầu ở bệnh viện.
Kiên trì cho con bú dù mẹ sinh mổ và sữa non về rất muộn
Chị Thu Hường kể lại: "Thông thường, một số mẹ đã thấy sữa non từ những tháng cuối thai kỳ nên các mẹ này khi sinh con thường sẽ tự tin hơn ở việc cho con bú ngay sau khi sinh vì đã "tận mắt" nhìn thấy sữa, tức là đã được kiểm chứng "có sữa". Còn đa phần những mẹ khác khi mang thai, tuy bầu vú có phần căng hơn, nhưng nặn thử, vắt thử cũng không có. Mình là trường hợp thứ 2, cả 2 lần mang thai đều không chảy sữa non".
Theo những kiến thức tiền sản chị được biết, sữa non có trong bầu vú mẹ từ những tuần 25 của thai kỳ. Sữa non được tính bằng đơn vị giọt, và khác với sữa già ở đặc điểm là không thể vắt thành tia, chảy thành dòng, mà thường dẻo, dính, chỉ con bú mới ra... Đó là lý thuyết mà không mấy người dám can đảm đưa vào thực hành. "Nhưng lần này, mình đã quyết tâm đưa nó vào thực hành, vì vốn mình đặt niềm tin lớn vào tạo hóa", chị tâm sự.
Tâm lý con rất cần được mẹ để ý đến, nên con rất cần được ti trực tiếp.
Chị sinh mổ, em bé bị cách ly mẹ 2 tiếng sau mổ. Trong thời gian này, bé Mèo được gia đình chị đưa về phòng trước để được ủ ấm. “Sau khi được ủ ấm bằng thân nhiệt của bố, con được bú 2 cữ sữa của bác Vân - một người bạn của mình đang mang thai tháng thứ 7 và có sẵn sữa non trong ngực nên đã vắt sữa non cho bé Mèo ăn. Nhờ vậy, bé ngủ rất ngon đợi về với mẹ”.
Trong khi bé được gia đình chăm sóc, chị Hường đã tranh thủ ngủ để lấy lại sức. Và khi được về với con, chị bắt đầu cho bé ti trực tiếp, bất kể khi nào con cần.
Bé Mèo vẫn tái xanh khi vừa được ra khỏi phòng mổ.
Chị Hường ôm ấp con và cho con ti bất cứ lúc nào sau khi vừa được gặp lại con.
“Bé Mèo bú không chia cữ, bất kể lúc nào con cần, mẹ sẽ cho con ăn. Con được thỏa mãn nhu cầu là bú mút và ôm ấp, khiến tâm lý bé ổn hơn rất nhiều so với các bé khác luôn bị gói gọn trong đống khăn ủ, đặt nằm một góc và chỉ được bế lên khi cho ăn bằng bình sữa”, chị Thu Hường chia sẻ.
Trong cữ bú đầu tiên, ngực chị Hường cũng hoàn toàn không chảy sữa, không nhìn thấy sữa. Nhưng em bé vẫn bú rất ngon lành. Điều khiến chị ngạc nhiên là sức bú mút của bé rất tốt, bú cực mạnh. Cữ bú đầu tiên kéo dài 30 phút, sau đó bé ngủ một giấc 2,5 giờ. Vậy nên chị vẫn tự tin là em bé có bú được sữa.
Tin vào kiến thức, bản năng của một người mẹ và vượt qua những khó khăn
Khó khăn đến với chị khi người xung quanh bắt đầu thấy chị... khác người khi không có sữa những vẫn cứ kiên trì cho con bú. Cả phòng chỉ có mỗi nhà chị không hề mang sữa công thức. “Có nhà còn có ý tốt là cho mình một ít sữa pha ra cho con, chứ chẳng lẽ để nó bú chay như thế mãi! Bà ngoại cũng có những lúc bị lung lay dù bản thân bà rất ủng hộ mình. Nhưng mình bỏ ngoài tai hết, kiên trì đi tới đích!”.
Phải đến ngày thứ 3 sau sinh, chị Thu Hường mới chính thức nhìn thấy sữa non. Đó là khi bé Mèo được y tá mang đi lấy máu xét nghiệm vàng da. Nhìn thấy trên bàn tay nhỏ xíu của con còn lưu 1 chiếc kim lấy máu, bỗng nhiên trào nước mắt vì thương con và cũng lúc ấy, cảm nhận được sữa về dồi dào trong ngực.
Chị Hường và con gái khi đã được về nhà.
“Đến rạng sáng ngày thứ 4, đột nhiên bé hơi quấy. Theo kiến thức mình tìm hiểu từ trước, vào ngày này, dạ dày của bé sẽ lớn hơn chút vì mẹ sắp có sữa già, con sẽ hơi khó hơn bình thường. Đêm hôm đó, 4h sáng con mới chịu ngủ. Cũng vào 4h sáng, bé “tặng” mẹ một bãi phân hoa cà hoa cải đầu tiên. Đó là dấu hiệu báo sữa mẹ đã chuyển sang giai đoạn sữa già”, chị Hường kể lại.
Hành trình 72 giờ vàng sữa non của chị Hường đã trọn vẹn như thế, tạo thành tiền đề tốt đẹp để chị nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ: “Với các mẹ không cho con bú sữa non thường sẽ bị cương sữa khi sữa già về. Lần trước mình đã bị và đau vô cùng. Nhưng lần này con bú sữa non nên khi sữa già về không hề có cảm giác cương sữa. Mình tin rằng chỉ cần các mẹ cố gắng thử các cách có thể, trong hiểu biết và kiến thức khoa học đã được trang bị từ trước thì em bé nào cũng được tráng ruột bằng những giọt sữa non - 'vàng lỏng' của mẹ”.