01
Ngày hôm qua, mẹ tôi gọi điện cho tôi nói dì sẽ đi châu Âu mùa hè này. Khỏi phải nói, tôi vui mừng biết bao. Bố mẹ tôi xuất phát là công nhân nhà máy cao su nhưng sau đó, mẹ trở về làm ruộng. Tôi vốn thích đi du lịch, thích tìm hiểu và khám phá. Vì thế, cả gia đình tôi đã rất phản đối khi tôi nói nghỉ việc ở công ty và sẽ học cách kiếm tiền từ việc đi du lịch. Thậm chí, khi nghe tin ấy, suốt 1 tuần trời, tối nào mẹ cũng gọi điện khuyên nhủ tôi và nhắc đi nhắc lại: "Sao dại dột thế con ơi? Tương lai còn dài mà".
Từ thời điểm ra quyết định ấy tính đến nay đã được 3 năm rưỡi, tôi theo đuổi công việc travel blogger. Công việc này không hề dễ như mọi người tưởng nhưng lại luôn đem lại niềm cảm hứng sống cho tôi mỗi ngày. Bố mẹ thấy vậy, cũng không còn ra sức khuyên can tôi nhiều như trước nữa. Thay vào đó, họ nói với tôi: "Cứ làm điều con muốn nhưng con phải suy nghĩ kĩ về quyết định của mình."
Tôi vui lắm. Tôi biết con đường mình đi chắc chắn còn nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ không làm phụ lòng họ. Thỉnh thoảng, mẹ tôi có hỏi: "Du lịch có gì hay mà sao bọn trẻ chúng mày thích mê thế con?". Tôi chỉ cười xòa: "Hay cả nhà mình làm một chuyến du lịch nhỉ?". Mẹ đáp lại ngay: "Bọn tao đâu có nhiều tiền mà đi du lịch suốt ngày như thế. Mà đi như thế hàng xóm họ biết họ lại nói mình nọ kia, sống hoang phí, bố mẹ biết đào hố trốn đâu cho đỡ xấu hổ?". Và, lần nào kết thúc cuộc trò chuyện, mẹ cũng dặn dò giữ sức khỏe và nhớ suy nghĩ về tương lai phía trước nhé.
Ấy vậy mà, hôm qua, mẹ gọi điện cho tôi nói sẽ đi mấy nước châu Âu mùa hè này cùng với hội bạn cũ. "Tiền lương hưu, tiền tích cóp sau bao năm đi làm và thỉnh thoảng tiền bán rau bán quả chắc chắn đủ", mẹ bảo thế.
Tôi bất ngờ lắm khi nghe mẹ nói như vậy. Chắc hẳn, mẹ tôi đấu tranh "dữ dằn" lắm. Có vẻ trong thời gian ở nhà, mẹ tôi đã có nhiều thời gian xem ti vi, đọc báo mạng nên suy nghĩ cũng thoáng hơn. Bố tôi ban đầu cũng phản đối nhưng sau khi nghe mẹ phân tích, bố tôi cũng đã đồng ý ở nhà trông nhà cho mẹ đi chu du mùa hè này.
Bạn thấy đấy, ngay cả mẹ tôi U65 cuối cùng đã chịu làm một việc gì đó mới mẻ. Tại sao bạn còn trẻ mà lại sợ điều tiếng, sợ sai lầm rồi cứ thế bỏ qua những gì mình muốn làm? Ngày hôm qua sẽ không bao giờ trở lại, không bắt tay vào làm ngay ngày hôm nay thì ngày mai rồi cũng sẽ trở thành một ngày hôm qua đáng tiếc mà thôi.
02
Tôi có một cô bạn thân hiện đang ở nhà viết sách. Trước khi nghỉ ở nhà để chú tâm viết sách, cô ấy có trải qua 6, 7 công ty và 2, 3 nghề khác nhau. Nhiều người nói cô ấy không kiên nhẫn, thậm chí nói sống không biết điều, sống ích kỉ nên mới không làm được lâu đến như vậy.
Cô ấy biết hết và chỉ nói riêng với tôi rằng cô ấy muốn trải nghiệm tất cả. Công việc nào, cô ấy cũng làm rất tốt, thậm chí được sếp rất ưu ái. Nhưng khi cảm thấy bản thân đã học được những điều cần thiết và thấy mình cần nhường cơ hội cho những người khác, cô ấy nộp đơn nghỉ việc. Cô ấy là tuýp người sống tự do, không thích gò bó không có nghĩa là cô ấy cho phép bản thân sống không nỗ lực, sống buông thả, không mục đích. Cô ấy cần trải nghiệm và hơn hết, cô ấy cần những thay đổi nhỏ để cuộc sống mới mẻ và cảm hứng hơn.
Trước đây, cô ấy từng làm nhân viên order, nhân viên PR, quản lý dự án NGO, thậm chí đã từng là giám đốc nhân sự. Những ngày tháng ấy, những trải nghiệm ấy đều là những chi tiết quý giá trong những cuốn sách cô ấy viết. Tôi cũng rất tự hào về người bạn của mình, 35 tuổi, vẫn là một người vợ đảm đang, chăm sóc 2 đứa trẻ và năm vừa rồi được vinh danh vào top 3 những tác giả viết sách chạy nhất.
Và đến bây giờ, dù dành thời gian ở nhà là chính nhưng cô ấy vẫn cố gắng làm mới mình bằng cách học thêm một số bộ môn như yoga, thiền song song với việc học đàn piano. Sau 5 tháng học nhảy Latin, cô ấy nói mình không hợp với những bước nhảy nhanh và đã quyết định nhanh chóng theo đuổi bộ môn tĩnh tâm là yoga. Nếu không thay đổi mỗi ngày, được làm những điều mới, cô ấy có thể sẽ chẳng làm tốt những công việc đơn giản ngay cả ở nhà như nấu ăn cho bọn trẻ.
Mỗi người trung bình chỉ sống 80 năm. 20 năm đầu đời chúng ta sống theo sự hướng dẫn và chỉ bảo của bố mẹ. 60 năm sau, nếu chúng ta không sống theo ý bản thân thì cả đời chỉ có một chữ "tiếc" mà thôi. Phần lớn con người chỉ thích sống trong vùng an toàn cả đời mà quên mất rằng mỗi độ tuổi của cuộc đời có những vùng an toàn riêng.
03
Trước khi nghỉ việc để theo đuổi công việc là travel blogger, tôi là một nhân viên truyền thông. Với một sinh viên ra trường khi đó, thu nhập của tôi được xếp vào hàng đáng ngưỡng mộ. Tất nhiên, bố mẹ tôi cũng hay khoe khoang số tiền lương của tôi với hàng xóm nên tôi luôn cảm thấy mình quá tốt rồi.
Tôi tự cao tự đại cho rằng những người bạn nhảy việc xung quanh mình là những kẻ bồng bột, không biết suy nghĩ trước sau. Còn tôi mới là một người đáng ngưỡng mộ, thu nhập tốt, công việc ổn định. Tôi dùng tiền mình kiếm được để đi bar, mua đồ hiệu, đi nghỉ dưỡng ở khách sạn 5 sao, resort cao cấp. Mẹ tôi thường dặn là hoang phí nhưng tôi cho rằng mình xứng đáng được nhận như vậy. Vì công việc của tôi gắn với hai chữ "sáng tạo" nên cách dùng tiền của tôi cũng cốt là để tôi được thoải mái.
Nhưng chính vì hai chữ "sáng tạo" ấy mà tôi trở nên cằn cỗi. Tính từ khi ra trường, tôi đã gắn bó với công ty ấy được 7 năm rưỡi. Trước đó, tôi luôn cảm thấy ổn định là tốt nhất nhưng tôi đã sai. Tôi lại bỗng nhiên mắc căn bệnh sợ thay đổi. Điều đáng nói, kĩ năng của tôi chẳng tiến bộ là mấy. Leader khi ấy của tôi là một em gái kém tôi 3 tuổi nhưng kinh nghiệm và bảng thành tích đáng nể.
Thời điểm quyết định nộp đơn xin việc, tôi đã suy nghĩ rất nhiều vì từ trước tới giờ, tôi chỉ làm một nghề ở một công ty. Dù rất hâm mộ những bạn trẻ dám nhảy việc, dám start up, dám làm những điều mà người khác cho là điên rồ nhưng tôi nghĩ mình mãi mãi chỉ là người đứng nhìn. Tôi đã nghĩ rất nhiều rằng liệu nếu bước khỏi vùng an toàn thì mình có bước tới một vùng an toàn khác không hay sẽ là một nơi chông chênh, liệu đây có phải là một bước ngoặt hay là quyết định mang tính tạm thời...
Và cuối cùng, tôi đã an toàn khi bước ra được chính những nỗi sợ của bản thân. Nỗi sợ, ai cũng có và nỗi sợ theo con người ta cả đời. Sự ổn định, ai cũng mong muốn và sự ổn định chỉ xuất hiện khi con người ta cam chịu sống mờ nhạt. Mỗi người chỉ được sống một lần trong đời, không vì mình để sống thì cuối đời xin đừng nói hai chữ "giá như".