Chị Phan Hồ Điệp là một hotmom nổi tiếng với cách dạy con với phương pháp giáo dục khác biệt. Nhờ có mẹ chắp cánh mà cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam đã đạt được nhiều thành công.

Mới đây, thông qua MXH Lotus, chị Phan Hồ Điệp đã có bài viết chia sẻ quan điểm của mình trên page Lá chắn virus Corona về vấn đề tiền bạc giữa thời dịch bệnh Covid-19 được rất nhiều bạn đọc quan tâm.

Năm 2009, Nam bị nhiễm cúm H1N1

Đưa con đến bệnh viện, Nam sốt trên 39 độ, người mềm lả như tàu lá chuối, nôn òng ọc, thở khò khè. Mình ôm con vào lòng ứa nước mắt, lòng cầu nguyện cho con được bình an.

Khi nhận kết quả, mình rất bình tĩnh. Mình xin gặp bác sỹ hỏi các diễn biến của bệnh và đề nghị liệu Nam chữa tại nhà với những điều kiện nghiêm ngặt có được không. Bác sỹ đồng ý.

Mình gọi điện cho bố Nam thông báo tình hình và bảo: Nhà cần có một người không bị ốm để còn lo việc, hai mẹ con chọn bố. Nên anh lên tầng 3, cách ly với hai mẹ con nhé.

Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam: Thay vì chia sẻ những tin chưa được kiểm chứng, thay vì than vãn, ủ ê, tất cả chúng mình hãy “THƯƠNG NHAU CÙNG” - Lá chắn virus Corona - Blog - Ảnh 1.

Đỗ Nhật Nam từng vượt qua đại dịch cúm H1N1 năm 2009.

Ông bố Nam đờ đẫn cả người. Mình bảo thôi anh cất sến súa đi, anh gọi điện báo cho bác sỹ nhà mình. Giờ em gửi đơn thuốc, đi mua cho em, mua thêm ít đồ ăn mềm, đồ xông phòng, khăn lau đề phòng con nôn nhiều và khẩu trang cho cả nhà.

Hai mẹ con cùng nhau chiến đấu với dịch

Cắt đặt xong xuôi, cả hai mẹ con bắt đầu cùng nhau chiến đấu với dịch.

Ngày thứ hai thì mình bắt đầu đau người, sốt. Những cơn sốt sầm sập kéo đến quả thực đáng sợ. Nhưng lúc mình sốt thì Nam lau trán, vỗ về và khi con sốt thì mẹ trông.

Dứt sốt hai mẹ con lại chơi xếp hình, chơi cờ caro, chơi ô ăn quan, đọc sách, hát hò, xem phim. Mình muốn con cảm thấy mọi việc rồi sẽ ổn, không có gì đáng sợ. Cứ có bất kì nỗi lo lắng nào, mình lại gọi điện xin lời khuyên của bác sỹ.

Sau 8 ngày thì mọi việc ổn, hai mẹ con đã có thể dắt tay nhau đi dạo, ngắm trăng. Đợt đó đúng dịp rằm tháng tám, đi trong ánh trăng dịu dàng, Nam cứ ôm cổ mẹ nhắc mãi: "Mẹ, mẹ đã chủ động bị lây để ở cùng em. Mẹ đã không sợ gì, chỉ để ở bên em phải không mẹ. Giờ ngồi nghĩ lại, nhớ đến câu nói của Nam, nhớ đến vòng tay êm mềm dưới ánh trăng lại thấy lòng rưng rưng…"

Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam: Thay vì chia sẻ những tin chưa được kiểm chứng, thay vì than vãn, ủ ê, tất cả chúng mình hãy “THƯƠNG NHAU CÙNG” - Lá chắn virus Corona - Blog - Ảnh 3.

Thay vì than vãn, ủ ê, tất cả chúng mình hãy: THƯƠNG NHAU CÙNG

Những đợt dịch như thế, theo một chu kì sẽ quay trở lại thế giới. Nhưng có thể bây giờ, mạng xã hội vừa giúp cho mọi người có ý thức phòng tránh hơn nhưng đồng thời cũng trở nên đáng sợ hơn.

Mình không tưởng tượng nếu năm ấy có mạng xã hội thì mình đã lo lắng, hoang mang thế nào. Đôi khi một biển thông tin dày đặc lại khiến người ta mất định hướng và cảm thấy bất an.

Vì thế, thay vì chia sẻ những tin chưa được kiểm chứng, thay vì than vãn, ủ ê, tất cả chúng mình hãy “thương nhau cùng”.

Ngày hôm qua, nhiều bạn bè gọi điện hỏi mình có cần rau không, có cần hành tỏi, gừng giềng gì không, có cần đi chợ mua thịt cá gì không… Chúng sợ mình ốm không đi chợ được nên tiện mang ở quê ra hoặc tiện đi chợ thì mua cho.

Mình xin mấy đứa bạn ít rau dưa sạch. Mình mang ít hoa quả cho bọn trẻ con ở lớp tiếng Nhật cạnh nhà đang chờ ngày đi xuất khẩu lao động. Mình dặn chúng nó: "Nhà cô có nhiều mì, nếu các con cần cứ qua lấy ăn đề phòng giá các hàng ăn sáng tăng giá". Thương tụi trẻ con không có tiền.

Cô bạn cùng khoa với mình đặt mua khẩu trang để tặng lũ học trò. Mấy đứa sinh viên dạy kèm miễn phí cho bọn trẻ con qua livestream…

Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam: Thay vì chia sẻ những tin chưa được kiểm chứng, thay vì than vãn, ủ ê, tất cả chúng mình hãy “THƯƠNG NHAU CÙNG” - Lá chắn virus Corona - Blog - Ảnh 5.

Những việc tốt nho nhỏ có xung quanh chúng ta và ai cũng có thể làm vì nhau, cho nhau. “Tôi không biết số phận của bạn thế nào nhưng có điều tôi biết rõ: Những người hạnh phúc thực sự là những người tìm cách và biết cách phục vụ người khác”.

Đôi khi sự bất trắc lại kích hoạt lòng nhân ái trong chúng ta

Theo đó, trong mùa dịch này, những người làm ngành y, những người đang căng mình chống dịch, những người không nháo nhào mua cùng bán tận, những bác sỹ học ngôn ngữ cử chỉ để chữa bệnh cho bệnh nhân khiếm thính bị nhiễm cúm… và cả bạn nữa, đều là những người thực sự hạnh phúc.

Trong tiểu thuyết "Nếu anh còn được sống" có một câu rất hay: “Cái chết là sự công bằng nhất mà tạo hóa dành cho con người. Nếu không có nó thì không biết con người còn đối với nhau tồi tệ đến đâu”. Đôi khi sự bất trắc lại kích hoạt lòng nhân ái trong chúng ta.

Và mình cũng nhớ, vào thời điểm năm 2001, khi cơn sóng thần cuồng nộ quét qua các nước Nam á, một tờ báo Nam phi nhận xét: Yếu tố tích cực duy nhất sản sinh từ thảm họa sóng thần đó là sản sinh ra CƠN SÓNG TÌNH NGƯỜI.

Mình cũng hy vọng có những cơn sóng tình người từ đại dịch lần này. Chứ không lẽ nào: Thượng Đế đã đúng khi gửi tới con virus và rồi ngồi đó nhìn loài người vơi dần, không chỉ bằng virus?

Chị Phan Hồ Điệp, Giảng viên Khoa Giáo dục Đặc biệt - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Nguồn bài viết:  https://www.facebook.com/photo.php?f...

 - Ảnh 1.